Thứ bảy 30/11/2024
in trang
Ngôi nhà thứ hai của Học sinh dân tộc vùng cao
 
Được thành lập ngày 12/8/2004, với đặc thù của một trường nội trú, những năm qua Trường phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Lai Châu đã luôn tạo được niềm tin cho học sinh và mái trường nội trú đã thực sự trở thành ngôi nhà thứ 2 của học sinh dân tộc thiểu số vùng cao.
  
Ai đã một lần đến thăm thầy và trò của trường chắc hẳn sẽ có ấn tượng sâu đậm về không khí học tập của các em. Kể cả trong giờ lên lớp hay giờ tự học ở khu ký túc xá, các em đều chăm chú, say sưa học tập. Trên gương mặt của các em dường như không phải lo toan gì mặc dù các em xa gia đình và đang theo học trong ngôi trường với điều kiện đặc thù của một tỉnh còn nhiều khó khăn. Có được sự yên tâm đó là do các em đã thực sự tin tưởng và coi ngôi trường nội trú là mái ấm thứ hai của mình, các thầy, cô giáo thực sự là người cha, người mẹ thứ 2 của các em.

 Các em học sinh tiêu biểu được tuyên dương tại Buổi lễ Tri ân - Trưởng thành niên khóa 2008 - 2011. Ảnh: Thu Hoài

  
 
Do có được niềm tin yêu đó của học sinh mà lúc nào Nhà trường cũng duy trì được tỷ lệ học sinh thường xuyên, chuyên cần đạt từ 98 - 100% (chỉ có các em bị ốm nặng không thể đến lớp được mới chịu nghỉ ở nhà). Em Sùng Thị Giao - học sinh lớp 12 tâm sự: “Em đã theo học tại trường gần 4 năm, được các thầy cô dạy dỗ chăm sóc như cha, mẹ ở nhà. Có lần em bị đau bụng vào một, hai giờ sáng các bạn lên gọi cô giáo chủ nhiệm, không kể trời mùa đông rét buốt cô đã kịp thời đến để giúp đỡ em. Các thầy cô không những dạy em kiến thức, dạy em làm người mà chính sự quan tâm sát sao của giáo viên đã giúp em vượt qua nỗi nhớ nhà, nhớ bản để yên tâm học hành…”. Phải khẳng định rằng từng cán bộ, giáo viên trong trường đã thực sự dành tình thương yêu cho các em mới tạo được niềm tin, sự yên tâm để các em học tập mang lại kết quả cao nhất. Năm học nào em Giao cũng đạt học sinh giỏi của trường.
 
Do sự tận tình, chu đáo của Nhà trường mà ngày càng nhiều phụ huynh muốn cho con em mình theo học tại ngôi trường này. Bởi vì phụ huynh rất yên tâm: con em họ được các thầy cô quan tâm, chăm sóc dạy bảo tận tình, giúp các em phát triển một cách toàn diện. Phụ huynh Lò Sông Cở - tâm sự: “Tôi sinh đựơc 4 đứa con. Tôi đều cho học tập ở trường Phổ thông dân tộc nội trú. Vì các cháu học ở trường này tôi rất yên tâm, được các thầy, các cô chăm sóc cho đáo. Các cháu được quản rất chặt, đặc biệt là các cháu nữ, không có thời gian để đi chơi với bạn trai, vì vậy kết quả học tập của các cháu rất tốt”.      

Cô giáo Vũ Thị Kim Luân - Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. Ảnh: Thu Hoài

         
Theo thống kê của trường, từ ngày thành lập đến nay trường đã đào tạo được gần 2.000 lượt học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn 8 huyện, thị xã trong tỉnh. Có được niềm tin yêu, học sinh yên tâm học tập, chất lượng 2 mặt giáo dục của trường ngày một nâng cao. Hàng năm có từ 85 - 90% học sinh đạt hạnh kiểm tốt, không có hạnh kiểm yếu, 32 - 38% học sinh có học lực khá, giỏi và tỷ lệ học sinh yếu chỉ còn dưới 3%. Đã có nhiều học sinh đạt học sinh giỏi từ cấp tỉnh trở lên. Gần 500 học sinh của trường đỗ vào trường đại học, cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp…Hầu hết các em sau khi được đào tạo ở các trường chuyên nghiệp đã trở về địa phương công tác tại các trường học, Trạm y tế, hay công an và các ban, ngành, đoàn thể, một số đã giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở cấp ủy, chính quyền các cấp.
 
 Có được những học sinh trưởng thành như thế là do các thế hệ thầy giáo, cô giáo trong trường đã luôn làm việc với tinh thần “Kỷ cương, tình thương và trách nhiệm”. Cô giáo Nguyễn Thị Lý - giáo viên dạy hoá cho biết: “Khác với các trường học khác trong huyện, hầu hết các em đều ăn, ở, ngủ nghỉ sinh hoạt tại trường, được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, quần áo, sách vở…Đây là điều kiện tốt để các em học tập, tuy nhiên, cũng là gánh nặng thêm cho giáo viên trong trường. Bởi vì ngoài việc dạy học sinh trên lớp, chúng tôi còn có trách nhiệm thường xuyên hướng dẫn các em trong giờ tự học ở khu ký túc, quan tâm, chăm sóc các em từng bữa ăn, giấc ngủ…”.
         
Cùng với sự thương yêu, làm việc hết mình của lớp giáo viên trong trường, Ban giám hiệu nhà trường cũng đã có nhiều biện pháp hiệu quả để tạo môi trường: “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” để các em yên tâm học tập. Đồng chí Vũ Thị Kim Luân - Hiệu trưởng trường Phổ thông Trung học dân tộc nội trú tỉnh cho biết thêm: “Những năm qua, để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trong ngôi trường nội trú, chúng tôi đã luôn trú trọng đến việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục, lấy chất lượng làm trọng tâm, tăng cường kiểm soát và kiểm định chất lượng giáo dục. Xây dựng đội ngũ giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Điều đặc biệt là giáo viên phải thương yêu, giúp đỡ và có trách nhiệm với học sinh như con em của mình”.  
         
Với sự tận tâm, tận lực của các thế hệ giáo viên trong trường, những năm qua nhiều tập thể, cá nhân của trường đã được các cấp, các ngành tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đã có nhiều lượt cán bộ, giáo viên được tặng thưởng huy chương vì sự nghiệp giáo dục, UBND tỉnh tặng Bằng khen, Chi bộ luôn trong sạch vững mạnh, hàng chục cán bộ, giáo viên và học sinh trong trường được tặng Bằng khen, Giấy khen của các cấp…
         
Với tinh thần làm việc: Dân chủ, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm mà những năm qua trường nội trú huyện đã giúp hết lớp học sinh thiểu số này đến lớp học khác yên tâm học tập, rèn luyện phấn đấu trở thành những công dân có ích cho xã hội, góp phần tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Lai Châu.
 
Thu Hoài