Thứ sáu 29/11/2024
in trang
Cầu nối giúp hội viên Nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh
 
Với phương châm hướng về cơ sở, cụ thể hoá chính sách đầu tư của Nhà nước, hỗ trợ nguồn lực cho hội viên hội nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn hội viên nông dân theo hướng cầm tay chỉ việc, mạnh dạn đưa các mô hình giống cây, con mới vào thử nghiệm để nhân rộng. Những năm qua Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các hội cơ sở tăng cường tập huấn chuyển giao KH - KT, giúp hội viên nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đối cơ cấu vật nuôi. Các hội cơ sở đúng ra tín chấp giúp hội viên của mình vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.
    
   

   Mô hình nuôi lợn áp dụng KH-KT đã gia đình chị Lù Thị Loan, hội viên Chi hội Nông dân phường Tân Phong, thị xã Lai Châu có nguồn thu nhập từ 90 – 100 triệu đồng/năm.
    
Hàng năm các cấp Hội đã tổ chức cho trên 300 lượt cán bộ hội tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác hội; mở 357 lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng nghìn hội viên, lao động kết hợp với xây dựng 154 mô hình trình diễn, thực hành trong trồng trọt, chăn nuôi. Nội dung các buổi tập huấn chuyển dần từ việc nói cái mình biết sang nói điều mà nông dân cần nghe như: kỹ thuật sử dụng phân bón, kỹ thuật sử dụng thức ăn chăn nuôi, phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật  theo nguyên tắc 4 đúng, kỹ thuật canh tác và nuôi trồng cây, con giống mới. Các lớp tập huấn được tiếp cận với những kiến thức của kinh tế thị trường như: quản lý kinh tế, hoạch toán sản xuất, thông tin về maketting, quy luật cung cầu.
 
Thông qua các lớp tập huấn giúp hội viên biết cách lựa chọn và sử dụng hiệu quả các loại vật tư đầu vào, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
  
Để giúp hội viên tiếp cận được các nguồn vốn, có vốn mở rộng sản xuất, hội nông dân các cấp đã làm tốt việc đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng cho hội viên vay vốn sản xuất, kinh doanh. Qua 7 năm, chỉ tính riêng với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội đã tín chấp cho trên 21.792 gia đình hội viên nông dân được vay tổng số tiền 383.685 triệu đồng. Ngoài các nguồn vốn vay trên, hội viên còn được vay 1.751,6 triệu đồng vốn ưu đãi từ “Quỹ hỗ trợ nông dân” và các chương trình ưu đãi giúp 980 hội viên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nông dân nghèo toàn tỉnh từ 33,7% năm 2009 xuống còn gần 22% đến hết năm 2010. Ngoài ra, hàng năm các cấp Hội nông dân còn triển khai ký kết mua phân bón trả chậm cho hội viên phát triển sản xuất. Với nguồn vốn do tổ chức hội đứng ra tín chấp đã giúp hàng ngàn hội viên đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi và vươn lên trở thành hộ khá, giàu. Điển hình như hội viên Phạm Thị Nguyễn – tổ 22 – phường Tân Phong(Thị xã Lai Châu) đầu tư xây dựng mô hình tổng hợp nuôi cá, nuôi vịt, nuôi lợn thịt và trồng cây ăn quả, mỗi năm thu hàng tỷ đồng; hội viên Chảo Cao Chìu ( huyện Mường Tè) dùng số vốn vay kết hợp vốn tự có đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi trâu, bò, mỗi năm thu lãi từ 150 - 170 triệu đồng. Một số hội viên khác sử dụng vốn vay vào mục đích kinh doanh, mở cửa hàng thu mua nông sản, bao tiêu sản phẩm từ nông nghiệp. Điển hình như hội viên Phạm Thị Nụ - Tân Phong(Thị xã Lai Châu) đầu tư xây dựng xưởng chế biến chè, thu nhập hàng năm trừ chi phí đầu tư còn có lãi trên 300 triệu đồng. Hội viên đỗ Văn Khôi ( Phong Thổ) đứng ra thu mua sản phẩm nông sản cho bà con hội viên như ngô, sắn, thảo quả để xuất khẩu, mỗi năm gia đình ông có thu nhập 400 – 500 triệu đồng và tạo công ăn việc làm thời vụ cho 25 – 35 lao động với mức lương ổn định từ 3,5 – 5 triệu đồng/người/tháng. Hội nông dân tỉnh còn phối hợp với một số trung tâm tổ chức hoạt động dạy nghề và giới thiệu việc làm cho hội viên. Từ năm 2009 đến nay, đã mở được 180 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, 177 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho gần 5.394 lao động kết hợp với xây dựng 90 mô hình thực hành nuôi gà, trồng lúa lai, các nghề nuôi trồng thuỷ sản, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đậu tương...
   
Bằng nguồn vốn tín dụng từ các kênh, Hội còn triển khai 3 dự án đầu tư xây dựng mương dẫn nước, đường ống nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt tại 3 xã: Mường So, Khổng Lào (huyện Phong Thổ); phường Tân Phong (thị xã Lai Châu) với tổng kinh phí 120,5 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng 928 chuồng trại hợp vệ sinh, với tổng kinh phí 1.066 triệu đồng. Hội đã chủ trì thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để chế biến, dự trữ phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc” tại huyện Than Uyên đã góp phần từng bước nâng cao ý thức cho hội viên, nông dân giữ gìn vệ sinh môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thay đổi tập quán chăn nuôi gia súc.
    
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Hỗ trợ nông dân về kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ, vốn, vật tư, công cụ sản xuất. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, phát huy hiệu quả các chương trình mục tiêu; bồi dưỡng, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng hoạt đông của các cấp hội, hội viên, lao động có tay nghề và tích cực tìm kiếm giới thiệu việc làm cho hội viên và con em nông dân. Phấn đấu hàng năm phát triển từ 50 - 70 mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả; trực tiếp giúp đỡ từ 300 - 500 hộ thoát nghèo, góp phần giảm hộ nghèo hàng năm trên toàn tỉnh từ 5 – 6%, phấn đâu mỗi năm tăng từ 3-5% hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp...
 
Thu Hoài