Thứ sáu 29/11/2024
in trang
UBND tỉnh: Hướng dẫn thực hiện một số nội dung Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2013
 
Để thống nhất triển khai nguồn vốn thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2013; Trang Thông tin điện tử Văn phòng UBND tỉnh trích dẫn một số nội dung Công văn số 396/UBND-NLN ngày 16/4 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về hướng dẫn thực hiện một số nội dung Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2013.
 
I. Phạm vi áp dụng.
 
Các nội dung của hướng dẫn này được áp dụng thực hiện theo các nguồn vốn được giao năm 2013 (bao gồm cả kinh phí chi chuyển nguồn năm 2012 sang năm 2013), bao gồm:
 
- Vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2013 (Giao tại Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 08/01/2013 của UBND tỉnh); vốn đầu tư kết dư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2012.
 
- Kinh phí hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả canh tác của các cánh đồng (đã giao dự toán năm 2012 cho các huyện).
 
- Kinh phí thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015 (đã giao dự toán năm 2012 và năm 2013 đã giao).
 
 - Vốn đóng góp ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp cho chương trình xây dựng nông thôn mới.
 
II. Về quy mô, định mức; đề xuất danh mục; lập, thẩm định đầu tư đường giao thông nông thôn (áp dụng cho cả đường giao thông nội đồng).
 
1. Quy mô, kỹ thuật và định mức hỗ trợ.
 
a) Về quy mô, kỹ thuật đường giao thông nông thôn:Thực hiện theo  Quyết định 315/QĐ-BGTVT ngày 23/02/2011 của Bộ Giao thông Vận tải về việc ban hành hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.
 
b) Định mức hỗ trợ.
 
- Đối với công trình nâng cấp, sửa chữa (đã có nền):
 
+  Nhà nước hỗ trợ chi phí cải tạo, nâng cấp phần nền đường để đạt tiêu chuẩn, mức hỗ trợ tối đa đối với: Đường cấp A là 300 triệu đồng/km, đường cấp B là 200 triệu đồng/km.
 
+ Nhà nước hỗ trợ 100% xi măng đến chân công trình, nhân dân hiến đất, góp công lao động, vật liệu sẵn có ở địa phương để thi công phần mặt đường. Đối với những nơi khó khăn về vật liệu, nhà nước hỗ trợ thêm các vật liệu khác như cát, sỏi... đến chân công trình (căn cứ điều kiện cụ thể từng địa phương, địa điểm xây dựng công trình giao UBND huyện, thị xã quyết định nội dung hỗ trợ cụ thể).
 
- Đối với công trình mở mới:  
 
+ Nhà nước hỗ trợ chi phí mở mới nền đường, mức hỗ trợ tối đa đối với: Đường cấp A là 500 triệu đồng/km, đường cấp B là 400 triệu đồng/km, đường cấp C là 50 triệu đồng/km (bao gồm cả chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và các chi phí khác).
 
+ Nhà nước hỗ trợ 100% xi măng đến chân công trình, nhân dân góp công lao động, vật liệu sẵn có ở địa phương để thi công mặt đường. Đối với những nơi khó khăn về vật liệu, nhà nước hỗ trợ thêm các vật liệu khác như cát, sỏi... đến chân công trình (căn cứ điều kiện cụ thể từng địa phương, địa điểm xây dựng công trình giao UBND huyện, thị xã quyết định nội dung hỗ trợ cụ thể).
 
Trường hợp không vận động được nhân dân hiến đất có thể dùng quỹ đất của xã để đổi đất của dân tại khu vực cần giải phóng mặt bằng. UBND xã thống nhất với Thường trực HĐND xã để thực hiện.
 
2. Đề xuất, phê duyệt danh mục đầu tư.
 
- Ban quản lý xã lựa chọn danh mục theo thứ tự ưu tiên, tổ chức họp dân xin ý kiến, báo cáo UBND xã để thống nhất với Thường trực HĐND xã thông qua. Riêng năm 2013, đối với nguồn vốn đầu tư chương trình MTQG nông thôn mới, nguồn kinh phí thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn chỉ hỗ trợ đầu tư các tuyến đường giao thông liên bản, đến bản và đường nội bản; đối với nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả canh tác của các cánh đồng chỉ hỗ trợ đầu tư đường giao thông nội đồng.
 
