Thứ bảy 30/11/2024
in trang
Các trường bán trú gồng mình xoay sở với bão giá
 
Lương thực, thực phẩm không ngừng tăng giá khiến các trường có học sinh bán trú phải gồng mình xoay sở để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh.

Bữa ăn trưa của học sinh Trường Tiểu học số 1 thị xã Lai Châu.

Chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học số 1 thị xã Lai Châu khi các nhân viên nhà trường đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho học sinh. Cô giáo Ngô Thị Minh Tuất – Hiệu phó nhà trường cho biết: Năm học 2010 – 2011, nhà trường có 663 học sinh, trong đó 460 học sinh bán trú. Theo sự thỏa thuận của nhà trường với Ban đại diện phụ huynh học sinh, mức tiền ăn bán trú của mỗi học sinh là 10 nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên, từ đầu năm học đến nay, giá thực phẩm liên tục tăng khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh.

Đối phó với bão giá, Công đoàn nhà trường đã phát động cán bộ, giáo viên tích cực phát triển vườn rau công đoàn sau giờ lên lớp tại khuôn viên nhà trường; đồng thời tăng gia sản xuất (trồng rau, nuôi gà) tại gia đình bán lại cho nhà trường với giá ưu đãi. Do đó, cơ bản nhà trường tự cung tự cấp được rau xanh. Đồng thời nhà trường còn tìm hiểu, liên hệ mua thực phẩm tại đại lý bán lương thực thực phẩm uy tín, giá phải chăng.

Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên thay đổi cách chế biến các món ăn hợp với khẩu vị của học sinh; quan trọng là đảm bảo đủ chất và lượng để các em có đủ sức khỏe, học tập tốt.

Được biết, do chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc học kỳ II nên nhà trường sẽ cố gắng xoay xở để giảm chi phí, còn giải pháp tăng mức đóng tiền ăn cho học sinh thì nhà trường sẽ tổ chức họp bàn với Ban đại diện phụ huynh vào năm học tới.

Cùng chung quyết tâm không tăng mức đóng tiền ăn, hiện Trường Mầm non Đoàn Kết (thị xã Lai Châu) cũng đang tìm mọi cách để vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo chất lượng bữa ăn, cân đối tỷ lệ các chất prôtít, lipit, gluxit…  

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Phạm Thị Hồng Bích – Hiệu phó nhà trường chia sẻ: “100% học sinh của trường ăn bán trú. Với mức đóng tiền ăn đầu năm học là 10 nghìn đồng/học sinh/ngày, các em được ăn 2 bữa (trưa và chiều), riêng nhà trẻ có thêm bữa ăn phụ. Giá các mặt hàng tăng cao gây khó khăn cho việc tổ chức bữa ăn cho học sinh song nhà trường sẽ cố gắng duy trì đến hết năm học này. Thời gian tới nhà trường sẽ phát động cán bộ, công nhân viên chức lao động trồng rau công đoàn để bán cho nhà trường với giá rẻ; thay thế thực phẩm giá thấp nhưng vẫn đảm bảo về chất và lượng cho trẻ”.

Với 99% học sinh là đồng bào dân tộc Mông, năm học 2010 – 2011 mỗi học sinh được UBND thị xã Lai Châu hỗ trợ 70 nghìn đồng/ngày, phụ huynh đóng góp 4kg gạo và 15kg củi; ngoài ra đối với trẻ dưới 3 tuổi đóng thêm 22 nghìn/em/tháng, nhưng đến thời điểm này, Trường Mầm non xã Nậm Loỏng cũng đang “đau đầu” cân đối bữa ăn của học sinh, cố gắng không phải họp phụ huynh để bàn chuyện tăng mức đóng góp. Bởi đặc thù của xã có nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, việc cho con đến lớp đầy đủ đã là cả một sự quyết tâm. Nếu giờ tăng thêm các khoản đóng góp, e rằng các cô giáo sẽ không có trò để dạy, còn trên nương, rãy lại có thêm nhiều em nhỏ theo bố mẹ đi làm.

Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ học tập tốt, biện pháp hữu hiệu nhất là các bậc phụ huynh cần sớm chủ động vào cuộc cùng các nhà trường tìm lời giải bài toán dinh dưỡng cho trẻ bán trú thời bão giá.

 
theo báo Lai Châu