Thứ bảy 30/11/2024
in trang
Kết quả sau 4 năm thực hiện nghị quyết 90 của HĐND tỉnh
 
Vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát chuyên đề về kết quả sau 4 năm thực hiện nghị quyết 90/2007/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Những kết luận của đoàn giám sát đã phản ánh bức tranh toàn cảnh về việc xây dựng đời sống văn hóa tỉnh ta trong 4 năm vừa qua.
 

  Một buổi văn nghệ thôn bản
 
Thực hiện Nghị quyết số 90/2007/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt tổng kinh phí thực hiện chương trình là 57.612 triệu, trong đó nguồn kinh phí do ngân sách địa phương cấp là 53.546 triệu; số còn lại là kinh phí huy động từ các nguồn như lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình MTQG về văn hoá, các dự án nghiên cứu bảo tồn di sản văn hoá, chương trình 120, 134, 135, tái định cư … ủng hộ của các tổ chức doanh nghiệp và tham gia đóng góp từ người dân. 
 Đến hết năm 2010, tổng kinh phí đầu tư thực hiện đề án gần 22 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh đã cấp là gần 14 tỷ đồng hỗ trợ để xây dựng nhà văn hoá bản, khu phố, mua trang thiệt bị, cấp sách, giá sách cho nhà văn hoá hoạt động.
 
Từng bước đẩy mạnh xây dựng, nâng cao hiệu quả, chất lượng đời sống văn hoá
 
Trong thời gian qua nhờ đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” toàn tỉnh đã có 49.990/76.184 hộ được công nhận danh hiệu Gia đình văn hoá, 590/1.112 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận là văn hoá; 600/418 cơ quan đơn vị, trường học được công nhận là văn hoá; 1.112/1.112 thôn, bản, tổ dân phố đã xây dựng quy ước, hương ước và đưa vào thực hiện, trong đó có 954 quy ước, hương ước được phê duyệt.   
Bên cạnh đó phong trào“ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã có sự kết hợp hài hoà và chặt chẽ với cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” do Uỷ ban TWMTTQ Việt Nam phát động, thực hiện lồng ghép gắn với cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các phong trào như: “Toàn dân phòng chống tội phạm”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “ Khuyến học, khuyến tài, xây dựng gia đình hiếu học, xã hội học tập”,…Phong trào đã tạo sự chuyển biến trong đời sống xã hội, củng cố đại đoàn kết, hạn chế các biểu hiện tiêu cực trong đạo đức, lối sống tạo môi trường lành mạnh xây dựng nếp sống mới ở cộng đồng dân cư, được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực thực hiện.  
Chỉ tính năm 2010, tỷ lệ số hộ gia đình văn hoá tăng 9,5%, thôn, bản, tổ dân phố văn hoá tăng 30,1% so với những năm trước. Cũng chính từ phong trào đã suất hiện nhiều điển hình xuất sắc được Thủ tướng Chính Phủ, Ban chỉ đạo Trung ương, UBND tỉnh tặng bằng khen.
 
Công tác tuyên truyền phát huy hiệu quả tích cực
 
Công tác tuyên truyền được chú trọng và đẩy mạnh thực hiện qua nhiều cách khác nhau như: tuyên truyền miệng, thông tin lưu động, phát trên phát thanh, truyền hình, ấn phẩm,…đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu cung cấp, truyền tải đến tận thôn bản, người dân về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, các chính sách, quy định của địa phương. Bên cạnh đó, hình thức tuyên truyền trực tiếp phát huy hiệu quả rất tốt như: Tuyên truyền trực tiếp tại các cuộc họp, hội nghị với các lực lượng truyền đạt là báo cáo viên, tuyên truyền viên và hình thức tuyên truyền thông qua sinh hoạt tại các Câu lạc bộ. 
Theo báo cáo của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch với nhiều kênh cung cấp sách, báo cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, thì toàn tỉnh có 1.225.517 bản sách và có bình quân trên đầu người tại cơ sở đạt 3,5 bản/người, vượt 0,5 bản/người so với chỉ tiêu Nghị quyết.
  

 Lễ hội Then Kin Pang
 
Các Nhà văn hoá, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển
 
Đến cuối năm 2010, toàn tỉnh đã có 21 xã và 286 thôn, bản đã xây được nhà văn hoá và có 174/307 nhà văn hoá được cung cấp trang thiết bị tăng âm, loa đài, ti vi, bục nói chuyện,…phục vụ cho sinh hoạt; 68/98 xã, phường, thị trấn có điểm văn hoá, đạt tỷ lệ 69%.  
Hoạt động tại các nhà văn hoá rất đa dạng và phong phú như: Tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, các mô hình sinh hoạt câu lạc bộ, các buổi tập huấn chăn nuôi phát triển kinh tế, hoạt động hè cho thanh thiếu niên nhi đồng. Góp phần không nhỏ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển mạnh, toàn tỉnh có 1.038/1/112 bản, tổ dân phố có đội văn nghệ, đạt tỷ lệ 93%. 