Việc xin ý kiến của nhân dân tập trung vào các nội dung: Đóng góp của nhân dân xây dựng công trình về: Hiến đất, công lao động, vật tư, phương án giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công khi được phê duyệt.
 
- Ban quản lý xã tổng hợp danh mục công trình, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên gửi UBND huyện, thị xã. UBND các huyện, thị xã xem xét:
 
+ Đối với các công trình sử dụng các nguồn vốn đã phân bổ cho ngân sách các huyện, thị xã (gồm kinh phí thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả canh tác của các cánh đồng, vốn đầu tư kết dư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2012): UBND các huyện, thị xã phê duyệt danh mục các công trình đầu tư và giao cho các xã tổ chức thực hiện trước ngày 30/4/2013.
 
+ Đối với các công trình sử dụng vốn đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2013: UBND các huyện, thị sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, gửi Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/4/2013.
 
Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 15/5/2013.
 
3. Về quản lý đầu tư xây dựng công trình.
 
a) Chủ đầu tư:
 
- Đối với công trình có tổng mức đầu tư đến 3 tỷ đồng (bao gồm cả phần ngân sách nhà nước hỗ trợ và đóng góp của nhân dân), giao cho UBND xã làm chủ đầu tư. UBND huyện, thị có trách nhiệm hướng dẫn và tăng cường cán bộ chuyên môn giúp các Ban quản lý xã thực hiện nhiệm vụ được giao.
 
- Đối với công trình có tổng mức đầu tư trên 3 tỷ đồng (bao gồm cả phần ngân sách nhà nước hỗ trợ và đóng góp của nhân dân), giao cho UBND huyện, thị xã làm chủ đầu tư.
 
b) Lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư:
 
- Đối với công trình có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản, thời gian thực hiện 01 năm và có tổng mức đầu tư đến 3 tỷ đồng: Áp dụng cơ chế đặc thù theo hướng không phải lập báo cáo KTKT, trên cơ sở thiết kế mẫu, thiết kế điển hình giao UBND xã tổ chức lập dự toán đơn giản.
 
Giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành thiết kế mẫu, thiết kế điển hình xong trước 25/4/2013.
 
Các phòng, ban chuyên môn huyện, thị xã giúp xã lập, thẩm định dự toán để UBND xã căn cứ phê duyệt. UBND huyện, thị xã phân công cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn giúp xã.
 
- Đối với công trình có tổng mức đầu tư trên 3 tỷ đồng: UBND huyện, thị xã tổ chức lập báo cáo KTKT, dự án đầu tư theo quy định hiện hành.
 
- Chi phí lập dự toán đối với các công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản được tính bằng 2% chi phí trực tiếp đầu tư xây dựng công trình; đối với các công trình lập báo cáo KTKT, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán thì chi phí này không quá 3% chi phí trực tiếp đầu tư xây dựng công trình.
 
 c) Về đấu thầu, chỉ thầu, giám sát công trình
 
- Đối với các công trình có tổng mức đến 3 tỷ đồng
 
+ Áp dụng hình thực tự thực hiện: UBND xã chỉ định cho người dân và cộng đồng trong xã tự tổ chức thi công công trình.
 
+ UBND huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn, giúp xã trong chỉ đạo thi công, giám sát xây dựng và giám sát đầu tư cộng đồng. Ban quản lý xã, ban giám sát đầu tư cộng đồng tổ chức giám sát xây dựng công trình.
 
- Đối với công trình có tổng mức đầu tư trên 3 tỷ đồng: Căn cứ điều kiện cụ thể từng nơi, UBND các huyện, thị và Ban quản lý xã tổ chức vận động nhân dân tự thực hiện. Trong trường hợp không vận động được thì tổ chức đấu thầu, chỉ thầu theo quy định.
 
III. Hướng dẫn quy hoạch khu sản xuất nông nghiệp tập trung (cánh đồng tập trung).
 
1. Đề cương quy hoạch.
 
a) Đánh giá hiện trạng khu sản xuất
 
- Đánh giá hiện trạng sử dụng đất và sản xuất nông nghiệp: Vị trí, ranh giới khu đất quy hoạch; thống kê đất nông nghiệp, số ô thửa đất hiện có, số hộ sử dụng đất; hiện trạng sản xuất nông nghiệp: diện tích, năng xuất, sản lượng từng loại cây trồng qua 3 năm gần nhất; thu nhập bình quân/01ha...
 
