Thứ năm 28/11/2024
in trang
02 năm thực hiện ĐA “Tăng cường công tác DV trong vùng đồng bào DTTS các huyện biên giới(2016-2020)
 

Sơ kết 2 năm thực hiện Đề án “Tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện biên giới tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2016-2020”.

Đánh giá sau 02 năm triển khai, thực hiện Đề án "Tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số các huyện biên giới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020".

các sở, ban ngành có liên quan, cấp ủy, chính quyền các huyện biên giới quan tâm ban hành kịp thời các văn bản triển khai, thực hiện Đề án; đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động; chú trọng công tác thi đua, khen thưởng, nhân rộng điển hình phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với triển khai thực hiện các phong trào thi đua và đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, đơn vị. Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được nâng lên. Công tác dân vận được tăng cường triển khai thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực đời sống, văn hóa, chính trị, an ninh trật tự xã hội góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đánh giá việc thực hiện 4 mục tiêu cụ thể của Đề án tại địa phương, cơ sở, kết quả đạt được so với mục tiêu
  
* Vận động Nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế.
  
Các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền các huyện, biên giới luôn quan tâm công tác vận động Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nhiều phong tục tập quán canh tác lạc hậu đã dần được xóa bỏ. Người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển biến cơ cấu mùa vụ, giảm dần các giống dài ngày, tăng giống ngắn ngày, đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất; diện tích gieo trồng hàng năm đạt và vượt kế hoạch đề ra; khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế.
 
Triển khai, thực hiện cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách theo quy định góp phần thúc đẩy sản xuất, giảm nghèo bền vững. Đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tại các huyện biên giới bình quân đều tăng so với năm 2016.
 
   
* Tổ chức, vận động Nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng mới rừng gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; trồng rừng phòng hộ, rừng kinh tế với các loại cây có giá trị kinh tế cao, có quy ước về bảo vệ rừng
 
Công tác bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh và trồng mới rừng thường xuyên được tuyên truyền và có chuyển biến tích cực. Chủ động tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa hanh khô. Tình trạng phá rừng, cháy rừng, buôn bán lâm sản từng bước được kiểm soát. Trong năm 2 năm 2016, 2017 đã có 621/621 thôn, bản tại các huyện biên giới xây dựng quy ước bảo vệ rừng tại các thôn bản, đạt 100%. Các thôn, bản được giao khoán bảo vệ rừng đều được UBND xã, thị trấn ban hành quyết định thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng tại các thôn, bản.
 
* Tổ chức, vận động Nhân dân khôi phục, gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống dân tộc, xóa bỏ tập tục lạc hậu; 100% bản có nhà văn hóa; 100% bản xây dựng, thực hiện tốt quy ước, hương ước.
 
Thường xuyên tuyên truyền giáo dục, vận động Nhân dân bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Tính đến thời điểm báo cáo tại 4 huyện biên giới có 275/621 bản có  nhà văn hóa đạt 44,28%; có 621/621 bản xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước đạt 100%.
 
* Kết quả việc đẩy mạnh xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Vận động Nhân dân tích cực bảo vệ chủ quyền biên giới, đảm bảo vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, không di cư tự do, theo đạo trái pháp luật.
 
 
Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội gắn với thực hiện đề án "Đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2021"; phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" gắn với thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy trong tình hình mới trên địa bàn. Chỉ đạo thực hiện nghiêm các văn kiện về biên giới; phối hợp chặt chẽ giữa 3 lực lượng trong nắm và xử lý các tình huống, tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được tăng cường; chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, hướng dẫn và triển khai thực hiện đến cơ sở; tình hình tôn giáo và hoạt động tôn giáo trên địa bàn cơ bản ổn định.
 
Tăng cường công tác dân vận của các cấp chính quyền, các cơ quan Nhà nước trong việc cụ thể hóa, tổ chức triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của Đề án
 
Đẩy mạnh vận động Nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo
 
* Kết quả vận động, hướng dẫn Nhân dân vận dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hướng dẫn áp dụng khoa học - kỹ thuật mới, đầu tư thâm canh ứng dụng giống mới, chủ động phòng trừ dịch bệnh
 
Các sở, ban, ngành, các huyện biên giới căn cứ chức năng và nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung phát triển cây, con có thế mạnh ở địa phương gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trình độ canh tác, chăn nuôi của người dân từng bước được nâng lên, nhiều nơi có thu nhập cao từ các mô hình chuyển đổi (trồng cây sa nhân, tam thất, chuối, lê).
 
Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật từ nguồn kinh phí hỗ trợ 100 triệu đồng/xã: Thực hiện chính sách hỗ trợ trong 3 năm trên địa bàn các xã biên giới đã triển khai trên 32 mô hình với 507 hộ tham gia. Gồm: 31 mô hình trồng trọt (cây lương thực, cây ăn quả, cây dược liệu, địa lan) và 01 mô hình chăn nuôi. Tổ chức 23 lớp tập huấn các xã biên giới với nội dung: Hướng dẫn nông dân trong sản xuất lúa; kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà sử dụng đệm lót sinh thái; kỹ thuật chăn nuôi lợn sinh sản đảm bảo vệ sinh môi trường; kỹ năng phòng chống dịch bệnh cho cây trồng; kỹ năng phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi … Tính đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực 10.067,5 ha, tổng sản lượng 40.059 tấn; tổng sản lượng có hạt bình quân đầu người đạt 472 kg/người/năm; về phát triển chăn nuôi cơ bản ổn định, tổng đàn gia súc của các xã biên giới ước đạt 61.114 con, tốc độ tăng trưởng đạt 3,67%. Từng bước phát triển mô hình chăn nuôi đại gia súc gắn với chăn nuôi có khu vực chăn, thả, chuồng trại, trồng cỏ. Đến nay triển khai được 04 mô hình tại các xã Pa Ủ, Tá Bạ, Pa vệ Sủ huyện Mường Tè.
 
Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 166 lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền với 6.182 lượt người tham gia, nội dung tập huấn các chương trình 135, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Đề án phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
* Vận động, hướng dẫn Nhân dân sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế; thay đổi tư duy, tập quán lạc hậu, chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi trang trại tập trung, có kiểm soát và phòng chống dịch bệnh.
 
Phối hợp chặt chẽ triển khai vận động và hướng dẫn Nhân dân sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế như chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; các chương trình 135, 30a; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vay vốn cải tạo đất sản xuất, mua máy nông cụ để phát triển nông nghiệp và chuyển đổi nghề; chính sách hỗ trợ, cấp phát giống góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khai thác có hiệu quả, tiềm năng, lợi thế về đất đai, giải phóng sức lao động, nâng cao thu nhập, nâng cao giá trị hàng hóa trên đơn vị diện tích. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn và có các chương trình hỗ trợ, vay vốn… đã góp phần thay đổi tư duy, tập quán lạc hậu của Nhân dân, chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi trang trại tập trung, có kiểm soát và phòng chống dịch bệnh.
 
* Kết quả vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng bản theo tiêu chuẩn nông thôn mới gắn với thực hiện tốt quy ước, hương ước thôn bản.
 
Thường xuyên phổ biến, quán triệt sâu sắc nội dung, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân xây dựng bản theo tiêu chuẩn nông thôn mới gắn với thực hiện tốt quy ước, hương ước thôn bản. Số thôn bản xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước của 4 huyện biên giới 621/621 đạt 100%.
 
Kết quả theo bộ tiêu chí Quốc gia về NTM, tỉnh Lai Châu đã đạt bình quân 12,68 tiêu chí/xã. Số xã đạt 19 tiêu chí: 24 xã; Số xã đạt 15- 18 tiêu chí: 1 xã; Số xã đạt 10-14 tiêu chí: 50 xã; Số xã đạt 5-9 tiêu chí: 21 xã; Số xã đạt dưới 5 tiêu chí: 0 xã. Trong năm 2018, tập trung huy động, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn, ưu tiên cho 06 xã dự kiến đạt chuẩn NTM năm 2018, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 30 xã, đạt 31,25% số xã.
 
Chương trình xây dựng nông thôn mới được Nhân dân tham gia ủng hộ nhiệt tình. Nhân dân vùng biên giới cơ bản hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình. Tích cực tham gia phát triển sản xuất, thực hiện các mô hình, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa tại các bản, bảo vệ môi trường nông thôn, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội.
 