Mùa xuân trên bản vùng cao  
 
Công tác quản lý Nhà nước về văn hoá được chú trọng
 
Những năm qua nhờ sự quan tâm của nhà nước nên văn hoá toàn tỉnh được chú trọng, quan tâm, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về quản lý văn hoá trên địa bàn để thể hiện hoá các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đời sống của đồng bào dân tộc đã từng bước được nâng lên, góp phần vào phát triển văn hoá xã hội, xoá đòi giảm nghèo và giữ vững ổn định xã hội ở cơ sở. Tỉnh cũng đã mở được 23 lớp tập huấn nghiệp vụ tại cơ sở cho gần 1.000 lượt cán bộ tập huấn nghiệp vụ nhằm tăng cường công tác hoạt động văn hoá tại địa phương. Năm 2010 mở lớp Trung cấp quản lý văn hoá cho 80 học viên là cán bộ đang công tác tại Ban văn hoá – xã hội của các xã, phường, thị trấn.
 

Thị xã Lai Châu hôm nay 
 
Mặt hạn chế
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong phong trào“ toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” cũng còn những hạn chế như:  
Một số nơi phong trào còn nặng về hình thức, chạy theo thành tích nên chưa thực sự tác động đến tư tưởng, đạo đức lối sống của người dân, tỷ lệ gia đình văn hoá, thôn bản văn hoá tăng nhưng nếp sống mới chậm hình thành.  
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ở một số nơi, một số dân tộc chưa có chuyển biến.  
Ở một số khu vực thị xã, thị trấn các biểu hiện thiếu văn hoá như: Chiếm dụng vỉ hè, lòng đường làm nơi buôn bán, xả rác bừa bãi, không tôn trọng giao thông,… chưa được khắc phục kịp thời, các tệ nạn xã hội như trộm cắp, nghiện hút có xu hướng gia tăng ở một số nơi.  
Ở khu vực nông thôn còn biểu hiện cục bộ địa phương, cục bộ dòng họ, các tệ nạn cơ bạc, mê tín dị đoan, các hủ tục chưa được đẩy lùi một cách triệt để. 
Các mạng lưới truyền thông, tuyên truyền cũng chưa được đến tận tay người dân, sóng truyền hình chưa phủ sóng rộng. 
Việc triển khai, cụ thể hoá nghị quyết ở các cấp các ngành còn lung túng và chưa rõ. Cấp huyện mới chỉ đưa chỉ tiêu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện, không ban hành chương trình, kế hoạch để triển khai Nghị quyết. 
Ngân sách đầu tư để triển khai Nghi quyết còn thấp. Đội ngũ cán bộ làm văn hoá ở cơ sơ còn thiếu về số lượng, một số yếu về chất lượng, tinh thần trách nhiệm chưa cao. Chất lượng văn hoá chưa đều giữa các địa phương, còn hình thức, đời sống văn hoá còn nghèo. Việc xây dựng quy ước, hương ước ở cơ sở còn hạn chế, một số tệ nạn còn diễn ra phức tạp. 
Công tác quản lý nhà nước về văn hoá còn hạn chế nhất là ở cấp xã cơ sở. Một số địa phương triển khai cơ chế xây dựng nhà văn hoá chưa đúng tinh thần “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” theo Nghị quyết.
 
Đề xuất, kiến nghị
 
Trong những năm sắp tới, để Chương trình này đạt được kết quả cao hơn; Ban VH- XH HĐND tỉnh đã đề ra một số đề xuất, kiến nghị. Tập trung vào một số vấn đề, đó là: 
Thứ nhất, Đề nghị HĐND, UBND tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 13 của Tỉnh uỷ, Nghị quyết 90 của HĐND tỉnh. 
Thứ hai, Đề nghị UBND tỉnh sẽ nghiên cứu đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể từ nay đến 2015, bám sát vào tiêu chuẩn để nâng cao phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hoá ở cơ sở, quan tâm đến việc quy hoạch đất cho xây dựng các thiết chế văn hoá. 
Thứ ba, quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác văn hoá ở cơ sở, bố trí kinh phí để mở lớp học tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa xã, phường, thị trấn. 
Thứ tư, chỉ đạo cơ quan chuyên môn xem xét bố trí, bổ xung nguồn vốn thực hiện trong năm 2010. Nghiên cứu, cân đối ngân sách địa phương, nâng cấp kinh phí xây dựng nhà văn hoá bản, khu phố từ 50 triệu đồng/nhà lên 80 triệu đồng/nhà. 
Thứ năm, từng bước đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá như: Nhà thi đấu đa năng, khu vui chơi, giải trí cho người già và trẻ em tại các trung tâm các huyện, thị xã. 
 
Nhân dịp này, Ban VH - XH HDDND tỉnh cũng đề nghị các sở, ban, ngành, HĐND, UBND các huyện thị phải phối hợp thực hiện tốt Nghị quyết 90 của HĐND tỉnh giao, đạt được mục tiêu Chương trình đã đề ra.
 
Thu Hoài