- Đường sản xuất: Đánh giá hiện trạng đường sản xuất đã có về quy mô, kết cấu nền đường, mặt đường,...
 
- Hệ thống thủy lợi, kênh mương: Đánh giá hiện trạng hệ thống thủy lợi, mức độ kiên cố hóa, khả năng đáp ứng nhu cầu tưới chủ động; số diện tích tưới cho đất trồng lúa 1 vụ, 2 vụ, đất trồng cây màu khác....
 
- Đánh giá khả năng cơ giới hóa: Đường, hệ thống thủy lợi, diện tích liền vùng, liền khoảnh, trong đó nêu những thuận lợi, khó khăn.
 
- Tổng hợp nhu cầu dồn điền, đổi thửa của nhân dân: Có đơn đề nghị của nhân dân được UBND xã xác nhận.
 
b) Quy hoạch khu sản xuất tập trung
 
- Đường nội đồng: Quy hoạch xây dựng hệ thống đường nội đồng đảm bảo thuận lợi cho cơ giới trong sản xuất, đạt chuẩn theo Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23/02/2011 của Bộ Giao thông Vận tải. Mức hỗ trợ đầu tư áp dụng như đường giao thông nông thôn.
 
- Thủy lợi: Quy hoạch xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo hiệu quả tưới cao nhất phục vụ sản xuất. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% đầu tư các công trình thủy lợi.
 
- Quy hoạch dồn điền đổi thửa (nếu có): Đảm bảo diện tích bình quân mỗi thửa ruộng sau khi dồn điền đổi thửa đạt từ 300m2 đến 500m2 trở lên. Quy hoạch phải làm rõ số thửa ruộng, số hộ thực hiện dồn điền đổi thửa, phương án phân chia lại đất đai sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa. Mức hỗ trợ như sau:
 
+ Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30.000 đồng/ha cho các hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp huyện, thị xã.
 
+ Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% cho công tác trích đo địa chính thửa đất, khu đất, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa.
 
+ Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí chỉnh trang đồng ruộng, hình thành bờ vùng, bờ thửa, san lấp để tạo độ bằng phẳng ở từng thửa ruộng nhằm tạo thuận lợi trong canh tác trung bình 5 triệu đồng/ha (hỗ trợ trực tiếp cho hộ).
 
- Quy hoạch sản xuất: Căn cứ quy hoạch đường sản xuất, thủy lợi, phương án dồn điền đổi thửa làm rõ về số vụ sản xuất trên cánh đồng, loại cây trồng cho từng vụ, dự kiến năng xuất, sản lượng cây trồng, giải pháp thâm canh, đánh giá hiệu quả sản xuất trên 01 ha đất sau khi quy hoạch.
 
c) Nhu cầu đầu tư: Dự án quy hoạch cần làm rõ tổng nhu cầu đầu tư sau khi quy hoạch và cụ thể từng hạng mục công việc, phân kỳ vốn đầu tư.
 
d) Nguồn vốn đầu tư: Ngân sách nhà nước hỗ trợ (ngân sách tỉnh, huyện), vốn nhân dân đóng góp, vốn kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp...
 
2. Dự toán chi phí lập quy hoạch.
 
a) Chi phí lập, thẩm định, quản lý quy hoạch: Áp dụng bằng mức giá tại Bảng 01 của Quyết định số 07/2006/QĐ-BNN ngày 24/01/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (không tính hệ số, đã bao gồm cả thuế giá trị gia tăng).
 
b) Chi phí cho công tác đo đạc lập bản đồ địa chính: Thực hiện theo Quyết định số 1213/QĐ-UBND ngày 18/10/2011 của UBND tỉnh Lai Châu về việc phê duyệt đơn giá đo đạc bản đồ địa chính, đăng ký quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
 
- Công tác đo đạc lập bản đồ địa chính chỉ thực hiện ở những diện tích có nhu cầu dồn điền đổi thửa. Ở những nơi đã có bản đồ địa chính, bản đồ giải thửa chỉ thực hiện đo đạc, chỉnh lý bản đồ theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
 
- Bản đồ dùng cho công tác quy hoạch:
 
+ Ở những nơi có bản đồ địa chính, giải thửa tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm biên tập lại và cung cấp cho chủ đầu tư. Chi phí biên tập lại được tính theo quy định tại Quyết định số 1213/QĐ-UBND ngày 18/10/2011 của UBND tỉnh Lai Châu và được tính trong chi phí lập quy hoạch, chủ đầu tư chi trả cho Sở Tài nguyên và Môi trường.
 
