Thứ bảy 30/11/2024
in trang
Kết luận của PCT UBND tỉnh tại Hội nghị sơ kết sản xuất vụ Đông xuân và triển khai vụ Mùa năm 2011
 
Ngày 8/6, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Thông báo số 39/TB – UBND về việc kết luận của đồng chí Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị  Sơ kết sản xuất vụ Đông xuân và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Mùa 2011, diễn ra vào ngày 06/ 6/2011.
 
Tham gia Hội nghị trực tuyến Sở kết sản xuất vụ Đông xuân và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Mùa 2011.
 
Tại đầu cầu tỉnh có: Đồng chí Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị; đại diện Lãnh đạo các Sở, ngành: Nông nghiệp & PTNT, Tài chính, Kế hoạch & ĐT, Khoa học - công nghệ, Văn phòng UBND tỉnh, Hội nông dân tỉnh, Liên minh HTX, Công ty Cổ phần giống vật tư Nông nghiệp Lai Châu, Trung tâm khí tượng thủy văn; lãnh đạo các đơn vị có liên quan trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT; Lãnh đạo UBND thị xã, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn thuộc TX Lai Châu.
 
Tại đầu cầu các huyện có: Lãnh đạo UBND huyện; đại diện lãnh đạo các Phòng, ban và cơ quan chuyên môn của huyện; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn vùng trọng điểm lúa của huyện.
 
Sau khi nghe Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT thông qua Báo cáo Sơ kết sản xuất vụ Đông xuân 2010-2011, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè thu (Mùa) và vụ Thu đông 2011 trên địa bàn tỉnh; các báo cáo tham luận về công tác dự tính, dự báo tình hình thời tiết, dự báo phát sinh gây hại của sâu bệnh, công tác chuẩn bị và cung ứng giống vật tư nông nghiệp cùng các ý kiến tham gia, đống góp của các đại biểu, đồng chí Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận như sau:
 

Đ/c Lê Trọng Quảng- phó CT UBND tỉnh Kết luận hội nghị  Ảnh HD

 
Đặc điểm, diễn biến thời tiết và các ảnh hưởng đối với sản xuất nông nghiệp:
 
Từ đầu năm đến nay, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường: rét đậm, rét hại kéo dài; mùa mưa đến sớm, liên tục, lượng mưa và độ ẩm không khí hầu hết các tháng đều cao hơn so với trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm trước, tổng tích ôn thấp hơn trung bình nhiều năm.
 
Mưa sớm, liên tục và lượng mưa lớn làm cho việc đốt dọn nương rẫy gặp nhiều khó khăn, những nơi đốt dọn được thì lớp màu lại bị xói mòn và rửa trôi sớm nên diện tích, năng suất và sản lượng cây lương thực (Ngô, lúa nương) canh tác trên nương rẫy sẽ có nguy cơ bị giảm so với các năm trước.
 
Vụ Chiêm xuân: kết thúc gieo cấy muộn (trà muộn với trên 2.500 ha, gieo cấy tập trung trong thời gian từ ngày 15/02-20/3), thời vụ kéo dài khoảng  30 ngày so với trung bình nhiều năm; diễn biến sâu, bệnh phức tạp: rầy lưng trắng, rầy nâu, đạo ôn và sâu cuốn lá có nguy cơ bùng phát trên diện rộng vào thời điểm đứng cái làm đòng; thời gian thu hoạch dự kiến vào giữa mùa mưa, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ sụt giảm năng suất và sản lượng vụ Chiêm xuân.
 
Vụ Mùa: Diện tích trên đất 2 vụ, đặc biệt là trên trà lúa Chiêm xuân muộn có nguy cơ bị muộn khoảng 30 ngày so với trung bình nhiều năm. Dịch bệnh, sâu hại có nguy cơ phát sinh mạnh, diễn biến phức tạp với các đối tượng chính như: sâu năn, rầy, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, bệnh lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoăn lá. Các công trình thủy lợi có thể bị hư hỏng nhiều sau mưa lũ; thời vụ kéo dài, làm tăng nguy cơ hạn cuối vụ. Bên cạnh đó, việc tích nước hồ thủy điện Sơn La làm mất trên 250 ha gieo cấy vụ Mùa.
 
 Các giải pháp và nhiệm vụ trong thời gian tới
  
Tích cực kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm, kịp thời phòng, trừ sâu, bệnh cả vụ Chiêm xuân và vụ Mùa theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV).
 