 
3.2. Tăng cường vận động Nhân dân tích cực bảo vệ, phát triển rừng
 
* Kết quả tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu và tích cực tham gia bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh và trồng rừng mới; phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng
 
Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức 2.006 cuộc họp trong cộng đồng dân cư, thôn, bản với 91.025 lượt người dân tham gia. Phối hợp với các cơ quan Báo, Đài trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Tổng diện tích rừng tính đến hết năm 2017 của các xã biên giới trên địa bàn tỉnh là 158.174,57 ha, độ che phủ rừng đạt 58,83% đạt 94,8% so với chỉ tiêu NQ; khoanh nuôi tái sinh: 1.882,75 ha; bảo vệ rừng: 6.924,41 ha; trồng rừng mới: 269,8 ha đạt 54 % so với chỉ tiêu NQ; tổng diện tích được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: 153.877,99 ha.
 
Các huyện biên giới tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng mới rừng (). Trồng rừng phòng hộ, rừng kinh tế với các loại cây có giá trị kinh tế cao. Huyện Phong Thổ thực hiện trồng rừng thay thế và trồng rừng theo Đề án phát triển cây Sơn Tra với tổng diện tích trồng trong 02 năm là 164,6 ha. Hằng năm có khoảng trên 1.500 hộ được tiếp cận với dịch vụ môi trường rừng. Huyện Nậm Nhùn năm 2017: trồng được 374,63/280,0 ha Quế, đạt 133,79% so với kế hoạch; năm 2018 trồng được 78,81 ha đạt 54% kế hoạch; triển khai kế hoạch trồng cây Mắc ca, đến thời điểm báo cáo trồng được 18,28 ha đạt 18,3 % kế hoạch. Huyện Sìn Hồ triển khai trồng được: 734 ha Quế (đạt 104,9%KH); 124,89 ha Sơn Tra (đạt 208,2%KH); 116 ha cây gỗ lớn.
 
* Kết quả đấu tranh phòng chống các hoạt động chặt phá rừng, phòng chống cháy rừng, phá nhổ cây có chứa chất ma túy và trồng rừng thay thế. Số thôn bản xây dựng quy ước về bảo vệ rừng.
 
Các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, Nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phát giác, tố cáo các trường hợp chặt phá rừng. Kết quả, tính từ đầu năm 2016 đến tháng 7 năm 2018 đã phát hiện và xử lý 506 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó: Phá rừng trái phép: 207 vụ; vi phạm quy định về khai thác gỗ và lâm sản khác: 70 vụ; vi phạm về PCCR: 23 vụ; mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép: 127 vụ; vi phạm khác 79 vụ. Trong 2 năm tại huyện Mường Tè đã phát hiện và phá nhổ 24 đám nương/18.093 m2 cây thuốc phiện. 100% số thôn bản thuộc 4 huyện biên giới đã xây dựng quy ước về bảo vệ rừng.
 
Hằng năm, các huyện biên giới tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ, khoanh nuôi, phát triển rừng; tuyên truyền về nguồn lợi từ rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng có hiệu quả tiền chi trả từ dịch vụ môi trường rừng. Thực hiện đảm bảo công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng cho Nhân dân.
 
 3.3. Vận động Nhân dân phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ tập tục lạc hậu
 
* Kết quả vận động Nhân dân bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số trong lao động sản xuất và đời sống sinh hoạt; xóa bỏ những tập tục lạc hậu.
 
 
 
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cụ thể hóa, tuyên truyền, triển khai các văn bản về công tác dân vận gắn với tham mưu, đề xuất ban hành thực hiện các cơ chế, chính sách, vận động Nhân dân bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số trong lao động sản xuất và đời sống sinh hoạt, xóa bỏ những tập tục lạc hậu. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại các huyện biên giới 385 buổi thông tin lưu động; 638 buổi chiếu phim lưu động, 28 cuộc triển lãm, luân chuyển 1.400 lượt sách, báo, xây dựng tủ sách, tổ chức 60 buổi biểu diễn nghệ thuật tại 4 huyện biên giới. Tổ chức thành công ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Lai Châu lần thứ nhất năm 2017. Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc trên địa bàn huyện Mường Tè, Nậm Nhùn. Kiểm kê và lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể của 13 dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh Lai Châu; bảo tồn phát huy các làn điệu dân ca dân tộc Hà Nhì hoa tại huyện Mường Tè; đến nay, đã sưu tầm được 325 hiện vật các dân tộc thiểu số vùng biên giới trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Tiếp tục hướng dẫn thực hiện Đề án phát triển kinh tế xã hội các dân tộc Cống, Mảng, La Hủ. Hàng năm, toàn tỉnh tổ chức 36 lễ hội dân gian.
 
Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Nhân dân nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của Luật Hôn nhân, gia đình.
 
