Nhằm tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Giảm nhanh số hộ nghèo, hạn chế tối đa số hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới, thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Ngày 11/8, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 20/2011/QĐ – UBND phê duyệt Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011 - 2015.
Quan điểm chỉ đạo
Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ đảng, sự chỉ đạo điều hành của chính quyền và sự phối hợp của mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và đoàn thể nhân dân; đồng thời phát huy quyền làm chủ của người dân từ khâu xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện chương trình tại địa phương, cơ sở. Thực hiện giảm nghèo nhanh, giảm nghèo bền vững, lấy bền vững là chính; cùng với việc thực hiện giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, cần tập trung vào các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, các dân tộc đặc biệt khó khăn. Đồng thời huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, xã hội và của người dân để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương nhất là sản xuất nông, lâm nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo. Cùng với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp, tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Giảm nghèo phải đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, tập trung chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, chống các tệ nạn xã hội.
Mục tiêu tổng quát
Tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Giảm nhanh số lượng hộ nghèo, hạn chế đến mức tối đa số hộ tái nghèo và phát sinh mới, thực hiện hiệu quả giảm nghèo nhanh và bền vững. Giảm thiểu tình trạng gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các nhóm dân cư, giữa các dân tộc, tăng cường khả năng tiếp cận pháp lý cho người nghèo; bảo vệ phụ nữ và trẻ em nghèo. Hỗ trợ sản xuất nông lâm ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác tốt thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm của từng huyện; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả. Xây dựng nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; bảo đảm vững chắc an ninh - quốc phòng.
Mục tiêu cụ thể
Mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4 – 5%; giải quyết cơ bản vấn đề nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ – TTg ngày 12/12/2008 của Chính phủ. Tăng cường năng lực cho người dân và cộng đồng để phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, từng bước phát huy lợi thế của từng địa phương, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Bước đầu phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô nhỏ và vừa, người dân tiếp cận các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi. Tạo bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng nông thôn mới, lao động nông nghiệp còn dưới 65% lao động xã hội. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo tập huấn, huấn luyện đạt trên 40%; tạo việc làm mới cho 22.500 - 25.000 lao động
Với quan điểm và mục tiêu của Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; Uỷ ban nhân dân tỉnh xác định nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong giai đoạn 2011 – 2015 đó là:
Về công tác tuyên truyền
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về xoá đói giảm nghèo. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và người dân về trách nhiệm vượt nghèo vươn lên làm giàu.
Về cơ chế, chính sách
Thực hiện đồng bộ các chính sách của Nhà nước đã ban hành để hỗ trợ cho người nghèo như: Làm nhà cho người nghèo; Hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ về y tế; giáo dục và đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề; khuyến nông - khuyến lâm, hỗ trợ sản xuất; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo...Trong đó trọng tâm là thực hiện các chính sách tạo việc làm, tăng thu nhập, giáo dục đào tạo, dạy nghề nâng cao dân trí để xóa đói giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ - CP. Có các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các dân tộc đặc biệt khó khăn của tỉnh như Mảng, La Hủ, Cống để dần từng bước xoá đói giảm nghèo bền vững. Đa dạng hoá, xã hội hoá nguồn lực như huy động các nguồn vốn để thực hiện chương trình như nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, huy động cộng đồng, quốc tế….
Quyết định cũng nêu rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện trong việc phối hợp thực hiện Chương trình xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011- 2015. Phấn đấu đưa ra một hệ thống giải pháp, cơ chế, chính sách đồng bộ, nhằm nâng cao năng lực, cũng như khả năng tiếp cận của người nghèo đối với việc phát triển sản xuất, dịch vụ xã hội đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số; tạo cơ hội thuận lợi để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững từng bước nâng cao và cải thiện chất lượng cuộc sống vững tin vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tổng kinh phí cho chương trình là 3.259.185 triệu đồng trong đó kinh phí ngân sách Trung ương là 2.157.464 triệu đồng, ngân sách địa phương là 10.721 triệu đồng, vốn vay tín dụng là 1.081.000 triệu đồng và vốn huy động từ các nguồn khác là 10.000 triệu đồng.