Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là trọng tâm
Tại phiên họp Chính phủ cuối năm 2010 vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: "Nhiệm vụ trọng tâm năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, trong đó hết sức chú ý các chính sách tiền tệ, chính sách tài chính".
Cụ thể, giảm dần đầu tư từ ngân sách nhà nước, các nguồn vốn từ ngân sách, các bộ, ngành, địa phương; khuyến khích đầu tư, sản xuất từ nguồn vốn xã hội.
Tập trung nâng cao năng lực dự báo tình hình, từ đó xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm trong từng lĩnh vực, thời điểm của Chính phủ nói chung và từng ngành, địa phương nói riêng. Phải phát hiện nhanh nhạy các vấn đề mới phát sinh để chủ động xử lý, hạn chế tối đa những trường hợp biến động như giá vàng, giá USD thời gian qua.
Thủ tướng yêu cầu tập trung nguồn lực để kiểm soát lạm phát bằng các biện pháp tiền tệ, ngân sách và quản lý giá nhằm thu hẹp tổng cầu và tăng cung hàng hoá vào các tháng quý I/2011. Trên cơ sở đó ổn định và tiến tới giảm dần lãi suất, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp và xuất khẩu.
Nói về những nỗ lực và quyết tâm cao của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết: “Dù nền kinh tế hiện còn một số yếu tố rủi ro nhất định nhưng với những chuyển biến hợp lý và kế hoạch giải quyết khó khăn về kinh tế vĩ mô quyết liệt của Chính phủ, tôi rất lạc quan và tin vào kinh tế của đất nước trong năm 2011”.
Bằng các biện pháp tích cực, Chính phủ có thể ổn định được tỷ giá hối đoái trong quý I/2011 và giảm dần lãi suất trong các tháng sau đó trên nền tảng kiểm soát được lạm phát ở mức như Quốc hội đã đề ra...
Tạo niềm tin cho các nhà đầu tư
Tại hội thảo “Nhận diện cơ hội và rủi ro năm 2011 - Từ vĩ mô đến ngành và thị trường chứng khoán” do Quỹ Đầu tư An Phúc và Cổng Thông tin tài chính Vietstock tổ chức tại TPHCM, các chuyên gia cũng cho rằng dòng tiền sẽ đổ mạnh vào chứng khoán nếu kinh tế vĩ mô ổn định hơn trong năm tới.
Ông Lê Văn Thanh Long, chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán SME, cho rằng khi vấn đề ổn định tỉ giá được giải quyết tốt, không còn cơ chế hai giá như hiện nay thì sẽ thu hút được dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, theo ông Long, năm 2010, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đã phát hành cổ phiếu, thu hút vốn về rất nhiều. Dòng tiền này chắc chắn sẽ quay trở lại thị trường khi nền kinh tế ổn định hơn.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2011 sẽ đạt 7,2%, mức cao thứ 3 trong các nước châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Cùng với Indonesia và Ấn Độ, Việt Nam sẽ là 1 trong 3 nước duy nhất có mức tăng trưởng năm 2011 cao hơn năm 2010. Đó là nhận định của ông Edward Lee, Trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược tỷ giá khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered. Theo ông Lee, động lực chính của tăng trưởng là sự tăng trưởng mạnh của tiêu dùng nội địa và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) về xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2011, Việt Nam tăng 10 bậc và hiện đứng thứ 78/183 nước có mức độ thuận lợi kinh doanh năm 2011. Việt Nam đứng thứ 4 trong các nước có mức độ cải thiện tốt nhất trong bảng xếp hạng 2011. Đặc biệt, nếu tính 5 năm gần đây, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc về mức độ cải thiện, nhờ tạo thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp bằng cách áp dụng cơ chế một cửa, kết hợp thủ tục chứng nhận đăng ký kinh doanh với đăng ký mã số thuế và bỏ quy định xin giấy phép khắc dấu.
Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) của Tạp chí Economist của Anh đánh giá, năm 2011 và những năm tiếp theo, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển bền vững.
Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong tăng trưởng GDP so với các nền kinh tế khác trên toàn cầu. Trong phương diện phát triển kinh tế, viễn cảnh kinh tế Việt Nam là lạc quan so với các khu vực khác trên thế giới, với dự đoán của giới phân tích là tăng trưởng GDP thực tế hàng năm trung bình ở mức 6,7% giai đoạn 2010-2011 và sẽ tăng thêm đạt mức trung bình 7,2% giai đoạn 2012-2014.