Thứ sáu 29/11/2024
in trang
Tàu vàng không phép ngang nhiên hoạt động
 
Dù giấy phép hoạt động đã hết hạn từ cuối tháng 11/2010 và chưa được cấp mới trở lại, các cơ quan chức năng đã đình chỉ mọi hoạt động, chính quyền địa phương thì liên tục nhắc nhở… Song hàng loạt tàu vàng dọc sông Đà vẫn ngang nhiên hoạt động.
Theo thống kê của Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Mường Tè, hiện trên địa bàn toàn huyện có 36 tàu khai thác vàng sa khoáng dọc sông Đà. Số tàu này của 3 đơn vị: Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Lan; Doanh nghiệp Xây dựng tư nhân Thanh Bình và Công ty Cổ phần Khoa Vạn Long. Số tàu vàng trên đã được cấp giấy phép khai thác nhưng đến thời điểm cuối tháng 11/2010, giấy phép của các tàu này đều hết hạn. Giấy cấp phép khai thác hết hạn đồng nghĩa với việc các đơn vị phải dừng hoạt động, chờ cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép mới để được tiếp tục hoạt động khai thác. Tuy nhiên trên thực tế, theo ghi nhận của phóng viên, đến hết tháng 1 vừa qua, mặc dù chưa có đơn vị nào được cấp giấy phép khai thác trở lại, song đa số các con tàu khai thác vàng vẫn ngang nhiên hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm mà không cần biết đến giấy phép là gì.

Dù cơ quan có thẩm quyền đã đình chỉ song những chiếc tàu vàng vẫn ngang nhiên hoạt động (ảnh chụp ngày 24/1/2011 tại địa phận xã Nậm Khao, huyện Mường Tè).
Đơn cử như việc chúng tôi đi thực tế tại địa bàn 3 xã dọc sông Đà: Bum Tở, Nậm Khao và xã Mường Tè (huyện Mường Tè) 25 tàu khai thác vàng đang nằm rải rác dưới lòng sông Đà, trong số đó chỉ có 8 tàu đã dừng khai thác, còn lại 17 tàu khác vẫn hoạt động.
Trao đổi với ông Nguyễn Đức Hiền – Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Mường Tè về vấn đề này, chúng tôi được biết: Từ cuối tháng 11/2010, sau khi giấy phép khai thác của các đơn vị nêu trên hết hạn, UBND huyện Mường Tè đã cử đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra, lập biên bản đình chỉ mọi hoạt động; yêu cầu chính quyền các xã có tàu vàng đang hoạt động trên địa bàn xã mình quản lý kiểm tra sát sao và báo cáo thường xuyên về huyện. Đồng thời xây dựng báo cáo trình lên Sở Tài nguyên & Môi trường và UBND tỉnh, kết hợp với kết quả rà soát của đoàn kiểm tra của tỉnh để từ đó UBND tỉnh có cơ sở cấp giấy phép khai thác mới cho các đơn vị này nữa hay không… Để có thể quản lý triệt để vấn đề này, theo ông Hiền cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở.
Tại xã Mường Tè chúng tôi được ông Lù Văn Thính - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Hiện trên địa bàn xã Mường Tè đang có 10 tàu khai thác vàng, trong đó 7 tàu vẫn đang hoạt động. Mặc dù từ sau khi có công văn chỉ đạo của UBND huyện về việc đình chỉ mọi hoạt động của những tàu vàng nêu trên, chính quyền xã đã nhiều lần cử cán bộ đi kiểm tra và yêu cầu các tàu ngừng hoạt động nhưng các tàu vẫn khai thác…
Ông Phan Văn Thóc – Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng phản ánh: Do đóng cửa số 1 của nhà máy Thủy điện Sơn La, nước ở khu vực dưới dâng cao nên 4 tàu khai thác vàng đã di chuyển lên địa phận xã Nậm Hàng. Họ đến khai thác trên địa bàn xã nhưng không báo với chính quyền địa phương, chỉ đến khi chúng tôi đi kiểm tra mới phát hiện. Chúng tôi đã báo cáo lại vấn đề này với huyện và với đoàn công tác của Sở Tài nguyên & Môi trường để có biện pháp xử lý dứt điểm.
Ông Lê Hồng Phong – Giám đốc Điều hành (Chi nhánh Công ty Cổ phần Khoa Vạn Long tại Lai Châu) – một trong những đơn vị có số lượng tàu khai thác vàng lớn nhất huyện Mường Tè khẳng định: Chúng tôi đã đình chỉ và yêu cầu tất cả các tàu khai thác của đơn vị ngừng hoạt động. Ngay sau khi cho ngừng hoạt động, mỗi tàu đơn vị chỉ để lại 1 đến 2 người ở lại trông tàu. Có thể do một số anh em ở lại tự ý nổ máy cho tàu hoạt động. Về vấn đề này đơn vị sẽ cho người đi kiểm tra lại và sẽ xử lý nghiêm những ai vi phạm quy định của Công ty…
Dù tự ý hay cố tình, ngang nhiên hoạt động khi đã có quyết định đình chỉ của cơ quan có thẩm quyền đều là vi phạm luật. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có biện pháp cứng rắn hơn để xử lý nghiêm những vi phạm trên.
 
Theo Laichau.vn