Những chiếc thuyền ọp ẹp với đoạn dây mỏng manh bện từ lưới cũ chăng giữa đôi bờ, vài tấm gỗ ván cũ nát, nhưng hàng ngày có tới cả trăm chuyến đò đu dây qua lại hai bên bờ sông Nhuệ, thuộc xã Mỹ Hưng, Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 10 km.
|
Cảnh đò đu dây trên sông Nhuệ đoạn qua xã Mỹ Hưng, Thanh Oai, Hà Nội Ảnh: Minh Đức.
|
Theo quan sát của chúng tôi, dọc hai bên bờ sông Nhuệ đoạn thuộc xã Mỹ Hưng ngổn ngang rác thải, có chỗ rác tập kết thành đống, tắc nghẽn cả dòng chảy. Mặt nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Ở một số đoạn, máy xúc, máy ủi đang hoạt động hết công suất, khiến đoạn sông này không khác gì một công trường ngổn ngang.
Hiện một số người dân trong xã vẫn mưu sinh trên dòng sông này bằng cách đưa khách qua sông trên những chiếc thuyền cũ nát. Ngoài ra, họ còn tranh thủ dùng kích điện cố lùng bắt những con cá chạch còn sót lại trong dòng nước đen ngòm. Có lẽ, cá chạch là loài duy nhất có thể sống được trong môi trường nước ô nhiễm như thế này.
Chứng kiến cảnh người dân qua đò ở đây, chúng tôi không khỏi rùng mình. Chỉ cần một chiếc thuyền nhỏ bằng xi-măng, sàn kê vài tấm gỗ mỏng, rộng chừng 1,5 mét, dài khoảng 3 mét, không mái chèo, không lan can bảo vệ, hành khách (cùng xe máy, xe đạp) tùy ý đứng hoặc ngồi dưới thuyền, còn chủ đò dùng tay vít vào sợi dây được bện từ những tấm lưới mỏng nối từ cột bê-tông ở bờ bên này sang cột sắt ở bờ bên kia để đưa khách qua sông.
|
Toàn cảnh bến đò tại thôn Quảng Minh, xã Mỹ Hưng. |
Với cách qua đò như thế, người dân nơi đây có thể tiết kiệm được nửa đoạn đường để đi vào thành phố so với đường bộ qua xã Tam Hưng, Thạch Bích (Hà Đông). Hiện, trên địa bàn xã Mỹ Hưng có 4 bến đò đu dây kiểu này tại thôn Đan Thầm, Thạch Nham và Quảng Minh, trong đó thôn Quảng Minh có tới 2 bến.
Đan Thầm do thuận đường nên lúc nào cũng đông khách, có đến hàng trăm người qua lại mỗi ngày. Cả chủ đò lẫn khách đều vui vẻ trò chuyện, hồn nhiên qua sông mà chẳng mảy may bận tâm đến những nguy hiểm có thể xảy ra.
Anh Trịnh Văn Thịnh, xã Việt Hưng cho biết, những chiếc đò kiểu này hoạt động tại đây đã hàng chục năm. Vào mùa khô, mặt nước sông Nhuệ chỉ rộng khoảng 20m, nhưng vào mùa mưa, nước sông Nhuệ dâng cao tới mép bờ, mặt sông rộng 50 - 60m, lòng sông sâu khoảng 2,5 - 3m.
Lúc này, bến đò cũng cao lên, hai đầu dây vịn khi ấy được chuyển lên buộc vào hai gốc xà cừ cổ thụ. Cũng vài lần do chở nặng, trời mưa gió, một số người đã bị ngã khỏi đò, cả người lẫn xe rơi tùm xuống dòng sông Nhuệ đen ngòm.
"Vào thời điểm nước lớn, những chuyến đò qua lại luôn tròng trành, rất nguy hiểm. Nếu mưa to, nước chảy xiết, chỉ cần chủ đò sơ ý bị tuột tay hoặc đứt dây vịn là đắm đò như chơi", anh Nguyễn Tấn Thành, người dân xã Mỹ Hưng nói.
Chị Nguyễn Thị Sen ở xã Thạch Bích (Thanh Oai) là người thường xuyên qua đò để vào trung tâm Hà Nội xin nước gạo về nuôi lợn nói, nếu đi đường 21B, phải mất 17 - 18 cây số, chưa kể phải thêm đoạn đường qua Hà Đông vừa xa, lại hay tắc đường, trong khi đi đò tiện lợi, thông thoáng, quãng đường chỉ còn 5 - 6 cây số.
Chị Sen nói: "Cách đây chừng 5 tháng, xe của tôi chở 3 thùng nước gạo đầy, đi từ trung tâm Hà Nội về thì gặp trời mưa, đường xuống bến đò trơn nên cả người và xe phi thẳng xuống sông. Cũng may là lúc đó còn sớm, nên một số thanh niên đã nhảy xuống sông lôi tôi lên. Từ đó tới giờ tôi vẫn còn sợ, mỗi khi trời mưa, tôi phải nhờ người khác hỗ trợ mới dám đi xuống đò, cũng không dám về muộn qua con đò này nữa".
Theo quan sát của phóng viên, mỗi bên đò có một chiếc chòi canh rộng chừng hơn 1 mét vuông, giống như chiếc chuồng gà, đủ cho một người nằm chờ khách. Hai bên dốc đò được vạt đất hết sức sơ sài, tạo thành lối xuống đò. Tuy nhiên, lối xuống này vừa dốc, lại không được rải đá hay lát gạch nên không chỉ trời mưa mà trời nắng, dắt xe xuống cái dốc dựng đứng này cũng toát mồ hôi.
Theo quan sát của PV Tiền Phong, nhiều khách qua đò chở những thùng nước gạo khá nặng, một số đi bán rau, bán hàng rong và một số là dân sống hai bên dòng sông qua lại giao dịch buôn bán.
Người lái đò thường là cậu con trai khoảng 15 - 16 tuổi, thi thoảng một thanh niên chừng 35 tuổi thay phiên nhau. Có lẽ những chuyến đò không mái chèo này chỉ cần người có sức khỏe, lần được dây là có thể đưa người qua sông.
Mỗi lần khách qua sông, chủ đò thường thu 1.000 - 2.000 đồng/người, hoặc 2.000 - 4.000 đồng gồm cả người và xe máy, tùy thuộc vào người lạ hay quen, có thường xuyên qua đò hay không.
Ông Nguyễn Văn Mát, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng nói, tháng 11-2010, UBND thành phố đã có văn bản đồng ý đầu tư xây dựng cho xã một cây cầu dân sinh theo đề nghị của UBND xã Mỹ Hưng cũng như nguyện vọng của người dân nơi đây.
Dự kiến, trong năm nay, sẽ khởi công dự án xây cầu qua sông Nhuệ tại khu vực xã Mỹ Hưng để đảm bảo an toàn cho người dân khi qua lại.
|