|
Đồng chí Nguyễn Khắc Chử - Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban an toàn giao thông tỉnh
|
TNGT giảm nhưng chưa bền vững.
Những năm qua, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2011, nhờ thực hiện, triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông nên tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT của người dân được nâng lên tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Theo đồng chí Bùi Gia Lượt – Phó giám đốc Công an tỉnh Lai Châu - Phó Ban thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh thì nhờ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tăng cường tuần tra, kiểm soát từ tỉnh đến huyện nên 6 tháng đầu năm 2011, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế. Công tác tuyên truyền đã bước đầu làm thay đổi hành vi, nhận thức của người tham gia giao thông; các vụ vi phạm được xử lý mang tính chất răn đe. Đặc biệt, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương nên đã góp phần làm giảm thiểu các vụ TNGT trên địa bàn tỉnh trên cả 3 tiêu chí, số người chết giảm 38% (16/26), số người bị thương giảm 47% (16/30). Các vụ TNGT xảy ra ban ngày là 15 vụ, xảy ra ban đêm 4 vụ và chủ yếu xảy ra trên các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh như: QL4D, QL32, QL12, theo thống kê 6 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn tỉnh đã xẩy ra 19 vụ tai nạn giao thông. Trong đó thị xã 03 vụ, huyện Phong Thổ 04 vụ, huyện Tam Đường 04 vụ, huyện Tân Uyên 04 vụ, huyện Than Uyên 02 vụ, huyện Mường Tè 01 vụ, huyện Sìn Hồ 01 vụ, đã làm chết 17 người và bị thương 17 người. So với cùng kỳ năm 2010 giảm 14 vụ (19/33), số người chết giảm 10 người (16/26) và giảm 14 người bị thương (16/30). Độ tuổi dưới 18 chiếm 4 vụ; độ tuổi từ 18 - 27 xảy ra 6 vụ, độ tuổi 27 – 55 xảy ra 5 vụ, trên 55 tuổi xẩy ra 4 vụ .
6 tháng đầu năm 2011, trên toàn địa bàn tỉnh đã sẩy ra 25 vụ va chạm giao thông. Làm bị thương 45 người, hư hỏng 07 xe ô tô, 28 xe mô tô. Nguyên nhân: vi phạm tốc độ 03 vụ, đi chiếm phần đường 18 vụ, sử dụng rượu bia 01 vụ, vượt xe sai quy định 01 vụ, an toàn kỹ thuật không đảm bảo 01 vụ, nguyên nhân khác 01 vụ. Đối tượng gây tai nạn: ô tô 05 vụ, mô tô 20 vụ. Tuyến đường QL4D: 05 vụ, QL32: 09 vụ, QL12: 02 vụ, QL100: 02 vụ, tỉnh lộ 03 vụ, nội thị 02 vụ, nông thôn: 02 vụ.
Tuy nhiên, trước thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, chậm được đầu tư, nâng cấp, cải tạo; ý thức tự giác tuân thủ pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người dân tham gia giao thông còn hạn chế. Do vậy, trật tự an toàn giao thông vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Theo đánh giá của Ban an toàn giao thông tỉnh, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong năm 2011 tuy giảm nhưng chưa bền vững.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế TNGT.
Đó là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của đồng chí Nguyễn Khắc Chử - Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban an toàn giao thông tỉnh tại Hội nghị triển khai công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng cuối năm 2011.
Theo chủ quan, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm là ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia; lái xe lấn đường, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, lấn chiếm hành lang giao thông, họp chợ trên đường giao thông.
Về khách quan, số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Với mục tiêu kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông trong thời gian tới, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông vẫn được coi là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên và quan trọng. Nói về các giải pháp nhằm kiếm chế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Khắc Chử - Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban an toàn giao thông tỉnh nhấn mạnh: “Công tác đảm bảo an toàn giao thông cần phải tiếp tục được triển khai thực hiện quyết liệt. Mỗi địa phương cần phải xây dựng những giải pháp cụ thể, ở từng địa bàn cụ thể. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền địa phương về đảm bảo trật tự an toàn giao thông thường xuyên, quyết liệt, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc, tham gia của các ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội làm thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông đường bộ của người tham gia giao thông và toàn xã hội”...
