Thứ sáu 29/11/2024
in trang
Hiệu quả từ dự án trồng 5 ha rừng
 
Dự án trồng 5 triệu ha rừng trên toàn quốc, trong đó có tỉnh Lai Châu. Những năm qua, nhờ thực hiện đã đem lại nhiều hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội và môi trường, đối tượng được hưởng chính là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn và vùng biên giới.
 
 
Ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đã thành lập Ban điều hành dự án, Ban quản lý dự án trồng 5 triệu ha rừng cấp tỉnh, Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý dự án. Bên cạnh những chính sách, chủ chương chung của Chính phủ, tỉnh ta cũng có những chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
 
Thực hiện theo Chỉ thị số 38/2005/CT – TTg ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ tỉnh đã tiến hành rà soát và quy hoạch lại 3 loại rừng và lấy đó làm trọng tâm để làm kế hoạch quản lý, quy hoạch xây dựng định hướng phát triển lâm nghiệp trong thời gian tới.
 
Tính đến nay, tổng diện tích khoanh nuôi tái sinh trên địa bàn toàn tỉnh là 144.479 ha, rừng phòng hộ là 11.455 ha, rừng sản xuất  là 4.784 ha. Tỉnh cũng đã thực hiện đầu tư xây dựng được 07 công trình hạ tầng lâm sinh Vườn ươm + Trụ sở làm việc của ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn các huyện: Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Mường Tè. 05 công trình Trạm quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn các huyện: Tam Đường, Than Uyên, Mường Tè và xây dựng 2,5 km đường lâm nghiệp tại huyện Tân Uyên.
 
Theo số liệu kiểm kê rừng năm 1998 diện tích đất có rừng của các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Lai Châu mới là 235.042,3 ha, độ che phủ rừng là 25,92%. Năm 2004 sau khi chia tách, diện tích rừng của tỉnh Lai Châu mới là 318.466 ha, độ che phủ rừng 35%. Đến năm 2009, độ che phủ rừng đạt 39,2 %, năm 2010 độ che phủ ước đạt 41,05%.
 
Thông qua số liệu thống kê diễn biến tài nguyên rừng của tỉnh hàng năm diện tích đất có rừng, độ che phủ của rừng đều tăng qua các năm. Có được điều này là do các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm, kịp thời chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, PCCCR và phát triển vốn rừng. Như vậy có thể nói việc thực hiện dự án đã đạt được kết quả khá tốt.
 
Đến nay tỉnh đã thu hút được 15 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trồng rừng và xây dựng nhà máy chế biến, từ năm 2008 - 2010 đã trồng được 4.784 ha rừng sản xuất, tập trung trên địa bàn 3 huyện Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên. Hiện nay đang xây dựng 01 nhà máy MDF công xuất 100 ngàn tấn/năm tại khu vực ngã ba Bình Lư dự kiến tháng 6 năm 2011 hoàn thành.
 
Năng lực cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến dự kiến đến năm 2012 các khu trồng rừng sản xuất mới bắt đầu khai thác chặt tỉa khả năng cung cấp nguyên liệu ước đạt 20m3/ha, đến chu kỳ khai thác ước đạt 100m3/ha. Năng lực chế biến lâm sản theo thống kế trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 60 cơ sở chế biến gỗ quy mô nhỏ lẻ, trong đó có 20 máy cưa vòng và 01 Nhà máy chế biến bột giấy (nhà máy đã ngừng hoạt động); các cơ sở này đều được đăng ký kinh doanh và cấp phép hành nghề theo quy định. 01 nhà máy chế biến đang trong giai đoạn đầu tư tại huyện Tam Đường.
 
Tổng diện tích đã khoán bảo vệ rừng trong giai đoạn 1999 - 2010 là 713.858,1 lượt ha, trên tổng diện tích kế hoạch giao 746.711,9 lượt ha, đạt 95,6 % so với kế hoạch đề ra.
 
 Diện tích rừng được khoán bảo vệ chủ yếu là rừng phòng hộ ở những nơi xung yếu, bảo vệ đầu nguồn nước sinh hoạt, các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi, các xã đặc biệt khó khăn. Nhìn chung các khu rừng được bảo vệ tốt, hạn chế được tình trạng khai thác rừng trái phép. Bên cạnh đó, việc khoán bảo vệ rừng đã thu hút  hàng ngàn lao động tham gia vào nghề rừng thông qua các hợp đồng kinh tế khoán, phần nào tăng thu nhập cho người dân trong vùng dự án, góp phần xoá đói giảm nghèo.
 
Điển hình như huyện Mường Tè là huyện có diện tích được giao khoán bảo vệ lớn nhất, cũng là huyện có diện tích rừng lớn nhất của tỉnh, với tổng diện tích rừng hiện có là 176.311 ha (theo số liệu công bố của hiện trạng rừng năm 2009)  6 xã trong huyện là xã biên giới và đây cũng là một yếu tố ưu tiên cho huyện được giao kế hoạch với diện tích lớn để khoán bảo vệ rừng.
 
