Thứ bảy 30/11/2024
in trang
Cảnh giác với tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em
 
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ mua bán phụ nữ, trẻ em ở các huyện nằm sâu trong nội địa như: Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ. Công tác đấu tranh phòng ngừa loại tội phạm này còn gặp rất nhiều khó khăn do yếu tố địa hình hiểm trở, đường biên giới dài, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc còn hạn chế, đời sống khó khăn. Lợi dụng tình hình trên, các đối tượng buôn người đã xâm nhập vào địa bàn lôi kéo, dụ dỗ những cô gái nhẹ dạ cả tin bán sang Trung Quốc.
Cũng như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em đã xuất hiện ở Lai Châu từ rất lâu, nhưng đặc biệt gia tăng trong thời gian gần đây. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng thì từ tháng 11/2009 đến 10/2010 trên địa bàn tỉnh ta đã phát hiện điều tra 14 vụ mua bán người, mua bán trẻ em, bắt khởi tố 22 đối tượng là rõ 25 nạn nhân trong đó có 22 phụ nữ và 03 trẻ em, chuyển Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố 09 vụ bằng 14 bị can, hiện còn đang điều tra 05 vụ bằng 08 bị can.
Trong đợt cao điểm tấn công truy quét loại tội phạm này từ 15/08/2010 đến 15/10/2010 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự Công an tỉnh đã khởi tố điều tra 08 vụ bằng 14 bị can trong đó mua bán phụ nữ 07 vụ bằng 13 bị can, mua bán trẻ em 01 vụ bằng 01 bị can. Cùng với Lào Cai, Hà Giang thì Lai Châu cũng trở thành địa bàn nóng về loại tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em ở Tây Bắc.
Thượng tá Trần Văn Thực - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Lai Châu cho biết: "Trong những năm gần đây tình trạng mua bán Phụ nữ trẻ em xảy ra khá nhiều và chủ yếu ở các huyện giáp ranh với bên kia biên giới. Chúng lợi dụng vào tình hình khu vực giáp biên giới, trình độ nhận thức của người dân chưa được cao, hay trình độ của người dân còn hạn chế, thiếu cảnh giác... nên chúng đã dùng những lời lẽ đường mật như: sang bên đó công việc nhàn hạ, mức thu nhập cao...rồi dụ dỗ, lôi kéo chị em phụ nữ, thậm trí bắt cóc các cháu nhỏ đưa sang bên kia biên giới để bán cho các hang ổ mại dâm hoặc bắt các em phải làm những công việc của một người lô lệ. Để giảm thiểu tình trạng mua bán phụ nữ trẻ em như hiện nay đòi hởi các cơ quan chức năng và tất cả chúng ta phải cùng nhau vào cuộc phát hiện, tố giác kịp thời các đối tượng trong đường dây mau bán phụ nữ, trẻ em để có cách biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa kịp thời”.
Thủ đoạn chính của các bọn buôn người là bằng những lời đường mật hứa tìm việc làm thu nhập cao rồi lừa bán nạn nhân sang Trung Quốc làm vợ, hoặc bị bán sâu vào nội địa cho các hang ổ mại dâm, còn có cả trường hợp giả vờ yêu rồi lừa bán người yêu mình sang Trung Quốc.
Điển hình ngày 26/09/2010, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự Công an tỉnh đấu tranh triệt phá chuyên án mang bí số 0709PNTE xác lập năm 2009, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Hàng A Phừ sinh năm 1992, Lù A Khi sinh năm 1988 đều ở bản Dền Thàng B, xã Dào San, huyện Phong Thổ về tội mua bán người. Hay sau 5 ngày đấu tranh kể từ ngày 26/09/2010 đến ngày 30/09/2010, Giàng Páo Hảng ở bản Lùng Thang Trung Chải xã Tả Lèng, huyện Tam Đường đa bị khởi tố và ra bị bắt tạm giam về tội mua bán người nạn nhân là những người thân, quen trong xã.
Mua bán người chủ yếu phụ nữ, trẻ em là tội phạm xấu xa đi ngược với đạo lý, xâm hại nghiêm trọng quyền con người, nhân phẩm, sức khỏe, phá vỡ các giá trị tốt đẹp và sự ổn định của gia đình, cộng đồng và xã hội. Nhiều bằng chứng sống cho thấy người bị bán ra nước ngoài có cuộc sống rất khổ cực, thường bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn, có người phải mang thương tật suốt đời. Một số khác bị biến thành nô lệ tình dục hoặc trở thành món hàng trao tay để người chồng kiếm lời, một số sau khi lấy chồng bị bạo hành, ngược đãi; số khác bỏ trốn được thì sống chui lủi, trốn tránh pháp luật vì nhập cư bất hợp pháp. Người nào may mắn trở về được quê hương lại phải đối mặt với sự định kiến, sự ruồng rẫy, ghẻ lạnh của gia đình. Nhiều người khi trở về không còn đất sản xuất, không có công ăn việc làm, không ít trong số họ còn mang trong mình những căn bệnh xã hội, việc đăng ký khai sinh và nhập hộ khẩu cho con gặp nhiều khó khăn, trở ngại do không có các thủ tục, giấy tờ cần thiết theo quy định của pháp luật. Hơn cả những nỗi đau thể chất, quãng thời gian là nạn nhân của bọn buôn người là những ký ức đau đớn, những vết sẹo tâm lý khó xóa nhòa đối với họ.
