Thứ sáu 29/11/2024
in trang
Phê duyệt Báo cáo kết quả Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh
 
UBND tỉnh Phê duyệt Báo cáo kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh Lai Châu thuộc dự án “Điều tra, lập quy hoạch phân bổ tài nguyên nước mặt tỉnh Lai Châu đến năm 2025 tầm nhìn 2035.
 
 Mục tiêu:
 
- Tạo lập bộ thông tin số liệu phản ánh đầy đủ hiện trạng tài nguyên nước, hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh; xác định các vấn đề về tình hình khai thác sử dụng nước, xả thải, chất lượng nước và các vấn đề khác có liên quan;
 
- Phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tại địa phương;
 
- Làm cơ sở cho quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
 
- Phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin tài nguyên nước cho các ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ và xả nước thải vào nguồn nước.
 
Kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt; hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước
 
 Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt:
 
Thực hiện điều tra, khảo sát đối với: 230 công trình khai thác tài nguyên nước (đập dâng, trạm bơm, hồ chứa, cống...); 71 đoạn sông bồi xói, sạt lở; 158 vị trí sông phân lưu, nhập lưu; 14 đoạn sông cạn kiệt mất dòng; 09 đoạn sông ô nhiễm do khai thác vật liệu xây dựng và xây dựng các dự án thuỷ điện; 111 đoạn sông ranh giới hành chính. Kết quả điều tra đã xác định 48 con sông có chiều dài trên 20 km; sông, suối có độ dốc lớn ở phần thượng lưu với độ dốc 30 - 55%, bề rộng thường thay đổi từ gần chục mét đến vài chục mét, sông Đà có chiều rộng trung bình đến 64,5 m.
 
- Tài nguyên nước mưa: Tổng lượng nước mưa năm tạo ra trên địa bàn tỉnh là 23,61 tỷ m³/năm, trong đó: lượng nước mưa mùa mưa đạt 18,90 tỷ m3/năm, bằng 80% tổng lượng mưa năm; lượng nước mưa mùa khô kéo dài từ tháng 6 – 7, đạt 4,71 tỷ m³/năm bằng 20% tổng lượng mưa năm.
 
- Tài nguyên nước mặt: Tổng lượng tài nguyên nước mặt nội tỉnh là 13,44 tỷ m3/năm. Phần nước nhận từ các nhánh của sông Đà phần ngoại tỉnh là 7,78 tỷ m3/năm; nước nhận từ sông xuyên biên giới phần diện tích bên Trung Quốc là 24,67 tỷ m³ (sông Đà 15,17 tỷ m³, sông Nậm Na 5,13 tỷ m³, suối Nậm Là 4,25 tỷ m³ và suối Nậm Cúm 0,12 tỷ m³). Nguồn nước mặt của tỉnh chịu rất nhiều tác động, ảnh hưởng từ nguồn nước sông từ Trung Quốc và nguồn nước từ các tỉnh lân cận.
 
- Chất lượng nguồn nước mặt: Kết quả phân tích 36 mẫu nước, bao gồm 15 chỉ tiêu phân tích: Màu; mùi; vị; nhiệt độ; pH; độ đục; độ dẫn điện; COD; BOD; DO; Phosphat; Amoni; TSS; TDS; Coliform cho thấy đang tồn tại một số khu vực bị ô nhiễm. Các thông số ô nhiễm bao gồm: BOD5, COD, Phosphat, TSS, Amoni và Coliform. Các sông bị ô nhiễm bao gồm: Nậm Là, Nậm Na, Nậm Mạ, Nậm Mu, Nậm Kim và sông Đà.
 
Điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước:
 
Số điểm được điều tra, khảo sát là 790 điểm, với tổng diện tích 270,67 km2 (tương đương 2,98% diện tích tự nhiên toàn tỉnh); mật độ điểm khảo sát tương đương với 2,92 điểm/km2. Kết quả điều tra đã xác định có 69 công trình thuỷ điện; 804 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; 319 công trình thuỷ lợi, 369 công trình khai thác nước tập trung và 12 công trình sử dụng cho các loại mục đích khác, trong đó có 33 công trình đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; thu thập phiếu thông tin tại 108/108 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.
 
