Trước tình hình cháy rừng trong toàn tỉnh, các cấp, các ngành của tỉnh Lai Châu đã và đang tăng cường triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao ý thức phòng, chống cháy rừng của người dân, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra cháy rừng nhằm hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra.
Thời gian qua, do nắng nóng, hanh khô kéo dài nên tại các xã Nậm Cần (huyện Tân Uyên), Nậm Manh, Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn), Ma Quai (huyện Sìn Hồ) và Nùng Nàng (huyện Tam Đường) đã xảy ra một số vụ cháy rừng và thảm thực vật và làm thiệt hại hơn 16 ha rừng trồng và rừng tái sinh.
Ông Nguyễn Văn Biển - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh cho biết: Ngay sau khi phát hiện có cháy, chính quyền tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các huyện, huy động lực lượng tại chỗ với số lượng hàng nghìn người, gồm: Dân quân, kiểm lâm, bộ đội và người dân địa phương tiến hành dập lửa. Các đám cháy đều được khống chế và dập tắt sau khoảng 3 đến 5 giờ xảy ra cháy nên không gây thiệt hại nhiều về rừng.
Hiện nay, tỉnh Lai Châu có tổng diện tích rừng trên 445 nghìn ha, độ che phủ đạt gần 50%, trong đó rừng tự nhiên chiếm trên 427 nghìn ha, rừng trồng hơn 18 nghìn ha. Xác định đây là vào thời kỳ cao điểm của nắng nóng, hanh khô kéo dài và là thời gian mà đồng bào ở các vùng miền núi bắt đầu bước vào mùa đốt nương, làm rẫy vì thế nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh là rất cao. Trước tình hình đó, tỉnh Lai Châu đã thành lập ba tổ công tác và tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống cháy rừng tại các huyện, thành phố. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra và chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ; các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các chủ rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy; tổ chức thường trực 24/24 giờ; bố trí lực lượng canh phòng tại những khu vực trọng điểm; chủ động phát hiện sớm điểm cháy và huy động các lực lượng, phương tiện tại chỗ để chữa cháy kịp thời.
Bên cạnh đó, kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững tại địa phương; triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; các lực lượng chức năng của huyện, thành phố phối hợp với chính quyền cơ sở và hỗ trợ các chủ rừng kiểm tra, truy quét để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi lấn chiếm, tái lấn chiếm đất rừng, chặt phá, khai thác rừng trái pháp luật; quy định cụ thể khu vực cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa trái quy định ở những khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao; hướng dẫn, kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy của Nhân dân; tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết thực hiện các quy định bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ, thực hành diễn tập tình huống, chuẩn bị các phương án, đảm bảo lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật và hậu cần sẵn sàng ứng cứu khi được huy động; phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm, chủ rừng tăng cường công tác tuần tra rừng, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi khai thác gỗ, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Thời điểm này, tỉnh đã thành lập được 1.016 tổ chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn các huyện, thành phố. Chi cục Kiểm lâm đã tiến hành tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ toàn bộ diện tích rừng hiện có trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng và tổ chức triển khai các phương án quản lý rừng theo đúng các quy định của pháp luật; bố trí lực lượng tăng cường tại các xã, vùng trọng điểm có nhiều rừng, các địa bàn giáp ranh; tổ chức tuần tra, kiểm soát để phát hiện kịp thời, ngăn chặn các hành vi vi phạm ngay từ cơ sở; kiên quyết xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, thường xuyên nắm bắt, theo dõi, xử lý các thông tin, dự báo, cảnh báo tình hình cháy rừng và tiến hành đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để các lực lượng và người dân chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng.
Diễn tập phòng, chống cháy rừng tại huyện Tam Đường. (Ảnh: Tạ Linh)
Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh cho biết thêm: Ngay sau khi có các Công điện, Chỉ thị của UBND tỉnh, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh đã ban hành văn bản đôn đốc các Hạt kiểm lâm địa bàn xây dựng các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở. Đồng thời, Chi cục cũng kiểm tra các dụng cụ phòng cháy, chữa cháy, để thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ) trong trường hợp có hiện tượng cháy rừng xảy ra; các Ban quản lý rừng xây dựng kế hoạch, phân các ca trực cụ thể cho các thành viên; phối hợp với các địa phương tổ chức họp dân hướng dẫn tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy (nếu cháy xảy ra) và hướng dẫn cách đốt nương làm rẫy.
Chế độ trực, tuần tra, kiểm tra canh phòng lửa rừng được các đơn vị quản lý và bảo vệ rừng ở thực hiện ngay từ đầu mùa khô kết hợp với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tại các khu vực có rừng đều bố trí trực chòi canh quan sát lửa rừng trên địa bàn quản lý và vùng lân cận, đồng thời bố trí lực lượng tại các tiểu khu, nhân viên bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra mặt đất để kiểm soát người ra vào rừng, tuyên truyền, hướng dẫn thi công xử lý thực bì, làm đường ranh cản lửa. Ngoài ra, ngành, địa phương và đơn vị chức năng còn chú trọng tuyên truyền pháp luật đến người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đồng thời mua sắm, sửa chữa trang thiết bị dụng cụ phòng chống cháy; tổ chức cho hàng nghìn học sinh và hộ dân ký cam kết bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.
Song song với đó, phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thông báo, thông tin thường xuyên cấp dự báo cháy rừng; phân công cán bộ thường trực theo dõi điểm cháy từ vệ tinh trên trang web của Cục Kiểm lâm và có thông báo ngay cho kiểm lâm địa bàn nếu có cháy, đảm bảo huy động lực lượng ngăn chặn, dập tắt lửa rừng... Đối với những vùng sản xuất, trước khi đốt, dọn nương phải báo cho trưởng bản, tiểu khu trưởng biết để cử kiểm lâm địa bàn hướng dẫn, giám sát.
Hiện tại, tỉnh Lai Châu đã và đang thực hiện nghiêm các phương án, kế hoạch phòng, chống cháy rừng trong mùa khô hanh. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống cháy rừng mùa khô hanh được triển khai thực hiện tốt, ngoài sự vào cuộc của các lực lượng thì cần hơn cả là sự vào cuộc của Nhân dân, nhất là những khu vực được xác định là vùng trọng điểm cháy rừng của tỉnh. Có như vậy, mới đảm bảo mục tiêu giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra, góp phần nâng cao các biện pháp kiểm soát cháy rừng và ý thức bảo vệ rừng trên địa bàn.