Thứ năm 28/11/2024
in trang
Kế hoạch hành động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ebola tỉnh Lai Châu
 
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh Ebola xâm nhập và lây lan trên địa bàn tỉnh. Ngày  11   tháng 9 năm 2014, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1357 /UBND-NN, Hành động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Ebola tỉnh Lai Châu.
 
Bệnh do virus Ebola (bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể lên tới 90%). Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường, dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.
 
Trên thế giới: Vụ dịch đầu tiên được ghi nhận vào năm 1976 tại Sudan với hơn 600 trường hợp mắc. Từ đó đến nay dịch đã xảy ra tại 11 quốc gia Châu Phi. Tích lũy từ đầu vụ dịch đến ngày 22/8/2014 tại 4 Quốc gia Tây Phi ghi nhận 2.615 trường hợp mắc, trong đó 1.427 tử vong  Guinea (606 mắc/406 tử vong), Lyberia (1082 mắc/ 624 tử vong), Nigeria (16 mắc/5 tử vong) và Sierra Leone (910 mắc/392 tử vong). Đặc biệt vụ dịch lần này đã ghi nhận trên 200 cán bộ y tế đã mắc bệnh do vi rút Ebola là những người trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh Ebola tại các quốc gia này.
 
Tại Việt Nam: Qua hệ thống báo cáo giám sát đến ngày 01/9/2014 nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Ebola, tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua các đối tượng là khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trỏ về từ khu vực Châu Phi là hoàn toàn có thể.
 
Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, Bộ Y tế nhận định nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng và khu dân cư đông người nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống do:
 
Bệnh do vi rút Ebola lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người và động vật mắc bệnh.
 
 Tỷ lệ mắc và từ vong đang tăng cao từng ngày tại các quốc gia vùng Tây Phi.
 
Nguy cơ bệnh có thể xâm nhập vào nước ta nói chung cũng như tỉnh Lai Châu là rất cao, thông qua các khách du lịch, người lao động và học tập nhập cảnh trở về từ các quốc gia vùng Tây Phi hoặc hành khách nhập cảnh có thời gian ở, đi qua các quốc gia vùng có dịch, cửa khẩu Ma Lù Thàng.
 
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu tuy nhiên bệnh dịch có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
 
Tại Lai Châu đến thời điểm này chưa ghi nhận ca mắc vi rút Ebola trên người, nhưng nguy cơ lây nhiễm bệnh do vi rút Ebola qua khu vực cửa khẩu và các lối mở qua biên giới trên địa tỉnh là rất lớn. Mặt khác, kiến thức về phòng chống bệnh do vi rút Ebola của người dân tại địa phương còn hạn chế.
 
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh do vi rút Ebola, xử lý kịp thời, khống chế không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc, tử vong.
 
Đồng thời, chủ động sẵn sàng ứng phó, đáp ứng nhanh với dịch bệnh do vi rút Ebola trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
 
Thu Hoài