Có kế hoạch sản xuất cụ thể, kịp thời, đảm bảo gieo, trồng 100% diện tích trong khung thời vụ tốt nhất, đặc biệt là diện tích vụ Mùa gieo cấy trên trà Chiêm xuân muộn, trong đó cần chú trọng một số nội dung sau:
 
 Chuẩn bị cơ cấu giống ngắn ngày, có yêu cầu tổng tích ôn thấp, thích hợp với sinh thái của vùng, có khả năng chống chịu với sâu, bệnh tốt. Đẩy nhanh tiến độ làm đất: Giữ nước, không tháo kiệt nước trên ruộng Chiêm xuân; Thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, lúa chín 85% có thể thu hoạch được. Thu hoạch đến đâu làm đất ngay đến đó, tăng cường cơ giới hóa khâu làm đất trên đồng ruộng. Có biện pháp bón phân thích hợp để đẩy nhanh quá trình sinh trưởng của lúa ngay từ đầu vụ.
 
Mở rộng diện tích, tăng vụ: Tăng vụ Ngô, Đậu, Đỗ (vụ hè thu và thu đông) trên nương; Tăng vụ Ngô, Khoai tây, Khoai lang trên đất ruộng 1 vụ lúa; Tăng diện tích rau, củ, quả thực phẩm vụ Đông.
 
Mở rộng phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập trong nông thôn, nông nghiệp hạn chế phụ thuộc vào sản xuất lương thực: Tăng cường thâm canh trồng mới và tái canh cây chè; Đẩy mạnh tuyên truyền người dân tham gia góp đất, tham gia khai hoang, trồng, chăm sóc cây cao su; Đẩy mạnh chương trình trồng rừng kinh tế của vùng nguyên liệu gỗ (gồm các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ); Đẩy nhanh việc hỗ trợ sản xuất ở các khu vực, điểm tái định cư; Đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án sản xuất rau màu, thực phẩm tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè phục vụ công trường thủy điện Lai Châu; Mở rộng diện tích trồng cỏ, chuyển đổi phương thức chăn nuôi đại gia súc; Hướng dẫn và quản lý việc khai thác, tiêu thụ thủy sản vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.
 
UBND các huyện trong vùng lòng hồ thủy điện Sơn La: Thông báo cho nhân dân biết tiến độ tích nước (ngày 15/6 tích nước, đạt cao trình đỉnh cốt ngập 215m vào ngày 15/8/2011); Hướng dẫn người dân canh tác trong vùng ngập: Không gieo cấy trên diện tích ở cốt ngập (dưới 215m); Không xây dựng công trình, nuôi trồng thủy sản ở cốt ngập dưới 215m.
 
Yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn (BVTV, Khuyến nông…), phối hợp với UBND các huyện, thị xã hướng dẫn chi tiết, cụ thể và triển khai quyết liệt đối với các nhiệm vụ, giải pháp trên; Thường xuyên tổng hợp, báo cáo chính xác tình hình triển khai về UBND tỉnh.
 
Yêu cầu UBND các huyện, thị xã căn cứ vào kết luận này và các chính sách hỗ trợ sản xuất của tỉnh: chủ động triển khai thực hiện, không để xảy ra mất mùa, thất thu, mất ổn định trong nông thôn do điều kiện thời tiết bất lợi và việc tích nước vùng lòng hồ thủy điện Sơn La gây ra; Chủ động bố trí, sử dụng kinh phí đã được giao năm 2011 (vốn sự nghiệp Kinh tế Nông nghiệp và các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất khác) để tổ chức triển khai các nhiệm vụ trên; trường hợp thiếu kính phí để thực hiện các nhiệm vụ trên thì UBND các huyện, thị xã đề nghị bổ sung bằng văn bản gửi Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
 
Yêu cầu Sở Nông nghiệp & PTNT và UBND các huyện, thị chủ động đối phó với bão lũ theo kết luận tại Hội nghị phòng chống bão lũ năm 2011 của BCĐ phòng chống lụt bão tỉnh.
 
Các cơ quan thông tin, truyền thông: tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nêu gương những điển hình tiên tiến; thường xuyên cập nhật và đưa tin diễn biến sản xuất của vụ Chiêm xuân, vụ Mùa kịp thời để bà con nông dân chủ động khắc phục, phòng, tránh các yếu tố bất lợi đối với sản xuất, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, phát triển sản xuất, ổn định vùng nông thôn, nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2011, tạo tiền đề cho phát triển nông thôn, nông nghiệp trong những năm tiếp theo.
 
Nghiêm Đẳng