Nhìn cảnh mía đến vụ thu hoạch chặt phơi đống trên các ruộng mía và cảnh xe chở mía khô héo xếp hàng nằm chờ trước cổng nhà máy đường, thật ái ngại cho người trồng mía. Nhưng trước đó, cơ quan chức năng lại cho nhập 50.000 tấn đường! Trước phản ứng gay gắt của người nông dân và các nhà máy đường, cơ quan quản lý phải giảm một nửa số đường nhập. Nhưng cân đối lại, năm 2011 chỉ cần nhập 12.500 tấn là đủ.
Thay đổi kế hoạch nhập khẩu đã ký kết với nước ngoài cũng gây ra ít nhiều khó khăn cho DN nhập khẩu, nhưng thua thiệt lớn nhất là thuộc về người trồng mía và người sản xuất đường. Như vậy ở đây có sự vênh váo giữa điều hành nhập khẩu - sản xuất - lưu thông - phân phối.
Đây không phải là lần đầu và không chỉ đối với mặt hàng đường, mà mặt hàng muối và không ít mặt hàng sản xuất trong nước cũng đã từng xảy ra tình trạng tương tự. Như vậy, mặc dầu về lý thuyết thì ai cũng thông hiểu là kế hoạch - sản xuất – lưu thông – tiêu dùng là quá trình không thể tách rời.
|
Người tiêu dùng chọn mua đường.
|
Nhưng trong thực tế đối với nước ta, thì không ít ngành, nghề, nhất là đối với ngành nông nghiệp, thì người lập kế hoạch sản xuất hay kế hoạch xuất, nhập khẩu vĩ mô thì cứ lập, người sản xuất thì cứ sản xuất và chạy theo biến động trước mắt, nhất thời của thị trường, nên khó mà đồng bộ và hài hòa được kế hoạch với sản xuất, dẫn đến tréo ngoe thừa, thiếu là tất yếu.
Các hiệp hội ngành nghề cũng chưa làm được chức năng chủ yếu là bảo vệ lợi ích người sản xuất, lưu thông. Như đường ứ đọng vẫn cứ nhập khẩu, vậy Hiệp hội ngành mía đường và cả Hội Nông dân đã tác động gì có hiệu quả. Hay như các nông sản đầu bảng xuất khẩu với giá trị lớn như càphê, hột tiêu…, thì các doanh nghiệp nước ngoài tranh mua với doanh nghiệp trong nước bằng trực tiếp mua tại gốc của nông dân ngay trên đất nước ta, nhưng cơ quan quản lý nhà nước thì lúng túng, mà Hội Nông dân và Hiệp hội cây trồng cũng bất lực. Nhà nước chịu thiệt mà người chịu thiệt nhiều nhất là nông dân, nếu như đến lúc người buôn nước ngoài nắm trọn quyền mua nông sản thì giá thu mua là do họ quyết định. Tất nhiên là với giá thấp nhất.
Nên để lập lại một cách cơ bản sự đồng bộ giữa sản xuất, tiêu dùng với xuất, nhập khẩu, rất cần đề cao trách nhiệm đối với người sản xuất, nâng cao năng lực và cách làm việc của cơ quan quản lý sản xuất kinh doanh và trách nhiệm hàng đầu của các hiệp hội ngành nghề, của Hội Nông dân là bảo vệ tốt lợi ích hội viên, người nông dân, người sản xuất.