Thứ sáu 29/11/2024
in trang
Đồng bằng sông Cửu Long: Ruộng lúa, bờ hoa
 
 Đây là chương trình “Công nghệ sinh thái” vừa được Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) chuyển giao kỹ thuật, là chương trình trồng hoa quanh ruộng lúa và đã qua thử nghiệm tại đồng bằng sông Cửu Long mở ra hướng mới trong phòng, chống sâu, bệnh bảo vệ cây trồng.
Thành công mở hướng mới …
Ảnh minh họa
Tại Việt Nam, mô hình này lần đầu tiên được thí điểm thực hiện trong vụ lúa Đông Xuân 2009- 2010 ở huyện Cai Lậy và Cái Bè (Tiền Giang), mà thành công nhất là ở Ấp 5, xã  Mỹ Thành Nam (Cai Lậy). Mô hình được triển khai trồng 20.000 cây hoa đủ loại xung quanh khu ruộng rộng 35ha, khoảng cách trồng từ 0,5- 1 m/cây. Kết quả cho thấy, trên mỗi hécta ruộng, nông dân tiết kiệm được 400.000đ tiền mua thuốc trừ sâu rầy và 100.000đ tiền thuê nhân công phun thuốc.
 
Tỉnh thứ hai thành công sau khi triển khai thử nghiệm chương trình công nghệ sinh thái này là  An Giang. Trong 3 vụ Hè Thu, Thu Đông năm 2010 và Đông Xuân năm 2010- 2011, tỉnh này thực hiện chương trình trên diện tích gần 100ha tại xã Vĩnh Bình, xã  Bình Hòa (huyện Châu Thành), xã Thoại Giang, Vĩnh Khánh (huyện Thoại Sơn) và xã Tân Tuyến (huyện Tri Tôn) với 350 nông dân tham gia, trong đó có kết hợp với áp dụng biện pháp “1 phải 5 giảm và GlobalGAP”.
 
Kết quả cho thấy, nông dân đã giảm được 4- 5 lần phun thuốc trừ rầy và sâu cuốn lá nhưng vẫn đạt năng suất từ 6- 6,5 tấn/ha ở vụ Hè Thu và Thu Đông, 7,5- 8 tấn/ha ở vụ Đông Xuân, tăng từ 0,5-1 tấn/ha so với canh tác bình thường, có nơi đạt đến 9 tấn/ha.
 
Vụ Hè Thu năm nay, An Giang tiếp tục triển khai chương trình tại 4 xã An Hòa (Châu Thành), Khánh Hòa (Châu Phú), Định Thành (Thoại Sơn) và Tân Tuyến (Tri Tôn). Mỗi mô hình có diện tích ứng dụng khoảng 30ha, với sự tham gia của từ 25- 30 nông dân”.
 
Ở Vĩnh Long, trong vụ Hè Thu năm nay, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai thực hiện mô hình “Ứng dụng công nghệ sinh thái phòng trừ rầy nâu trên lúa” khoảng 10ha tại xã Hiếu Nhơn (Vũng Liêm).
 
Các loại hoa được chọn trồng là sao nhái, đậu xanh, đậu bắp. Hiện lúa đã được trên 60 ngày tuổi. Theo cán bộ chi cục, cái khó của mô hình là khi gieo hạt hoặc trồng hoa là vào mùa cày ải ruộng, kinh khô không có nước nên phải tốn công tưới nước và làm cỏ.
 
Tuy nhiên, kết quả bước đầu rất khả quan, từ đầu vụ đến nay những ruộng lúa trong mô  hình chưa được phun thuốc trừ sâu, rầy lần nào, chỉ một lần phun trị bệnh đạo ôn. Hiện lúa đang phát triển rất tốt. Cuối tháng 6 vừa qua, chi cục đã tổ chức hội thảo đánh giá mô hình và nếu hiệu quả sẽ nhân rộng ra cho nông dân áp dụng.
 
 Mở rộng chương trình “trồng lúa công nghệ  sinh thái”, hiện ngành Bảo vệ thực vật của 5 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang và Cần Thơ đang nhân rộng 25 mô hình trồng hoa trên bờ ruộng lúa với trên 300ha để phòng, chống rầy nâu và các loại sâu bệnh.
 
 Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huỳnh, Trường Đại học Cần Thơ: “Trồng cây có hoa trên bờ ruộng để hấp dẫn và nuôi dưỡng ong ký sinh sâu hại lúa đến hút mật và phấn hoa, sau đó bay trở lại ruộng tìm sâu hại để đẻ trứng. Trên ruộng lúa, sâu rầy vẫn có, nhưng thiên địch sẽ nhiều hơn, giúp tiêu diệt sâu rầy, bảo vệ sản xuất và tạo sinh cảnh đẹp vì bờ ruộng có hoa. Nhờ vậy mà nông dân không cần phun thuốc bảo vệ thực vật, trừ khi nào cấp thiết nhất mới phải sử dụng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật”.
 
Ở vụ lúa Hè Thu vừa qua, những ruộng áp dụng mô hình trên đều tiết kiệm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật trung bình 500.000 đồng/ha, trong khi năng suất lúa không giảm.
 
Tiếp tục trồng hoa bên lúa
TS. Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho biết: trồng hoa trên bờ ruộng là một mô hình mới rất có triển vọng, phù hợp với việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững. Trong khi trồng hoa cần thực hiện tốt các khâu sau đây:
 
Giống hoa: từ các mô hình đã thực nghiệm trước, các loài hoa sau đây được khuyến cáo trồng rộng rãi vừa có tác dụng thu hút, nhân nuôi các côn trùng có ích, các thiên địch, đặc biệt là loài ong ký sinh tốt, như: hoa sao nhái, hoa cẩm tú, cúc mặt trường, hoa quỳ, hướng dương, bông trang, mè, đậu bắp, đậu xanh... Thời vụ gieo trồng: nên trồng hoa trước khi sạ lúa, tốt nhất là từ 20 ngày đến 1 tháng hoặc trồng cây hoa trực tiếp trên bờ ruộng từ 7- 10 ngày.
 
Thạc sĩ Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, cho biết: “Hoa được trồng chủ yếu gồm 5 loại: trâm ổi, sao nhái, cúc mặt trời, mè và hướng dương. Đây là những loài hoa dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và cho nhiều bông. Qua theo dõi 2 vụ Đông Xuân và hè thu năm 2010 cho thấy, mô hình này mang lại hiệu quả rất lớn. Trồng hoa để dẫn dụ thiên địch tìm đến và hầu hết các loại thiên địch đều ăn các loại côn trùng có hại như: rầy nâu, sâu cuốn lá và kể cả nhện gié. Đặc biệt, những thiên địch như nhện, bọ, rùa… bắt sâu cuốn lá, rầy và tất cả các loài sâu hại khác rất giỏi”. 
 
Nói về Chương trình này, ông K.L.Heong, đại diện Viện Nghiên cứu lúa quốc tế, cho biết: Chương trình do Ngân hàng châu Á (ADB) tài trợ với mục đích chống lại rầy nâu và sâu bệnh, không cần phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giảm chi phí, góp phần tăng lợi nhuận cho người sản xuất, bảo vệ môi trường và đặc biệt bảo vệ sức khỏe cho nông dân. Việc áp dụng thành công chương trình có thể giúp Việt Nam tiến tới sản xuất nông nghiệp bền vững, trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
 
theo Chinhphu.vn