Thứ bảy 30/11/2024
in trang
Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, bảo vệ và làm giàu từ rừng
 
Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, nhiều địa phương đã chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích trong chăm sóc, bảo vệ rừng, cải thiện đời sống kinh tế của người dân.
 
 

Tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: baolaocai.vn

Giàu lên nhờ rừng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cho biết, Tuyên Quang đã tăng được độ che phủ của rừng từ 47% năm 1998 lên trên 64% năm 2010. Việc tham gia dự án đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế. Rừng loại khá sau 8-10 năm khai thác cho sản lượng bình quân 90-100m3, trừ chi phí, thu nhập đạt 55-60 triệu đồng/ha; rừng trung bình cho sản lượng 60-70m3, thu nhập đạt 30-35 triệu đồng/ha.
Dự án cũng đã tạo việc làm cho hơn 75.000 lượt lao động, trong đó có lao động của hơn 8.000 hộ nghèo. Nhiều mô hình vườn rừng, nông lâm kết hợp đã xuất hiện, nhiều hộ gia đình tham gia trồng, chăm sóc rừng, đời sống của người dân được cải thiện nhờ rừng.
Cũng theo ông Chẩu Văn Lâm, việc các hộ dân nhận chăm sóc cây chè Shan cũng mang lại thu nhập khá (có hộ nhận được 102 triệu đồng/năm). Hiện nay, diện tích cây chè Shan ở Tuyên Quang cũng đã cho thu nhập bình quân từ tiền bán búp chè tươi đạt 15-20 triệu đồng/năm.
Là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước trong dự án trồng mới rừng, giai đoạn 1998-2010, Quảng Ninh đã trồng mới được gần 129.000 ha rừng tập trung, tăng hơn 24% kế hoạch đề ra, nâng độ che phủ rừng từ 38% năm 1998 lên 50,2% năm 2010.
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển và bảo vệ rừng, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh Chu Văn Tuyền cho biết, tỉnh Ninh rất chú trọng đến việc quy hoạch lập địa và lựa chọn cơ cấu cây trồng, chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình khuyến lâm, kết hợp lồng ghép các chương trình mục tiêu và dự phát phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn miền núi.
Hàng năm, các hộ dân tại khu vực biên giới đã khai thác được gần 500-700 tấn hoa hồi, 800-1.000 tấn vỏ quế, hàng trăm tấn nhựa thông, diện tích trồng keo đến nay đã cho khai thác từ 15.000-20.000 m3/ năm.
Doanh thu từ nguồn lâm sản khu vực biên giới lên đến hàng trăm tỷ đồng/ năm. Nhiều hộ gia đình có thu nhập từ rừng trên 200 triệu đồng/ năm. Theo thống kê, tại khu vực biên giới, thu nhập của người dân chủ yếu nhờ sản xuất lâm nghiệp từ 1,5 – 2 triệu đồng/người/tháng.
Nâng cao nhận thức chăm sóc, bảo vệ rừng
Theo ông Chu Văn Tuyền, công tác tuyên truyền có vai trò rất quan trọng trong việc vận động người dân bảo vệ và phát triển nghề rừng, đem lại lợi ích kinh tế.
Bên cạnh đó, việc lồng ghép dự án trồng rừng với các chương trình mục tiêu về xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục đã giúp ổn định đời sống của người dân dọc biên giới Việt – Trung; các cá nhân, hộ gia đình cũng đã nhận thức được vai trò của rừng đối với đời sống xã hội, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng vành đai biên giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Thanh Sơn cũng cho rằng, vấn đề mấu chốt để nâng cao nhận thức chăm sóc, bảo vệ rừng của người dân là đảm bảo để người dân có thể sống được nhờ rừng, tiến tới làm giàu từ rừng, tạo việc làm, thu nhập ổn định.
Là một trong những địa phương có tỷ lệ du canh, du cư, phá rừng làm rẫy cao, Lâm Đồng đã xác định Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng chính là cơ hội để giải quyết tình trạng này.
Thông qua khoán quản lý bảo vệ rừng, mối quan hệ giữa các đơn vị quản lý rừng với chính quyền địa phương đã được tăng cường. Diện tích rừng đã giao khoán quản lý bảo vệ sinh trưởng, phát triển ngày càng tốt hơn. Tình trạng khai thác, chặt phá rừng trái phép đã giảm mạnh. Các hộ gia đình nhận khoán đã tự tổ chức lại, liên kết thành những tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, tạo nên sức mạnh tập thể.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Thu Thủy cũng đề xuất, cần lồng ghép việc trồng rừng với bảo vệ môi trường, chú trọng đến chất lượng rừng phòng hộ đặc dụng. Bà Thủy cho rằng, khi người dân hiểu được những tác động trực tiếp của môi trường rừng đến đời sống như bão lũ, xói mòi đất… nhận thức về việc bảo vệ rừng sẽ được cải thiện.
 
Theo Chinhphu.vn