Tỉnh còn chú trọng tới công tác giao, cho thuê rừng được tỉnh chú trọng, đến hết năm 2010 tỉnh cũng đã giao 293.601,3 ha, việc giao đất lâm nghiệp cho các thành phần kinh tế, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư đã triển khai. Nhưng đến nay một số điểm không còn phù hợp, một số đối tượng được giao đất sử dụng không đúng mục đích, không xác định được đất được giao ngoài thực địa, xảy ra tranh chấp đất đai. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các thành phần kinh tế, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là 39.663 giấy
 
Nhìn chung, quá trình thực hiện dự án 661 ở tỉnh Lai Châu đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động địa phương, tạo lực để các hộ tham gia dự án thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, kết quả của mục tiêu xoá đói giảm nghèo còn thấp so với các chương trình khác như chương trình quốc gia xoá đói giảm nghèo và tạo việc làm, chương trình phát triển kinh tế, xã hội cho 2.235 xã nghèo (chương trình 135).
 
Tỉnh cũng đã có bước đầu sự lồng ghép cơ chế, chính sách của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng với các chương trình xóa đói giảm nghèo (theo NQ 30a)… Năm 2009 đã thực hiện hỗ trợ gạo cho 1.972 hộ nghèo nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng với tổng kinh phí hỗ trợ là 2.322 triệu đồng. Hỗ trợ gạo cho 5 dân tộc đặc biệt khó khăn với trị giá 9.195 triệu đồng.
 
Tổng vốn NSNN Trung ương giao từ năm 1990 - 2010 để trồng mới 5 triệu ha rừng là: 272.515,3 triệu đồng. Trong đó vốn kế hoạch giao từ năm 1999 - 2003 là 28.272,3 triệu đồng, từ năm 2004 - 2010 là 244.243 triệu đồng. Do tỉnh Lai Châu mới được chia tách thành lập năm 2004 nên việc tổng hợp vốn kế hoạch giao từ năm 1999-2003 lấy theo vốn đầu tư đã thực hiện .
 
Sau nhiều năm thực hiện dự án trồng 5 ha rừng tỉnh ta đã có những tác động sâu sắc đến đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn triển khai dự án. Trong đó đối với dự án 661 nguồn vốn trung ương cân đối, đã thu hút, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đặc biệt là một bộ phận người dân tộc thiểu số, làm giảm sức ép thừa lao động mùa vụ ở các cộng đồng. Dự án cũng đã góp phần vào việc xoá đói giảm nghèo, ổn định định canh định cư cho đồng bào dân tộc và ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
 
Thông qua dự án nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhất là đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa đã hiểu rõ và tin tưởng hơn vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với chương trình phát triển lâm nghiệp. Qua các hoạt động tập huấn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm bà con nông dân đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệp trong sản xuất lâm nghiệp, từng bước ổn định sản xuất.
 
 Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
 
Thay đổi truyền thống canh tác phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, tập quán du canh du cư chủ yếu đốt nương làm rẫy là chính, chuyển sang bảo vệ hưởng lợi từ rừng, canh tác lúa nước ổn định có năng suất.
 
Như vậy, tác động của dự án tới đời sống của nhân dân, đặc biệt là người dân miền núi là rất lớn. Dự án đã tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động miền núi, cải tạo môi trường, đất trống đồi núi trọc và nâng cao nhận thức của người dân địa phương về bảo vệ rừng và phát triển rừng. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân và tiến độ thực hiện dự án chậm chạp mà tác động của dự án tới đời sống của người dân đồng bào miền núi chưa thực sự như mong đợi.
 
Bên cạnh đó dự án thực hiện đã góp phần tăng độ che phủ rừng, phát huy được tác dụng phòng hộ, chống xói mòn cho đất, hạn chế các hiện tượng thiên tai (lũ quét, lũ lụt, hạn hán…), bảo vệ nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của người dân. Làm chậm tốc độ bồi lắng của sông suối, góp phần điều tiết nguồn nước cho lòng hồ thuỷ điện, bảo vệ nguồn gen và đa dạng sinh học, cải thiện môi trường tự nhiên.
 
Việc thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh cũng chính là nâng cao khả năng thích ứng và hạn chế được quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi của tỉnh nói riêng và trên phạm vi của cả nước nói chung.
 
Rừng được bảo vệ và phát triển tốt là động cơ, nguồn lực quan trọng giúp phát triển và nâng cao đời sống kinh tế của người dân sống gần rừng. Đây là một nhân tố quan trọng, giúp hạn chế những tác động có hại và tiêu cực của người dân đến các hệ sinh thái rừng, từ đó góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững của ngành Lâm nghiệp nói riêng và nước ta nói chung.
 
 
Thu Hoài