Thứ sáu 29/11/2024
in trang
Kết luận của Phó CT UBND tỉnh tại HN sơ kết 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch môi trường rừng
 
Ngày  11/8/2014, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 50 /TB-UBND, Kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Ban Chỉ đạo về kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ Môi trường rừng tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011-2020 tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ Môi trường rừng ngày 28/7/2014.
        
Sau khi nghe Sở Nông nghiệp & PTNT thông qua các dự thảo: Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và Quy chế quản lý thực hiện chính sách chi trả dịch vụ Môi trường rừng tỉnh Lai Châu; ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến kết luận như sau:
  
1. Về kết quả đạt được: Qua 3 năm triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đó là:
   
- Về công tác tổ chức: Đã thành lập, từng bước kiện toàn và vận hành hoạt động có hiệu quả, hệ thống tổ chức quản lý, chỉ đạo điều hành từ tỉnh đến huyện, gồm: Ban Chỉ đạo về kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh, Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh; Ban Chỉ đạo của các huyện, thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
   
- Về cơ chế quản lý, triển khai thực hiện: Đã ban hành được điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng; phê duyệt được đề án thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện; hàng năm phê duyệt kịp thời kế hoạch thu, chi để các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ.
- Đã rà soát, xác định được diện tích rừng tại các lưu vực và chủ rừng để chi trả. Việc ký hợp đồng nhận ủy thác tiền chi trả DVMTR từ Quỹ Trung ương và các thủy điện trong tỉnh được thực hiện nghiêm túc, kịp thời; số tiền nợ đọng của các thủy điện trong tỉnh là không đáng kể. Đến nay đã thực hiện xây dựng kế hoạch thu trên 539.000 triệu đồng và tổ chức chi trả đến hết năm 2013 được trên 282.000 triệu đồng.
  
- Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan chuyên môn đã triển khai rất quyết liệt bám sát vào nội dung chính sách để tổ chức thực hiện hoàn thành theo tiến độ.
  
- Số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy giảm rõ rệt, các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, tình trạng đốt phá rừng để làm nương rẫy đã giảm đáng kể; việc chặt cây tươi vẫn còn xảy ra nhưng không nhiều, ở một số bản đã xây dựng được hương ước, quy ước để Nhân dân trong bản thực hiện. Công tác tuần tra bảo vệ rừng đã được thực hiện một cách thường xuyên và liên tục đặc biệt là ở cấp xã, bản, các xã đã sử dụng số tiền chi phí quản lý chung để chi cho tổ đội xung kích tuần tra rừng; phát dọn thực bì và làm đường băng trắng cản lửa. Việc thực thi chính sách đã góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững, làm tăng khả năng phòng hộ của rừng, điều hòa khí hậu, giữ và cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện cũng như sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân; tăng độ che phủ của rừng từ 41,6% năm 2011 lên 43,82% năm 2013.
  
- Việc thanh quyết toán tiền chi trả DVMTR của các Ban Quản lý rừng phòng hộ, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh được Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai kịp thời.
  
2. Về tồn tại, hạn chế
   
- Công tác tuyên truyền đã được thực hiện, song vẫn còn nhiều hạn chế, nội dung còn đơn điệu, chưa thường xuyên liên tục, hiệu quả tuyên truyền chưa cao, nhất là tại địa bàn các bản vùng sâu vùng xa.
  
- Việc xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, hướng dẫn còn chậm, chưa sát thực tế và chưa kịp thời nên việc thực hiện của các đơn vị còn nhiều lúng túng, bất cập.
  
- Việc xây dựng phương thức và tổ chức hợp đồng khoán bảo vệ rừng còn lúng túng, chưa rõ; hợp đồng khoán triển khai trên văn bản chưa tổ chức bàn giao cụ thể ngoài thực địa nên còn xảy ra tình trạng tranh chấp.
  
- Cấp ủy, chính quyền tại một số địa phương đặc biệt là cấp xã chưa thật sự quan tâm sát sao tới công tác bảo vệ và phát triển rừng, chi trả DVMTR; việc triển khai còn thụ động, chưa rõ trách nhiệm, chỉ đạo không quyết liệt, chưa lồng ghép thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng vào nội dung hoạt động của xã; vai trò, trách nhiệm của Trưởng thôn, bản chưa được phát huy, chưa chủ động tổ chức quản lý bảo vệ diện tích nhận khoán, việc phân công tuần tra canh gác bảo vệ rừng ở một số bản thực hiện chưa thường xuyên. Tình trạng vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng, có lúc có nơi vẫn xảy ra, các tổ đội xung kích đã được thành lập song hoạt động hiệu quả chưa cao; công tác tuần tra bảo vệ rừng ở một số nơi còn lơi lỏng.
  
3. Các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
  
- Về tổ chức bộ máy và cán bộ: Ban Chỉ đạo các cấp sớm củng cố, kiện toàn; đồng thời xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác quản lý và bảo vệ rừng nói chung, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng nói riêng.
  
- Cơ chế chính sách: Sở Nông nghiệp & PTNT tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu tham dự tại Hội nghị cũng như ý kiến tham gia của các huyện, thành phố, hoàn thiện lại dự thảo lần 2 về Quy chế quản lý thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong tháng 8; sau đó tiếp tục lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan hoàn thiện trình UBND tỉnh ban hành vào cuối tháng 9.
  
- Về Công tác tuyên truyền: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu; Đài Truyền thanh - truyền hình huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị chức năng tăng số lượng, thời lượng các tin, bài phóng sự, số lượng tờ rơi, thiết kế hệ thống biển báo tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR phù hợp với tình hình thực tế bảo vệ rừng và thuận lợi để người dân cảnh báo bảo vệ rừng. Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể huyện, UBND các xã tăng cường tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới các thôn, bản bằng nhiều hình thức.
     
- Công tác chỉ đạo, điều hành: UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn hướng dẫn các thôn bản xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng của từng thôn bản, tổ chức các chủ hộ nhận khoán ký cam kết bảo vệ rừng với UBND cấp xã; phối hợp với các cơ quan của huyện, UBND xã tiến hành phân định rõ diện tích, ranh giới, mốc quản lý bảo vệ rừng theo từng bản, nhóm hộ, hộ gia đình cá nhân để gắn quyền và trách nhiệm cụ thể.   
  
- Công tác kiểm tra giám sát: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR tại các đơn vị đảm bảo đúng quy định. UBND các huyện, thành phố chủ động tăng cường triển khai công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách chi trả tại cơ sở; đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của Nhân dân, không để xảy ra sai sót, tiêu cực trong quá trình thực hiện.
    
- Đối với Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT tiếp thu các ý kiến tham gia, sớm hoàn thiện trình UBND tỉnh ban hành.
   
- Đối với việc xây dựng các Trạm gác cửa rừng trên địa bàn huyện Tân Uyên, UBND huyện khẩn trương khảo sát, hoàn thiện các thủ tục đầu tư báo cáo UBND tỉnh, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Kế hoạch & Đầu tư trước tháng 11/2014.
   
- Đối với các dự án đã được bố trí hỗ trợ từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường tỉnh năm 2014, Quỹ Bảo vệ & Phát triển rừng tỉnh đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện; riêng dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất tại huyện Tam Đường và Tân Uyên, UBND các huyện đôn đốc chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ đẩy nhanh việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án sản xuất đảm bảo triển khai đúng tiến độ và thời vụ.
 
Thu Hoài