Các huyện biên giới xây dựng kế hoạch triển khai các văn bản tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, xóa bỏ tập tục lạc hậu (). Các lễ hội tiêu biểu như lễ hội “Lộc Xuân” xã Sì Lở Lầu, lễ hội “Then Kin Pang” xã Khổng Lào, lễ hội “Nàn Han” xã Mường So huyện Phong Thổ. Lễ hội “Gầu Tào” xã Dào San huyện Sìn Hồ.
 
* Kết quả triển khai và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”
 
Các huyện biên giới quan tâm chỉ đạo triển khai và nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Cuộc vận động đã phát huy quyền dân chủ trực tiếp của Nhân dân, phát huy tính tích cực, sáng tạo và nội lực của người dân, cộng đồng dân cư, khơi dậy truyền thống đoàn kết tương thân, tương ái, tăng cường khối đại đoàn kết trong Nhân dân.
 
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng, thiết thực, gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; công tác phòng chống bạo lực gia đình được triển khai sâu rộng tới các xã, bản vùng sâu, vùng xa. Năm 2017 tỷ lệ hộ gia đình đạt gia đình văn hóa huyện Phong Thổ đạt 65,60%; huyện Mường Tè đạt 67,80%; huyện Nậm Nhùn đạt 78,5%; huyện Sìn Hồ đạt 72,3%. Số thôn, bản đạt thôn, bản văn hóa huyện Phong Thổ đạt 33,7%; huyện Mường Tè đạt 66,9%; huyện Nậm Nhùn đạt 76%; huyện Sìn Hồ đạt 54,9%.
 
3.4. Vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, chủ quyền biên giới
 
*Kết quả tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân về các hiệp định, hiệp nghị, quy chế khu vực biên giới, về chủ quyền lãnh thổ, ý thức bảo vệ Tổ quốc; vận động Nhân dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới. Tuyên truyền, vận động Nhân dân giữ gìn an ninh, trật tự thôn bản, phòng chống tội phạm, phòng chống di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật…
 
UBND các xã biên giới, tăng cường công tác tuyên truyền vận động cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân trên địa bàn các xã biên giới nội dung các văn kiện pháp lý, chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các Hiệp định về quy chế quản lý biên giới; đẩy mạnh phong trào tự quản đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản theo Chỉ thị số 34/CT-BTL của Bộ Tư lệnh BĐBP về “Tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và ANTT các bản KVBG” và Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng “ Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG trong tình hình mới”; tăng cường công tác tuần tra, phát hiện những dấu hiệu vi phạm an ninh, trật tự và thông tin kịp thời. Đến nay 100% các xã biên giới đã triển khai thực hiện nội dung tự quản ANTT bản đến nay có tổng số 610 tổ tự quản ANTT bản/2.855 thành viên. Vận động Nhân dân tích cực đấu tranh ngăn chặn hoạt động quá cảnh, xuất nhập cảnh trái phép, tuyên truyền đạo trái phép, vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy …
 
Chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, các mô hình tự quản tiêu biểu như mô hình bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới của xã Ma Ly Pho do ông Tẩn Phủ Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách, được thành lập gồm các hộ dân sinh sống trong các bản: Pa Nậm Cúm, Hùng Lèng, Ma Ly Pho, Thèn Sin gồm 28 hộ, 107 khẩu. Trong thời gian qua mô hình hoạt động tốt không để xảy ra các điểm nóng, phối hợp tốt với các lực lượng đảm bảo ANTT trong địa phận cột mốc 65,66,67 thuộc địa bàn của xã.
 
Chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức vận động Nhân dân tham gia các tổ chức đoàn thể ở thôn, bản, phát huy hiệu quả lực lượng quần chúng, đặc biệt là vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín tham gia xây dựng thôn, bản tự quản và cộng đồng dân cư, dân tộc đoàn kết. Nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tham gia các tổ tự quản tiêu biểu như mô hình dòng họ Tẩn ở xã Sì Lở Lầu huyện Phong Thổ do ông Tẩn Sài Đông là trưởng họ, dòng họ Tẩn có 120 hộ gia đình/576 thành viên. Nhờ có sự đoàn kết trong họ qua nhiều năm tổ chức, phấn đấu trong dòng họ không có thành viên mắc các tệ nạn xã hội, không có ai vi phạm pháp luật, hầu hết các trưởng nhánh trong dòng họ đều tham gia các tổ chức đoàn thể ở thôn, bản đồng thời đã giải quyết được trên 100 vụ việc xảy ra trong thôn, bản.
 