+ Ở những nơi không có bản đồ địa chính, bản đồ giải thửa tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 thì có thể sử dụng bản đồ tỷ lệ 1/10.000 để làm bản đồ quy hoạch. Trong trường hợp diện tích khu quy hoạch nhỏ, khó thể hiện trên bản đồ 1/10.000 cho phép phóng to để thể hiện các nội dung của quy hoạch.
 
Tổng chi phí lập quy hoạch cho các nội dung trên không vượt quá số kinh phí đã giao chi tiết cho từng cánh đồng tập trung tại Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 08/01/2013 của UBND tỉnh.
 
3. Sản phẩm giao nộp.
 
- Báo cáo tóm tắt: 10 bộ.
 
- Báo cáo thuyết minh tổng hợp có sơ đồ, biểu đồ minh hoạ và các phụ biểu tính toán kèm theo: 10 bộ (tỉ lệ 1/2.000; 1/5.000 hoặc 1/10.000).
 
- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất: 10 bộ.
 
- Bản đồ quy hoạch tổng thể nông nghiệp và phát triển nông thôn (tỉ lệ 1/2.000; 1/5.000 hoặc 1/10.000): 10 bộ.
 
- Bản đồ dồn điền, đổi thửa để cấp giấy chứng nhận hoặc bản đồ quy hoạch (nếu có) tỉ lệ 1/2.000: 10 bộ.
 
4. Tổ chức thực hiện.
 
- Chủ quản đầu tư: UBND các huyện, thị xã.
 
- Chủ đầu tư: Phòng Nông nghiệp (Phòng Kinh tế)
 
- Tổ chức thực hiện:
 
Căn cứ hướng dẫn trên, chủ đầu tư tổ chức lập đề cương, dự toán quy hoạch khu sản xuất nông nghiệp tập trung, trình UBND huyện, thị xã phê duyệt trước ngày 30/6/2013.
 
Phòng Nông nghiệp (Phòng Kinh tế): Có thể tổ chức xây dựng quy hoạch hoặc chỉ thầu đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện.
 
Trong quá trình lập quy hoạch, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý xã, tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng thôn, bản và thống nhất với Thường trực HĐND xã thông qua trước khi trình thẩm định phê duyệt.
 
Trước khi thẩm định, Phòng Nông nghiệp (Phòng Kinh tế) báo cáo UBND huyện, thị xã xin ý kiến của các sở: Nông nghiệp và PTNT; Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính. Các sở khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ có ý kiến bằng văn bản trong 05 ngày làm việc, nếu không có ý kiến coi như đồng ý.
 
UBND các huyện, thị thành lập Hội đồng tổ chức thẩm định quy hoạch gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch huyện, thị xã làm Chủ tịch hội đồng, thành viên là các phòng chức năng và UBND các xã, trình UBND huyện, thị xã phê duyệt trước ngày 30/9/2013.
 
Công bố quy hoạch: UBND các huyện, thị xã tổ chức công bố quy hoạch sau khi được phê duyệt tới xã, nhân dân vùng quy hoạch.
 
IV. Mua, quản lý và sử dụng máy trộn bê tông.
 
1. Mua sắm: UBND các huyện, thị xã căn cứ nguồn kinh phí được giao, tổ chức lập, phê duyệt dự toán và mua sắm theo quy định.
  
2. Quản lý và sử dụng máy trộn bê tông: Việc quản lý và sử dụng máy trộn bê tông để phục vụ cho việc thi công đường giao thông nông thôn, đường nội đồng của các xã trên địa bàn, giao Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã ban hành quy chế quản lý, sử dụng đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư và phù hợp điều kiện từng địa phương.
 
V. Thanh toán, quyết toán.
 
Giao Sở Tài chính chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thanh toán, quyết toán các nguồn vốn thực hiện theo hướng dẫn trên.
 
Nghiêm Đẳng