(BLC) - Qua thực tế triển khai cho thấy dự án thâm canh tăng vụ cánh đồng đạt 40 – 50 triệu đồng/ha/năm phù hợp với điều kiện tự nhiên, thực tế của từng địa phương. Tỉ lệ hộ nghèo của các xã được hưởng dự án giảm dần qua các năm, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 18%.
Chúng tôi đến xã Bình Lư lúc mặt trời còn chưa vượt qua đỉnh núi. Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng Bình Lư như một dải lụa xanh mềm mại, uốn lượn bên dòngNậm Dê.
|
Nhân dân bản Coóc Nọc, xã Nà Tăm chăm sóc đậu tương. |
Ông Hoàng Xuân Huề - Chủ tịch UBND xã hồ hởi: “Toàn xã có 1.002 hộ với 4.581 khẩu song trên 30% số hộ có nhà xây, 100% người dân được nghe đài, xem tivi, thu nhập bình quân đầu người 8,5 triệu đồng/người/năm (tăng gấp đôi so với năm 2005), tỉ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 11%”.
Để có được kết quả đó, 4 năm qua xã đã chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích thông qua việc xây dựng mô hình cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm. Xã áp dụng nhiều công thức thâm canh: 2 lúa 1 ngô; 2 lúa 1 khoai tây; 2 lúa 1 cá; 2 lúa 1 rau; 1 lúa 1 khoai tây, 1 lúa 1 đỗ tương… Trong đó, thâm canh 2 lúa 1 khoai tây; 2 lúa 1 rau là các công thức mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Để minh chứng cho sự phát triển của xã, ông Huề đưa chúng tôi đến thăm một số hộ gia đình. Chúng tôi thực sự ấn tượng trước sự vươn lên phát triển kinh tế của gia đình anh Lù Văn Tính, dân tộc giáy, ở bản Km2. Trước đây, cuộc sống gia đình anh rất khó khăn, cơm không đủ ăn nhưng từ khi tham gia dự án thâm canh cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm, gia đình anh đã có của ăn của để, các con được đi học và còn mua được một chiếc máy cày bừa để phục vụ sản xuất của gia đình và làm dịch vụ.
Anh Tính tâm sự: “Nhờ có dự án thâm canh cánh đồng lúa 50 triệu đồng/ha/năm, được nhà nước hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc trừ sâu… nên gia đình tôi mới có điều kiện phát triển kinh tế. Đất 1 vụ tôi thâm canh 1 lúa 1 rau, đất 2 vụ thâm canh 2 lúa 1 khoai tây. Do đó 3.000m2 đất của gia đình tôi không ngày nào được nghỉ”.
Được biết thêmnăm 2007 (năm đầu tiên triển khai dự án thâm canh cánh đồng lúa 40 – 50 triệu đồng/ha/năm) Bình Lư đã dấy lên phong trào cơ giới hoá nông nghiệp và đến nay 15/15 bản trong xã đưa máy cày, máy bừa, máy rửa dong, nghiền dong vào sản xuất, với tổng số 55 máy. Khi Bình Lư cơ giới hoá mang lại hiệu quả thì thị trấn Tam Đường, xã Hồ Thầu cũng thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp.
Rời xã Bình Lư, chúng tôi đến với nông dân các xã: Bản Bo, Thèn Sin, Nà Tăm (các xã hưởng lợi từ dự án thâm cánh đồng lúa 40 – 50 triệu đồng/ha/năm của huyện). Ở các xã, chúng tôi thấy đường liên bản được rải nhựa, cấp phối rộng rãi không còn cảnh đường đất nắng bụi mưa lầy như trước. Dọc hai bên đường, cửa hàng tạp hóa “mọc” lên nhiều. Màu xanh của ngô, đậu tương, rau, khoai tây thay thế cho những diện tích đất trước đây bỏ hoang. Khi chúng tôi hỏi nông dân các xã về hiệu quả dự án thâm canh cánh đồng 40 – 50 triệu đồng/ha/năm của huyện thì đều nhận được câu trả lời: Dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp đời sống nhân dân dần ổn định.
Khi lương thực dư thừa, người dân có điều kiện đầu tư vào chăn nuôi, phát triển lâm nghiệp, dịch vụ, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp làm gốc, tăng dần tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ. Ngoài ra, dự án còn từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ của nông dân, hình thành ý thức canh tác mới theo hướng hàng hoá.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Đình Lực - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Từ năm 2006 UBND huyện triển khai dự án thâm canh tăng vụ cánh đồng đạt 40 – 50 triệu đồng/ha/năm tại 4 xã: Thèn Sin, Bản Bo, Bình Lư, Nà Tăm. Qua thực tế triển khai cho thấy dự án phù hợp với điều kiện tự nhiên, thực tế của từng địa phương. Tỉ lệ hộ nghèo của các xã được hưởng dự án giảm dần qua các năm, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 18%. Về lâu dài, dự án cánh đồng 40 – 50 triệu đồng/ha/năm sẽ là nền tảng thúc đẩy kinh tế phát triển nhất là trong lĩnh vực cơ giới hoá nông nghiệp. Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng dự án”.
Để làm được điều đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu cho UBND huyện trong việc phát triển mạnh các cây trồng có lợi thế đầu ra; tuyên truyền để nhân dân chủ động và tự nguyện tham gia dự án; phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, cung ứng kịp thời cho nhân dân giống, vật tư; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất; khen thưởng động viên kịp thời các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tin tưởng rằng, với những kết quả đã đạt được cùng sự nỗ lực không ngừng Tam Đường sẽ duy trì và nhân rộng kết quả dự án bền vững, tiếp tục góp phần đưa kinh tế của huyện ngày càng phát triển.