Song song với các giải pháp trên, Ban an toàn giao thông tỉnh cũng đã phối hợp ,chỉ đạo các ngành, địa phương từ huyện đến xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cần phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho mọi người dân. Thực tế đã chứng minh, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được các cấp, ngành quan tâm bằng nhiều hình thức tập trung vào nhiều đối tượng, nhất là đối tượng thanh niên, đã tạo nên đội ngũ tuyên truyền viên đông đảo ở cơ sở có đủ năng lực, trình độ. Cũng từ đó, các hành vi vi phạm như phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng, điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia... bước đầu đã được kiềm chế như ở địa bàn Thị xã, huyện Mường tề, Than Uyên. Ở những địa bàn là điểm nóng về ATGT, nhưng trong thời gian qua, nhất là sau khi được Ban Dân vận Tỉnh uỷ phối hợp với Ban ATGT tỉnh, Phòng cảnh sát giao thông - Công an tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về pháp luật ATGT cho nhiều lượt thanh niên ở các huyện này đã có sự chuyển biến tích cực trong ý thức tham gia giao thông của người dân. Địa bàn các xã trên không còn tình trạng lạng lách đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu, số người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia đã giảm so với trước.
Đặc biệt, số thanh niên tham gia các lớp tập huấn tuyên truyền về trật tự ATGT đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực ở cộng đồng dân cư, thôn, xóm. Cùng với đó, một trong những giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là tăng cường đầu tư xây dựng và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý phương tiện vận tải, nhất là phương tiện vận tải hành khách, tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông trên mọi bình diện đường thuỷ và đường bộ. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm nhằm đề cao tính chất răn đe, giáo dục.
Tuyên truyền lưu động bằng loa phóng thanh ở những điểm đông dân cư, những tuyến phố thường xảy ra tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông, phát tán tờ rơi cảnh báo hiểm họa rượu bia khi lái xe tại trường THPT trên đại bàn, tờ rơi hành động vì thập kỷ ATGT cho CBCS, đoàn viên thanh niên và cán bộ công chức tại lễ ra quân tuyên truyền luật giao thông đường bộ.
Nhằm triển khai sâu rộng và có hiệu quả cuộc vận động "Thanh niên với văn hóa giao thông", vận động và tổ chức cho đoàn viên, thanh thiếu niên thực hiện pháp luật về an toàn giao thông, góp phần tích cực giảm thiểu vi phạm trật tự an toàn giao thông. Phòng CSGT Công an tỉnh lồng ghép chương trình kết nghĩa với các trường THPT trên địa bàn thị xã như: trường THPT Chuyên Lê Qúy Đôn, trường THPT Quyết Thắng, Trung tâm GDTX-HN tỉnh để phối hợp tuyên truyền luật giao thông đường bộ cho học sinh và CB, giáo viên.
Tổ chức cho các chủ phương tiện đến đăng ký xe ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ.
Phối kết hợp với các Sở, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tổ chức lễ ra quân tuyên truyền luật giao thông đường bộ và xây dựng tuyến đường kiểu mẫu về trật tự an toàn giao thông.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt các giải pháp nhằm kiềm chế, giảm TNGT, quan trọng nhất vẫn là xây dựng và phát triển “văn hoá giao thông” trong cộng đồng, xã hội. Đồng thời, bản thân mỗi người dân cũng nêu cao nhận thức, ý thức pháp luật, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Đó chính là giải pháp tích cực, hiệu quả nhất nhằm làm giảm nỗi lo về mất ATGT trên địa bàn tỉnh.