|
Anh Tẩn A Sơn vui mừng khoe "chiến lợi phẩm" vừa bắt được |
Từ khi nhà máy Thủy điện Sơn La đóng các cửa xả để tích nước, lòng hồ được mở rộng với nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Đối với nhiều hộ dân ở các bản làng ven hồ trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), việc khai thác thủy sản lòng hồ đã mang lại nguồn thu nhập chính, góp phần cải thiện đáng kể đời sống. Tuy nhiên, việc khai thác còn nặng tính tự phát, nên tính bền vững của nguồn lợi thủy sản vùng lòng hồ vẫn là một bài toán khó.
Khai thác kiểu “tận diệt”
Mùa mưa đến cũng là mùa khai thác thủy sản của người dân các bản làng ven hồ thuộc các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Có mặt tại bến đò Nà Cuổi, xã Căn Co vào một buổi chiều tháng 6, chúng tôi được chứng kiến không khí nhộn nhịp chuẩn bị cho một buổi khai thác thủy sản của người dân nơi đây. Hàng chục chiếc thuyền độc mộc và thuyền sắt gắn máy của người dân bản đang soạn lưới, cụp, rọ để chuẩn bị rời bến.
Cũng như bao người dân trong bản, từ khi nhường đất cho lòng hồ thủy điện, gia đình anh Tẩn A Sơn ở bản Nà Cuổi đã đầu tư tiền mua lưới và làm thuyền để khai thác thủy sản trên hồ. Dù sử dụng phương tiện đánh bắt thô sơ, nhưng trung bình mỗi ngày gia đình anh cũng đánh bắt được từ 5 - 7 kg tôm, cá các loại. Với giá bán hiện nay cho các thương lái tại bến là 70.000 đồng/kg tôm, 60.000 đồng/kg cá, mỗi ngày gia đình anh cũng thu nhập được khoảng 400.000 đồng.
Ngoài việc khai thác tự phát của các hộ dân địa phương còn có nhiều hộ gia đình từ các tỉnh khác di cư về đây để đánh bắt thủy sản mà không qua chính quyền địa phương đăng ký tạm trú. Không những vậy, một số đối tượng còn cấu kết với người dân địa phương dùng xung điện, thậm chí kéo điện lưới ra hồ để đánh bắt cá. Việc đánh bắt theo kiểu hủy diệt như thế này đã bị cấp ủy chính quyền địa phương và cơ quan chức năng phát hiện và ngăn chặn. Tuy nhiên, do các đối tượng chủ yếu đánh bắt vào ban đêm nên gây khó khăn cho công tác quản lý.
Để tận mắt chứng kiến cảnh đánh bắt thủy sản theo kiểu hủy diệt, chúng tôi đã có mặt trên thuyền của gia đình anh Sơn ở bản Nà Cuổi rong ruổi trên hồ vào buổi tối. Cứ vài trăm mét, lại thấy ánh đèn điện sáng bừng một góc hồ. Anh Sơn cho biết: Đó là điểm đánh bắt cá của các hộ dân ở Hòa Bình, Sơn La lên đây từ nhiều tháng nay.
Họ lên rừng chặt tre, nứa tạo ra bè mảng vuông, buộc lưới vào các cây tre tạo thành vó cất. Mặt lưới được buộc một thanh sắt nhỏ nối với một sợi dây điện dòng lên bờ. Phía trên bè mảng dùng bóng điện sáng được kích từ bình ắc quy để dụ cá vào. Khoảng nửa tiếng họ sẽ kích điện một lần. Khi kích điện, tất cả các loại cá, tôm, cua lớn hay nhỏ đều sẽ bị điện giật. Cứ như vậy, trung bình một hộ mỗi buổi đánh bắt được từ 50 - 60 kg cá, thậm chí có hộ còn thu hoạch được cả tạ cá.
Đánh bắt thủy sản bằng xung điện đang hủy diệt nguồn lợi thủy sản tại lòng hồ Thủy điện Sơn La
Có quy hoạch nhưng... thiếu vốn
Để giúp người dân vùng lòng hồ, đặc biệt là các hộ dân tái định cư ở các xã ven hồ có việc làm và xóa đói giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh Lai Châu đã có chủ trương quy hoạch, phát triển vùng nuôi trồng thủy sản.
Ông Lê Danh Thìn, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ cho biết: “Qua khảo sát của các cơ quan chuyên môn, việc nuôi trồng thủy sản ở đây phù hợp với các giống cá rô phi đơn tính, chép, trắm cỏ.
UBND huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng đề án nuôi thí điểm mô hình cá lồng tại vùng lòng hồ. Kinh phí thực hiện mô hình lấy từ nguồn vốn 30a của Chính phủ dành cho các huyện nghèo. Tuy nhiên, khi xây dựng dự toán kinh phí cho một mô hình thì giá cả đội lên trên 1 tỷ đồng, trong khi đó kinh phí duyệt của Chương trình 30a chỉ cho phép 500 triệu đồng mà huyện lại không có nguồn để cân đối”.
Như vậy, với hàng ngàn ha mặt nước đang mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản khu vực lòng hồ. Nếu có điều kiện khai thác tốt lợi thế này thì nuôi trồng và đánh bắt thủy sản sẽ là mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động và thúc đẩy đáng kể công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân vùng lòng hồ.