 Bà Lại Thị Hương - Phó Chủ tịch thường trực Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Lai Châu tâm sự: Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh luôn tuyên truyền đến chị em các Chi hội phụ nữ trong toàn tỉnh đặc biệt là các chị em ở chi hội cấp huyện, cấp xã, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn biết cách phòng chống và tránh xa khỏi sự cám dỗ của kẻ xấu lợi dụng. Tỉnh Hội đang phối hợp với các sở ban nghành, các cơ quan chức năng có kế hoạch chủ động tuyên truyền, vạch rõ các phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn người để chị em nhận thức được và biết cách phòng chống và tranh xa”.
Để giải quyết vấn đề này, những năm qua, đặc biệt gần đây, Nhà nước ta cũng đã ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều văn bản pháp luật về phòng chống nạn mua bán người, tạo nên một khung pháp lý tương đối toàn diện như: Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, Bộ luật Lao động, Luật Bình đẳng Giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hình sự, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, các nghị quyết, chỉ thị, nghị định, quyết định của Chính phủ và các bộ ngành chức năng. Tuy nhiên vẫn còn thiếu một văn bản mang tính pháp lý mạnh mẽ, do vậy Luật Phòng, chống mua bán người được ban hành sẽ là một pháp lý mạnh mẽ, vững chắc của Nhà nước ta đối với cuộc chiến mua bán người đang diễn ra rất tinh vi, phức tạp hiện nay.
Trong những năm qua, nhất là trong năm 2010 công tác tuyên tuyền thay đổi nhận thức cho người dân đã được đẩy mạnh. Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh đã có những chỉ đạo Hội phụ nữ các cấp đẩy mạnh công tác phối hợp với các ban ngành chức năng tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, ma túy...bằng nhiều hình thức như: mít tinh, cổ động, hội thi, tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ, cấp phát tài liệu cho các bà con địa phương ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Làm tốt công tác truyên truyền, vận động các gia đình cho con em đến lớp, đến trường đúng độ tuổi, hạn chế tình trạng trẻ em bỏ học để các em có kiến thức không bị kẻ xấu lợi dụng thiếu hiểu biết để dụ dỗ. Điển hình như huyện Phong Thổ đã xây dụng và triển khai sâu rộng đến các xã, bản. Những tháng cuối năm 2010 Hội liên hiệp phụ tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Phong Thổ đã tổ chức các hội thi phòng, chống tệ nạn mua bán phụ nữ, trẻ em để các chị em hiểu biết hơn về các phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm để chị em biết cách phòng chống. Thực tế tại một số địa bàn trọng điểm, công tác tuyên truyền đã được chú trọng. huyện Phong Thổ đã triển khai mô hình diễn tập phòng chống tội phạm cấp thôn, hướng dẫn nhân dân cách tự phòng ngừa loại hình tội phạm giết người, chiếm đoạt trẻ em. Nhờ làm tốt công tác tuyên tuyền nên đã giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán người.
Bà Sần Thị Mý Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Lai Châu cho biết thêm: Để giúp chị em phụ nữ tránh xa được tình trạng lối kéo của kẻ xấu những năm gần đây chúng tôi đã phối hợp với các tổ chức xã hội, đoàn thanh niên tỉnh... mở nhiều cuộc thi tìm hiểu phòng chống tệ nạn xã hội, quyền của phụ nữ và lồng ghép tuyên truyền cho chị em nhất là chị em vùng cao, vùng dân tộc cảnh tình với lời dụ dỗ của kẻ xấu.
Để giảm thiểu tình trạng mua bán người trên địa bàn tỉnh đòi hỏi các cơ quan chức năng phải cùng vào cuộc, phối hợp với các chính quyền cơ sở đặc biệt nhân dân các dân tộc phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác không nghe, không tin vào những điều gì mà mình chưa biết, chưa nhìn thấy. Với những việc làm thiết thực, hi vọng tình trạng mua bán phụ nữ sẽ không xẩy ra và không để còn có những gia đình phải đau thương, mất mát đi những người thân trong gia đình khiến những con người này phải sống một cuộc sống đau thương khổ cực.
 
Thu Hoài