Thứ sáu 29/11/2024
in trang
Gần 6.000 lao động nông thôn tỉnh Lai Châu được đào tạo nghề mỗi năm
 
Đó là nội dung Quyết định số 1369/QĐ – UBND ngày 10/11/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 18/2011/NQ – HĐND  ngày 16/7/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2012 - 2020".
 
Quyết định nêu rõ giai đoạn 2012 – 2015 sẽ tiến hành đào tạo nghề cho khoảng 22.000 lao động, trong đó 16.350 người học nghề nông nghiệp, 5.650 người học nghề phi nông nghiệp; bình quân mỗi năm sẽ dạy nghề cho khoảng 5.500 người.
Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn, kỹ thuật vào năm 2015 đạt 40%, trong đó đào tạo nghề đạt 29%. Tỷ lệ có việc làm và tự tạo việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 70%, trong đó 60% có việc làm phù hợp với nghề đào tạo.
 
 Giai đoạn 2016 – 2020 tiến hành đào tạo nghề cho 30.000 lao động trong đó 20.400 người học nghề nông nghiệp, 9.600 người học nghề phi nông nghiệp. Bình quân mỗi năm dạy nghề cho lao động nông thôn khoảng 6.000 người.
Đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn, kỹ thuật đạt 50%, trong đó đào tạo nghề đạt 38%. Tỷ lệ có việc làm và tự tạo việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 80%, trong đó 70% có việc làm phù hợp với nghề đào tạo.
 
Đối tượng của đề án này là người lao động có độ tuổi từ 15 – 55 đối với nữ và 15 – 60 đối với nam đang sinh sống ở nông thôn hoặc ở khu vực thành thị nhưng đang hoạt động kinh tế thuộc lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp; người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất canh tác.
 
Tổng nhu cầu vốn cả giai đoạn 2012 - 2020 là: 132.000 triệu đồng trong đó vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm 82.000 triệu đồng; vốn cân đối Ngân sách địa phương: 50.000 triệu đồng.
 
Quyết định giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các ngành liên quan triển khai thực hiện kế hoạch, dự kiến phân bổ kinh phí, đồng thời hướng dẫn UBND các huyện, thị xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế hàng năm của địa phương trình UBND tỉnh và Bộ Lao động - TBXH.
 
Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, quản lý hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Trưởng ban chỉ đạo; UBND tỉnh và Bộ Lao động – TBXH.
 
Nghiêm Đẳng