Đó là nội dung chính của Chỉ thị số 12 /CT-UBND được UBND tỉnh ban hành ngày 24 tháng 9 năm 2014
Chỉ thị nêu rõ: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 150/2009/NQ-HĐND ngày 14/7/2009 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu về công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) giai đoạn 2009-2015 và 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được một số kết quả quan trọng; nhận thức của Nhân dân về chính sách DS-KHHGĐ đã từng bước chuyển biến rõ rệt, quy mô gia đình có một hoặc hai con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tiếp tục giảm; chất lượng dân số được cải thiện.
Tuy nhiên trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế: Tỷ lệ giảm sinh hàng năm (trung bình đạt 0,62‰/năm), tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai (61,4%) còn thấp; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên (22,67% năm 2013), tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn ở mức cao; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng gia tăng; tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra; tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh để phát hiện các khiếm khuyết thai nhi và các bệnh lý ở trẻ sơ sinh còn hạn chế; chất lượng dân số tuy được cải thiện nhưng còn ở mức thấp; có lúc, có nơi chưa thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, vận động, quán triệt đầy đủ và chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện công tác DS-KHHGĐ; một số cán bộ, đảng viên còn sinh con thứ 3 trở lên, việc xử lý vi phạm còn thiếu kiên quyết…gây tác động tiêu cực đến việc vận động thực hiện công tác DS-KHHGĐ ở địa phương.
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới từng bước nâng cao chất lượng dân số, cải thiện điều kiện sống của Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XII nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra và định hướng chỉ tiêu thực hiện đến năm 2020. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Các Sở, Ban, Ngành tỉnh; Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố
- Tập trung mọi nỗ lực thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu: Đến năm 2015, giảm tỷ lệ sinh bình quân 0,5‰/năm, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên bình quân 2,5 - 3%/năm, giảm tỷ lệ tảo hôn bình quân 5%/năm; Giai đoạn 2016 - 2020, giảm tỷ lệ sinh bình quân 0,5‰/năm; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên bình quân 1 - 1,5%/năm, giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bình quân 5%/năm và nâng cao chất lượng dân số, phấn đấu đạt mức sinh thay thế vào năm 2020.
- Tiếp tục quán triệt sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ. Chú trọng tuyên truyền Pháp lệnh số 08/2008/UBTVQH12 ngày 27/12/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003 để cán bộ, công chức, viên chức, quần chúng Nhân dân nắm vững và thực hiện nghiêm các quy định về quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, giáo dục về DS-KHHGĐ với hình thức, nội dung phù hợp từng nhóm đối tượng, thực hiện có hiệu quả việc tư vấn cá nhân, tư vấn cộng đồng, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi có mức sinh cao, vùng đông dân có mức sinh chưa ổn định, các đối tượng sinh con một bề, công nhân lao động trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với công tác DS-KHHGĐ; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm về sự giảm sút, yếu kém trong công tác DS-KHHGĐ của đơn vị, cơ sở trong thời gian qua, từ đó có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và khắc phục kịp thời trong thời gian tới. Xử lý nghiêm theo quy định những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm chính sách DS-KHHGĐ và để con, em tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
- Đẩy mạnh xã hội hóa về công tác DS-KHHGĐ, huy động toàn xã hội tích cực tham gia. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia DS- KHHGĐ với chương trình giảm nghèo, việc làm và các chương trình mục tiêu khác trên địa bàn để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
- Tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác DS-KHHGĐ từ nguồn ngân sách nhà nước, địa phương và sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
2. Sở Y tế
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân thực hiện có hiệu quả công tác DS-KHHGĐ. Tổ chức tốt chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.
- Đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện để thực hiện và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho Nhân dân. Cung cấp kịp thời, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người sử dụng các biện pháp tránh thai, đảm bảo chất lượng, an toàn và thuận tiện. Tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả các mô hình, đề án, dự án từ chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ để nâng cao chất lượng dân số.
- Thường xuyên kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ và nâng cao hiệu quả quản lý công tác DS-KHHGĐ, đảm bảo đủ về số lượng và đạt yêu cầu về trình độ chuyên môn, năng lực công tác theo quy định của pháp luật. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ các cấp, đặc biệt tuyến cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
- Tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn.
- Theo dõi, đôn đốc, định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này về UBND tỉnh.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính
Tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác DS- KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đáp ứng mục tiêu đề ra.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Lai Châu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh
Phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục với thời lượng thích hợp để tuyên truyền kết quả thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, kịp thời nêu gương những điển hình, nhân tố mới.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo.
Tiếp tục chỉ đạo có hiệu quả hoạt động giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản, giới và giới tính trong các trường học.
6. Trường Chính trị tỉnh.
Tiếp tục rà soát và đưa nội dung, chính sách DS-KHHGĐ vào chương trình giảng dạy đối với các lớp lý luận chính trị, quản lý nhà nước.
7. Sở Tư pháp.
Phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo, tuyên truyền triển khai có hiệu quả Luật Hôn nhân và gia đình, công tác tư pháp tại cơ sở.
8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tăng cường công tác dạy nghề tạo việc làm nhằm sử dụng tối đa lực lượng lao động tại địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trẻ em, thực hiện bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội; lồng ghép nội dung giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản trong các cơ sở đào tạo nghề.
9. Công an tỉnh.
Phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
10. Ban Dân tộc tỉnh.
Triển khai có hiệu quả các kế hoạch, dự án hỗ trợ chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với dân tộc có nguy cơ suy giảm số lượng, chất lượng giống nòi.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể
Phối hợp với chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, Luật Hôn nhân và gia đình; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh.