TS Trần Du Lịch:
* Ông có thể nói rõ hơn về một mặt bằng giá mới là như thế nào?
- Từ quý IV/2010 đến nay, nguyên nhân lạm phát của nền kinh tế nghiêng về yếu tố chi phí đẩy nên giá cả hàng hóa dịch vụ trên thị trường tự hình thành một mặt bằng mới. Mặt bằng này thể hiện chỉ số CPI hằng tháng, mà hiện nay chưa lường được nó cứ từng bước nhích lên bao nhiêu và đến bao giờ. Chính phủ cần chủ động tạo mặt bằng giá mới thông qua việc tính toán một gói giá cả cần điều chỉnh như điện, than, xăng dầu và cả điều chỉnh lương tối thiểu vào đầu tháng 5 nữa. Với động thái này, chỉ số CPI có tăng nhanh trong vài tháng trước mắt nhưng nền kinh tế sẽ hình thành một mặt bằng giá mới so với cuối năm 2010 (thể hiện qua chỉ số CPI) và sau đó giữ sự ổn định tương đối trên mặt bằng này.
Cần thắt chặt tài khóa và chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất bóng đèn compact tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang. Ảnh: Hồng Thúy
* Nhưng có gì chắc chắn là giữ được mặt bằng giá mới khi hình thành?
- Vấn đề là ở đây. Giải pháp trên chỉ khả thi nếu Chính phủ quyết liệt và chấp nhận giảm tốc độ tăng GDP so với mục tiêu 7%-7,5%, mà chỉ nhằm vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể là phải thắt chặt chính sách tiền tệ như hạn chế tốc độ tăng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tăng cung tiền chỉ mức 15%-16%; cắt giảm đầu tư và chi tiêu công; giảm bội chi ngân sách; tạm thời gian kéo dãn những công trình đầu tư mà phải nhập khẩu nhiều vật tư, nguyên liệu để giảm nhập siêu; giảm thâm hụt cán cân vãng lai... tạo niềm tin cho thị trường về khả năng giữ ổn định tỉ giá VNĐ.
Nói chung là phải giảm tổng cầu của nền kinh tế. Đây là điều kiện để giữ được mặt bằng giá mới khi hình thành. Nếu kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin của thị trường được củng cố thì với sức sống của nền kinh tế Việt Nam, việc tăng GDP 6%-7% là điều không khó. Trong bối cảnh hiện nay, không nên hướng chính sách kinh tế-tài chính vào chỉ tiêu này mà phải thực sự hướng vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.