|
Ảnh minh họa
|
Sẽ tăng 100.000ha lúa thu đông
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NNPTNT triển khai kế hoạch tăng 100.000 ha lúa thu đông cho các tỉnh phía nam trong kế hoạch sản xuất lúa năm 2011.
Cụ thể, trong vụ hè thu tới, Bộ NNPTNT chỉ đạo các tỉnh, thành trọng điểm sản xuất lúa phía nam, đặc biệt là khu vực ĐBSCL, giảm từ 30.000 - 50.000 ha diện tích lúa hè thu. Nhưng trong vụ thu đông tới, diện tích xuống giống dự kiến trên toàn vùng ĐBSCL sẽ tăng 100.000ha, tức đạt tổng cộng 600.000 ha.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch, ông Bùi Bá Bổng - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, lúa hè thu năng suất thấp, giá cả bấp bênh, nguy cơ thiệt hại và thua lỗ của nông dân rất lớn. Trong khi đó trong vài năm qua lúa thu đông ở các tỉnh ĐBSCL trúng mùa, bán được giá tốt.
Ông cũng cho biết, hiện TP.Cần Thơ đã điều chỉnh tăng gần 50.000 ha lúa thu đông trong cơ cấu vụ trước; trong khi đó tỉnh An Giang cũng tăng gần 30.000 ha. Vì vậy mục tiêu tăng 100.000 ha vụ tới trong toàn vùng là khả thi.
Theo ước tính của Cục Trồng trọt ( Bộ NNPTNT), năng suất trung bình vụ thu đông ở Nam Bộ hiện đạt trên 4,8 tấn/ha. An Giang và Sóc Trăng là các tỉnh có năng suất vụ này cao nhất, trung bình từ 6 - 6,5 tấn/ha. Theo đó, ngoài việc tăng diện tích, chỉ cần tăng thêm năng suất 0,2 tấn/ha vụ thu đông tới, sản lượng lúa hàng hóa toàn vùng sẽ tăng khoảng 550.000 tấn.
Giữ vững 3,8 triệu ha đất lúa
Bộ NNPTNT cũng vừa trình Chính phủ xem xét phê duyệt "Quy hoạch tổng thể sử dụng đất lúa toàn quốc đến năm 2020 và tầm nhìn 2030". Theo đó, Bộ NNPTNT đề xuất bảo đảm giữ vững 3,8 triệu ha đất lúa, trong đó 3,2 triệu ha từ 2 vụ trở lên.
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, hiện diện tích đất lúa của cả nước có gần 4,1 triệu ha. Dự báo đến năm 2020, đất lúa mất đi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là 5.700 ha và đến năm 2030 là 19.900 ha. Từ năm 2000 đến nay, đất lúa giảm nhưng chất lượng đất được cải thiện, hệ số sử dụng tăng do có sự đầu tư phát triển thủy lợi, khoa học công nghệ, giống lúa, nên năng suất tăng bình quân 2,45%/năm.
Nhưng để bảo đảm an ninh lương thực, không đơn thuần chỉ là giữ đất mà còn phải giải quyết hài hòa lợi ích... Theo các chuyên gia, sau cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, bài học rút ra là muốn phát triển bền vững, không có gì thay thế được việc cần thiết phải đầu tư cho nông nghiệp.
“Như vậy, chúng ta cần thiết phải đặt lên bàn cân để tính toán thiệt hơn giữa chuyện giữ đất lúa và phát triển công nghiệp, đô thị. Và rõ ràng, xét về tầm nhìn, thì việc giữ đất lúa là hoàn toàn cần thiết”, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc nói. “Bộ NNPTNT đề xuất việc đấu giá đất lúa, coi đó là một biện pháp, kể cả trước mắt và lâu dài, giữ được diện tích ít nhất 3,8 triệu ha”, ông Ngọc cho hay.
Về tính khả thi khi thực hiện việc đấu giá đất lúa, ông Ngọc cho rằng, hoàn toàn có thể thực hiện được, bởi lẽ, việc đấu giá phải thực hiện một cách công khai, minh bạch thì mới hạn chế được sự tùy tiện trong chuyển đổi của các địa phương, hạn chế được thay đổi kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp trong những năm tới và hàng chục năm tiếp theo. Mục đích cuối cùng là chúng ta giữ được ổn định diện tích đất lúa cho tương lai. Theo ông Ngọc, xét cho cùng, việc thu hút đầu tư, làm công nghiệp, đô thị hay việc giữ đất lúa không hề mâu thuẫn với nhau, vì cùng chung mục đích là phát triển kinh tế.
Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 23/12/2009 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chỉ rõ, diện tích đất lúa cần phải giữ là 3,8 triệu ha, trong đó 3,2 triệu ha đất lúa sản xuất hai vụ trở lên.
Theo đó, diện tích đất lúa cần giữ và bảo vệ nghiêm ngặt phải được xác định cụ thể đến các cấp tỉnh, huyện, xã và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất lúa đến hộ sử dụng.
|