Tổng số tổ hòa giải ở cơ sở của 4 huyện biên giới 625/1.601 thành viên; số gia đình, dòng họ tự quản 104/7152 thành viên.
 
Công tác phối hợp giữa chính quyền, cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án
 
Các cơ quan, đơn vị chính quyền các huyện biên giới phối hợp với lực lượng vũ trang trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; củng cố thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân; bảo vệ đường biên, mốc giới; bảo vệ phòng chống cháy rừng …
 
 Kết quả công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số
 
* Đánh giá sau khi thực hiện tăng cường công tác dân vận của hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở 4 huyện biên giới, kết quả đạt được về phát triển nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, phát triển rừng, phát huy truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ tập tục lạc hậu, bảo vệ an ninh, trật tự, chủ quyền biên giới
 
Kết quả, thực hiện Đề án tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở 4 huyện biên giới trong thời gian qua về phát triển nông nghiệp: Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực 10.067,5 ha, tổng sản lượng 40.059 tấn; Tổng sản lượng có hạt bình quân đầu người đạt 472 kg/người/năm, tăng hơn so với năm 2016 là 12kg/người/năm; về phát triển chăn nuôi cơ bản ổn định, tổng đàn gia súc của các xã biên giới ước đạt 61.114 con, tốc độ tăng trưởng đạt 3,67%.
 
Công tác xóa đói, giảm nghèo có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 giảm đáng kể so với năm 2017 (huyện Phong Thổ giảm từ 72,79% xuống 34,56%; huyện Mường Tè giảm từ 55,44% xuống 48,54%; huyện Nậm Nhùn giảm từ 38,88% xuống 29,9%; huyện Sìn Hồ giảm từ 46,69% xuống 40,97%); Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 cao hơn năm 2017 (huyện Phong Thổ tăng từ 15 triệu đồng/người/năm lên 21 triệu đồng/người/năm; huyện Mường Tè tăng từ 16,7 triệu đồng/người/năm lên 18,4 triệu đồng/người/năm; huyện Nậm Nhùn tăng từ 16 triệu đồng/người/năm lên 18 triệu đồng/người/năm; huyện Sìn Hồ tăng từ 16 triệu đồng/người/năm lên 19,8 triệu đồng/người/năm). Kết cấu hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả. Chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai thực hiện tích cực, người dân được hưởng lợi từ việc xây dựng nông thôn mới. Đồng thời việc thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đã từng bước nâng cao thu nhập cho người dân và đã kiên cố hóa một số hạng mục hạ tầng thiết yếu làm cho diện mạo nông thôn dần được cải thiện, kinh tế từng bước phát triển. Đời sống của Nhân dân được nâng lên. (có biểu 01 kèm theo).
 
Kết quả công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng, chống cháy rừng; thực hiện khoanh nuôi, tái sinh, trồng và bảo vệ rừng: Năm 2016 diện tích rừng của các xã biên giới trên địa bàn tỉnh là 155.969,1 ha; Tính đến hết năm 2017 diện tích rừng của các xã biên giới trên địa bàn tỉnh là 158.174,57 ha tăng 2.205,47 ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2016 đạt 58%, năm 2017 đạt 58,83% tăng 0,83%. Diện tích rừng trồng mới trong 2 năm 2016, 2017 đạt 195 ha. Khoanh nuôi tái sinh rừng đạt 1.882,75 ha. Bảo vệ rừng đạt 6.924,41 ha. Tổng diện tích được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: 153.877,99 ha. Tính đến năm 2017 tổng số 621/621 thôn, bản thuộc 4 huyện biên giới được giao rừng và đã xây dựng quy ước về bảo vệ rừng.
 
Công tác tổ chức, vận động Nhân dân khôi phục, gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống dân tộc, xóa bỏ tập tục lạc hậu được quan tâm; công tác xây dựng gia đình văn hóa phát triển mạnh gắn liền với phong trào xây dựng thôn, bản văn hóa được Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Số thôn bản có nhà văn hóa tại 4 huyện biên giới năm 2016 là 237/618 đạt 38,34 %, năm 2017 là 275/621 đạt 44,28%, tăng 5,94%. Số thôn bản xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước tại 4 huyện năm 2017 là 621/621 đạt 100%.
 
