Thứ bảy 30/11/2024
in trang
Hiểm họa từ khai thác khoáng sản
 
Hầu hết các mỏ đá trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên - nhất là các mỏ đá thuộc các Cty tư nhân quản lý, đều khai thác không đúng thiết kế kỹ thuật - đó là nhận định của Thanh tra lao động thuộc Sở LĐTBXH.
 
Kèm theo đó là tâm lý chủ quan của cả chủ sử dụng LĐ và NLĐ, khiến số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) chết người tại các mỏ đá đang tăng đột biến.
 
Mối nguy từ mỏ có phép đến không phép
 
Khu vực mỏ đá Quang Sơn thuộc xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ đang có nhiều DN tham gia khai thác. Những tai nạn sứt đầu mẻ trán là chuyện thường ở đây, còn chuyện chết người trong vài năm trở lại đây đã xảy ra thường xuyên hơn. Ông Hoàng Văn Giáp (xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ) sống gần mỏ đá Quang Sơn, than: “Chưa nói đến an toàn trong khu mỏ, việc nổ mìn, đá văng tứ tung vào nhà dân, ruộng vườn đã thành thông lệ.
 
Mấy hôm trước, hàng xóm của tôi còn bị hòn đá to bắn thủng mái nhà, văng vào giữa mâm cơm”. Đó là gia đình ông Hoàng Văn Lâm. Ông Lâm đưa chúng tôi xem hòn đá to chừng ba nắm tay, vừa chỉ tay lên trần nhà rồi kết luận: “Các anh cứ đi khắp xóm, hầu như nhà nào lợp bằng mái ximăng cũng có dấu tích của đá văng”.
 
Tiếng mìn vừa dứt, công nhân đã đổ vào bãi đá để làm việc.     Ảnh: Vinh Hải

Tiếng mìn vừa dứt, công nhân đã đổ vào bãi đá để làm việc. Ảnh: Vinh Hải

 
Người dân xóm Trung Sơn dẫn chúng tôi lên mái nhà để tận mắt mục kích cảnh nổ mìn, đá văng ở mỏ đá Quang Sơn cách đó chừng 200m. Đến thời điểm nổ mìn phá đá, tiếng hô váng lên khắp nơi trước khi tiếng mìn nổ ục ục làm đá văng tứ tán kèm theo bụi bao trùm. Lẫn trong tiếng đá rơi lạo xạo là tiếng máy khoan gần khu vực vừa nổ mìn, nghĩa là trong khi mìn nổ vẫn có người làm việc gần đó. Công nhân bắt đầu lên các mỏm núi để gỡ những tảng đá bị mắc vứt xuống bãi đá vừa bị nổ mìn. Ông Lâm thắc mắc: “Chúng tôi không hiểu quy trình nổ mìn khai thác ra sao mà lần nào cũng thấy đá văng khắp nơi, công nhân làm việc ngay khi nổ mìn”.
 
Đấy là công việc ở các mỏ đá được cấp phép, còn ở những mỏ đá không được cấp phép, do các cai đứng ra làm theo kiểu thổ phỉ thì gần như không có sự hiện diện của các biện pháp BHLĐ. Ở xóm Ó, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương - nơi có nhiều mỏ đá không phép hoạt động - chúng tôi được chứng kiến cảnh công nhân lửng lơ ở sườn núi, khoan vào vách đá dựng đứng để đặt kíp nổ. Nhiều vị trí còn nguyên những dây điện lòng thòng nối với kíp nổ. Ở những mỏ đá này, đừng nói đến trang thiết bị BHLĐ, bởi đến đôi găng tay NLĐ cũng không có.
 
Phạt không đủ răn đe
 
Ông Nguyễn Văn Tuấn - chuyên viên thuộc Phòng Thanh tra Sở LĐTBXH Thái Nguyên - nhận định: “Việc các DN cắt giảm chi phí khiến tính mạng NLĐ bị đe dọa hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, nhiều LĐ cũng chưa có ý thức bảo vệ bản thân khi không sử dụng thiết bị BHLĐ, dù được trang bị”. Qua công tác kiểm tra ATLĐ tại 30 mỏ đá năm 2010, Thanh tra LĐ đã xử phạt 11 trường hợp vi phạm quy định ATLĐ với số tiền phạt 20 triệu đồng.
 
Nguy hiểm vẫn đang rình rập tại các mỏ đá.     Ảnh: V.H

Nguy hiểm vẫn đang rình rập tại các mỏ đá. Ảnh: V.H

 
Rõ ràng, số tiền phạt này không đủ sức răn đe các mỏ thực hiện tốt hơn công tác BHLĐ. Như tại khu vực mỏ đá Quang Sơn, trong năm 2010, tại Cty CP xây dựng đá ốp lát và VLXD đã xảy ra hai vụ TNLĐ chết người, với cùng một nguyên nhân do đá rơi.  Chỉ trong năm 2010, tại Thái Nguyên đã xảy ra 5 vụ TNLĐ chết người trong lĩnh vực khai khoáng so với 2 vụ trong 4 năm trước đó.
 
Ông Tuấn cho biết thêm, không chỉ thiếu trang thiết bị BHLĐ, các mỏ đá - đặc biệt là các mỏ thuộc DN tư nhân - khai thác không đúng thiết kế kỹ thuật, tạo nên mối nguy tiềm tàng đối với NLĐ. Cụ thể, thay vì khai thác theo tầng, một số DN cho nổ mìn theo phương pháp “khấu suốt” với chiều cao, bề dày lớn hơn quy định kỹ thuật.
 
Các DN có đăng ký kinh doanh, khai thác khoáng sản còn có sự quản lý của nhiều ngành chức năng. Còn đối với các mỏ không phép, phụ thuộc hoàn toàn vào sự “nhiệt tình” của chính quyền địa phương. Như ở xã Yên Lạc, ông Hoàng Công Tạo – Bí thư Đảng ủy xã - thừa nhận biết việc khai thác đá trái phép diễn ra từ nhiều năm nay và năm nào xã cũng tiến hành kiểm tra. Ông Tạo còn nắm rõ những chủ mỏ đang khai thác và giải thích người dân chỉ khai thác để san lấp đường thôn xóm. Với cách nhìn nhận vấn đề như trên thì hiểm nguy vẫn còn treo trên đầu những người khai thác đá.  
 
Theo Laodong.com