Thứ bảy 30/11/2024
in trang
Phải giữ bằng được 3,8 triệu ha đất lúa
 
“Phải quyết tâm giữ vững 3,8 triệu ha đất lúa, trong đó 3,2 triệu ha đất lúa từ 2 vụ trở lên, có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, việc sử dụng đất lúa phải đảm bảo sự thống nhất và phù hợp về quy mô, địa bàn, nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”. Đó là những nội dung mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa trình lên Chính phủ.
 
Giữ vững đất lúa được xem là biện pháp tối ưu
để đảm bảo bền vững an ninh lương thực quốc gia
                                                       Ảnh:
THÁI SƠN
 

 

Bài toán không dễ
Theo quan điểm nhất quán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đến năm 2020 đất lúa sử dụng cho sản xuất lúa gạo đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài là 3,81 triệu ha, trong đó 3,22 triệu ha đất lúa 2 vụ trở lên có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh. Việc quy hoạch đất lúa ngoài việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế thấp nhất việc chuyển đổi đất lúa sang các mục đích sử dụng khác còn phải dựa vào việc ứng dụng mạnh các thành tựu khoa học công nghệ, kết hợp với đầu tư thủy lợi nhằm đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ. Quy hoạch sử dụng đất lúa gắn với việc thực hiện các chính sách bảo vệ, quản lý và phát triển đất lúa; chính sách hỗ trợ cho người sản xuất lúa; chính sách đối với các địa phương thuộc vùng quy hoạch chuyên sản xuất lúa...
Qua tổng hợp báo cáo về hiện trạng đất lúa, tính đến năm 2010, cả nước có tổng diện tích 4.068.000 ha lúa, trong đó có 3.949.000 ha lúa nước và 119.000 ha lúa nương. Riêng diện tích trồng lúa nước giảm 319.000 ha so với năm 2000, chủ yếu chuyển sang công nghiệp, tập trung ở các vùng đồng bằng sông Hồng.
Cũng theo tính toán của Bộ Tài Nguyên-Môi trường, diện tích đất lúa mất đi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến năm 2010 sẽ là 5.700 ha và năm 2030 là 19.900 ha. Quy hoạch đất lúa sẽ được phân bổ cho từng vùng: Trung du miền núi Bắc bộ; đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung bộ; duyên hải Nam Trung bộ; Tây Nguyên; Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Trong số này, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần giữ đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 là lớn nhất, đạt hơn 1,83 triệu ha. Việc giữ vững đất lúa được xem là biện pháp tối ưu nhất để đảm bảo bền vững an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
Chính phủ quyết tâm giữ vững 3,8 triệu ha đất lúa 
                                                        Ảnh:  THÁI SƠN
Cần có giải pháp cụ thể
Bình luận về “tối hậu thư” phải giữ 3,8 triệu ha đất lúa, TS Lương Văn Tác, viện Quy hoạch và Thiết kế cho biết, “đã có quy hoạch thì phải triệt để làm”. Bình quân diện tích đất lúa của Việt Nam rất thấp so với các nước Trung Quốc, Ucraina. “Nếu so với quy hoạch năm 2010 thì điều chỉnh mới sụt giảm đi 200.000 ha. Không thể lấy đất ở miền núi bù lại cho đất ở đồng bằng”.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, mặc dù diện tích trồng lúa giảm, nhưng nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và tăng cường công tác thủy lợi nên năng suất và sản lượng lúa của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng từ 4,24 tấn/ha lên 5,22 tấn/ha; sản lượng lúa tăng từ 32.525.000 tấn lên 38.725.000 tấn; bình quân lương thực đạt 449 kg/người/năm, tăng 30 kg so với năm 2000. Hệ số sử dụng đất đạt 1,82 lần, tăng 0,1 lần; xuất khẩu trung bình 3-5 triệu tấn gạo/năm, trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 2 thế giới.
Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT cho rằng, nếu không tính toán cụ thể, mà cứ tiếp tục tình trạng thiếu kiểm soát quỹ đất như hiện nay thì chắc chắn sẽ không còn đủ quỹ đất để đảm bảo nhu cầu lương thực trong nước đến năm 2020. Để đảm bảo diện tích tối thiểu cho sản xuất lương thực quốc gia, phụ thuộc nhiều vào quy hoạch chung của Chính phủ, trên cơ sở đó mới phân bổ quy hoạch cụ thể về từng địa phương, bởi số lượng quỹ đất nông nghiệp ở mỗi địa phương là khác nhau.

Để thực hiện được mục tiêu quy hoạch, theo các chuyên gia trong ngành, kế hoạch sử dụng đất phải rất cụ thể, xác định ranh giới, cắm mốc ngoài thực địa và công khai về diện tích, trong trường hợp cần thiết chuyển mục đích, các địa phương phải có kế hoạch bù đắp diện tích đất trồng lúa nước đã bị mất, nhất là hạn chế tối đa việc chuyển diện tích đất lúa sang khu công nghiệp.
Đại diện của NN- PTNT cho rằng, muốn quản lý và sử dụng đất lúa hiệu quả, Nhà nước cần đầu tư kinh phí cho các 33 tỉnh quy hoạch, đưa ra chi tiết quy hoạch tận cấp xã; đồng thời cơ quan quản lý cũng phải đầu tư kinh phí cho các vùng lúa chuyên canh để nâng cao năng suất; ban hành các chính sách để khuyến khích các địa phương giữ đất lúa... Bên cạnh đó, phải thực hiện chính sách bảo hiểm rủi ro thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả đối với người sản xuất lúa hàng hóa; lập quỹ bình ổn giá tiêu thụ lúa gạo trên cơ sở đảm bảo người trồng lúa có lãi 30%...     
 
Theo daidoanket.vn