Trong 6 ngày, giá vàng thế giới tăng 35 USD/ounce (gần 900.000 đồng/lượng) nhưng giá vàng trong nước chỉ tăng 300.000 đồng/lượng.
Ngày 18-4, giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, 1.485 USD/ounce. Tính từ ngày 13 đến 18-4, giá vàng thế giới liên tục leo thang từ 1.450 USD/ounce lên 1.485 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng trong nước tăng không đáng kể. Nhiều nhà đầu tư đứng ngoài thị trường khiến sức mua vàng rất yếu, trong khi đó tỉ giá USD tự do ngày càng đi xuống, là nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước không còn theo kịp giá thế giới.
Giá vàng trong nước đã thấp hơn giá thế giới hơn 100.000 đồng/lượng. Ảnh: Hồng Thúy
Giá trong nước đã thấp hơn thế giới
Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, người ta thường đầu tư vào vàng vì khi đó nhiều loại hàng hóa đồng loạt tăng giá, trong đó có vàng.
Theo nhà môi giới Frank Lesh, thuộc hãng giao dịch FuturePath Trading, lạm phát là mối quan tâm hàng đầu và là một trong những lý do khiến nhiều người mua vàng. Điển hình, chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc tăng như vũ bão làm tăng thêm tâm lý tích trữ vàng của người dân ở quốc gia này. Mặt khác, khủng hoảng nợ công châu Âu diễn biến theo chiều hướng xấu cũng kích thích giới đầu tư tài chính quốc tế dồn vốn vào vàng. Chẳng hạn, phiên giao dịch ngày 15-4, quỹ đầu tư hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust đã mua hơn 18 tấn vàng, nâng số vàng nắm giữ lên 1.231 tấn...
Trong khi đó, thị trường vàng Việt Nam lại hết sức ảm đạm. Vàng SJC bán ra 37,27 triệu đồng/lượng, tính ra thấp hơn giá vàng thế giới hơn 100.000 đồng/lượng. Nhiều người thường xuyên quan sát cho biết chỉ trong 4 phiên giao dịch vừa qua, giá vàng thế giới đã tăng 35 USD (tính ra gần 900.000 đồng/lượng), còn giá vàng trong nước chỉ tăng 300.000 đồng/lượng. Đây là một trong những diễn biến hiếm thấy trên thị trường vàng Việt Nam bởi trước đây giá vàng trong nước thường tăng tương ứng hoặc cao hơn so với đà tăng của giá vàng thế giới...
Khó tăng mạnh trong ngắn hạn
Theo ông Huỳnh Anh Chương, Phó Giám đốc Công ty UniGold, người dân không mua vàng, tỉ giá USD tự do ngày càng lùi về sát với tỉ giá của ngân hàng là 20.935 đồng/USD đã góp phần hạn chế đà tăng của giá vàng trong nước. Mặt khác, do giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới hơn 100.000 đồng/lượng nên đối tượng xuất lậu vàng cũng không có cơ hội để gom hàng, không tạo ra lực đẩy cho giá vàng trong nước tăng kịp với giá vàng thế giới.
Ông Nguyễn Công Tường, Phó Phòng Kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), cho biết người mua vàng rất ít. Doanh số giao dịch vàng của SJC cực thấp, bình quân chỉ đạt 1.000-2.000 lượng/ngày. Theo ông Tường, nhiều nhà đầu tư lớn không tham gia thị trường vì còn chờ đợi chính sách mới về vàng sẽ được ban hành trong thời gian tới. Trước tình hình đó, một số người chuyên lướt sóng vàng lại bán ra bởi nhận thấy nắm giữ vàng sinh lời không bằng gửi tiết kiệm VNĐ, lãi suất thỏa thuận lên tới 17%-18%/năm. Do đó, mức độ tăng giá của giá vàng trong nước ít hơn giá vàng thế giới.
“Giá vàng thế giới lập kỷ lục 1.500 USD/ounce chỉ là vấn đề thời gian. Khi đó, giới đầu tư quốc tế sẽ chốt lời, giá vàng đi xuống thu hút nhiều nhà đầu tư khác nhảy vào “cuộc chơi” có thể làm cho giá vàng thế giới vọt lên 1.520 USD/ounce” - ông Tường dự báo.
Sẽ mở rộng đối tượng giao dịch ngoại tệ
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ ban hành thông tư mới về việc mua bán ngoại tệ. Theo đó, ngoài 7 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước là đối tượng mua bán ngoại tệ còn có thêm đối tượng mới là các doanh nghiệp thành viên của doanh nghiệp Nhà nước. Hiện tại, dự thảo thông tư mua bán ngoại tệ đang được các tổ chức liên quan đóng góp ý kiến bao gồm các nội dung như: tỉ giá mua bán; nguồn ngoại tệ phải bán; tổng số ngoại tệ mua – bán; việc mua - bán ngoại tệ của tổ chức tín dụng với Ngân hàng Nhà nước; chuyển ngoại tệ từ các tài khoản của tổ chức mở tại các tổ chức tín dụng khác nhau…
Như vậy, nếu trong thời gian tới, các quy định mới về giao dịch ngoại tệ được ban hành thì nguồn cung USD của ngân hàng sẽ tăng lên, tỉ giá ngoại tệ có thể đi xuống. Khi đó, giá vàng trong nước càng khó tăng.
|