Tỷ lệ hộ gia đình đạt gia đình văn hóa: huyện Phong Thổ đạt 65,60%; huyện Mường Tè đạt 67,80%; huyện Nậm Nhùn đạt 78,5%; huyện Sìn Hồ đạt 72,3%. Số thôn, bản đạt thôn, bản văn hóa: huyện Phong Thổ đạt 33,7%; huyện Mường Tè đạt 66,9%; huyện Nậm Nhùn đạt 76%; huyện Sìn Hồ đạt 54,9%.
 
 ĐÁNH GIÁ CHUNG
 
1. Ưu điểm
 
Sau 2 năm triển khai, thực hiện Đề án "Tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số các huyện biên giới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020" đã góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức trách nhiệm của chính quyền các cấp; cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở các xã biên giới.
 
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện. Nhân dân tích cực lao động, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nâng cao ý thức trách nhiệm của Nhân dân trong việc khôi phục, duy trì và phát triển văn hóa truyền thống dân tộc, xóa bỏ tập tục lạc hậu; tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống cháy rừng. Đồng bào các dân tộc luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh, trật tự bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
 
2. Hạn chế, yếu kém
 
Nhân dân các xã biên giới chủ yếu sản xuất nông nghiệp, hiệu quả sản xuất còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chưa phát triển đồng đều đặc biệt là các xã vùng sâu vùng xa. Công tác bảo tồn, phát huy tiếng, chữ viết, các nét văn hóa truyền thống các dân tộc chưa thật sự có chiều sâu. Việc chấp hành Quy ước thôn, bản ở một số nơi chưa nghiêm túc, hiệu quả chưa cao, vẫn còn tồn tại tập tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tảo hôn, sinh con thứ 3...
 
Một số vùng đồng bào dân tộc các xã biên giới vẫn còn tình trạng người lao động xuất cảnh bất hợp pháp, hoạt động buôn lậu, buôn bán phụ nữ, trẻ em. Các thế lực thù địch âm mưu, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo tuyên truyền chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc diễn biến phức tạp, gây nguy cơ gây mất ổn định an ninh, trật tự...
 
Việc triển khai thực hiện mô hình “dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả; số lượng các mô hình về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo còn ít, chưa có sức lan tỏa.
 
Công tác giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về thực hiện công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu lồng ghép, gắn liền với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, thực hiện chế độ chính sách đối với người dân trên địa bàn huyện.
 
3. Nguyên nhân của những hạn chế
 
Do các địa phương không có những tiềm lực để phát huy thế mạnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn; địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn; diễn biến thời tiết phức tạp. Trình độ dân trí không đồng đều; Nhân dân vẫn còn ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán sản xuất, chăn nuôi lạc hậu. Các nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
 
Một số nơi cấp ủy, chính quyền cơ sở còn chậm đổi mới phương thức công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc tiếp cận với các phương tiện thông tin, truyền thông ở một số xã vùng cao, vùng sâu còn hạn chế.
 
Một bộ phận Nhân dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo.
Việc biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến trong thực hiện mô hình “dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được thực hiện thường xuyên.
 
Một số cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm về công tác dân vận, chưa gắn công tác quản lý nhà nước, công tác chuyên môn với công tác dân vận; chậm đổi mới phong cách, tác phong, lề lối làm việc; việc nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân có lúc còn chưa được thường xuyên.
 
4. Một số kinh nghiệm
 
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Tranh thủ sự ủng hộ và phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, phối hợp tham gia vận động quần chúng thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tại vùng đồng bào DTTS, tăng cường, chủ động nắm tình hình tại cơ sở. Phát huy các tổ chức tự quản tại thôn, bản, tự quản của dòng họ gia đình...
 
Mở rộng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo mọi điều kiện để Mặt trận, đoàn thể, các tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng các thể chế, chính sách, các chương trình, dự án ngay từ khi đang còn dự thảo, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
 
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
 
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về công tác dân vận, dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
2. Tiếp tục triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án. Triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình dự án góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số các huyện biên giới.
 
3. Gắn công tác bảo vệ an ninh trật tự với củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, tập trung củng cố chính quyền, các tổ chức quần chúng, lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố, dân quân, các tổ chức tự quản...
 
4. Phối hợp chặt chẽ giữa công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số với công tác đối ngoại Nhân dân trong bảo vệ biên giới; đấu tranh chống mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, ngăn chặn kịp thời vấn đề truyền đạo trái pháp luật, tình trạng mua bán người, di cư tự do, xuất cảnh đi lao động nước ngoài bất hợp pháp…
 
5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình “dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các mô hình về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
 
 

 

 

 
 

 

 
Huy Dương