Các ngành có nhu cầu sử dụng nước bao gồm: sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và công cộng,... Đến năm 2016, tổng nhu cầu nước tỉnh Lai Châu khoảng 140,08 triệu m3/năm. Trong 10 lưu vực sông chính trên địa bàn tỉnh Lai Châu, nhu cầu nước lớn nhất thuộc lưu vực sông Nậm Mu 58%, Nậm Na 22%, trong đó: huyện Than Uyên có nhu cầu nước khoảng 35,24 triệu m3 (25%); huyện Tân Uyên có nhu cầu 31,08 triệu m3 (22%), các huyện còn lại có nhu cầu chiếm từ 4÷13%. Cụ thể nhu cầu nước cho các ngành như sau:
 
- Nhu cầu nước cho sinh hoạt là 8,204 triệu m3: Lớn nhất tại thành phố Lai Châu 1,430 triệu m3 (17%), huyện Sìn Hồ 1,362 triệu m3 (16,5%); nhỏ nhất tại huyện Nậm Nhùn 0,45 triệu m3 (6%); các huyện khác nhu cầu nước khoảng 9-16%. Theo lưu vực sông: lớn nhất là lưu vực sông Nậm Na 3,23 triệu m3 (39%); nhỏ nhất là lưu vực suối Nậm Là 0,06 triệu m3 (0,8%).
 
- Nhu cầu nước cho công nghiệp, dịch vụ và công cộng là 5,22 triệu m3, trong đó lớn nhất tại huyện Phong Thổ 0,937 triệu m3 (18%) và thành phố Lai Châu 0,887 triệu m3 (17%); nhỏ nhất tại huyện Nậm Nhùn 0,278 triệu m3 (5%); các huyện khác có nhu cầu nước khoảng 9-16%. Theo lưu vực sông: lớn nhất là lưu vực sông Nậm Na 2,138 triệu m3 (41%); nhỏ nhất là lưu vực suối Nậm Là 0,037 triệu m3 (0,7%).
 
- Nhu cầu nước cho nông nghiệp là 126,65 triệu m3, trong đó: nhu cầu nước tưới cho cây trồng 101,49 triệu m3 (80%), thủy sản 19,38 triệu m3 (15%) và chăn nuôi 5,77 triệu m3 (5%).
 
c) Điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước:
Kết quả điều tra đã xác định trên địa bàn tỉnh có 73 điểm xả thải. Hiện trạng chất lượng nước trên dòng chính sông Đà và các dòng nhánh đã có dấu hiệu ô nhiễm. Các đoạn sông hoặc sông nhánh thuộc sông Nậm Na, sông Nậm Mu, suối Nậm Là (sông xuyên biên giới), sông nhánh của Nậm Kim đổ vào Nậm Na bị ô nhiễm do độ đục và TSS quá cao; một số vị trí ô nhiễm bắt nguồn từ dòng nhánh, các chất ô nhiễm không được xử lý sẽ nhập lưu vào dòng chính làm suy giảm chất lượng nước trên dòng chính. Các sông bị ô nhiễm bao gồm: Nậm Là, Nậm Na, Nậm Mạ, Nậm Mu, Nậm Kim và sông Đà.
 
Tổng lượng nước thải trên địa bàn tỉnh là 32,81 triệu m3/năm, trong đó: nước thải sinh hoạt 7,30 triệu m3; nước thải công nghiệp 4,05 triệu m3; nước thải trồng trọt 20,3 triệu m3; nước thải chăn nuôi 1,15 triệu m3. Đối với nước thải sinh hoạt, hình thức xả nước thải chủ yếu là xả trực tiếp, lưu lượng xả từ 0,5÷300 m3/ngày đêm; nước thải từ các hoạt động y tế được xử lý bằng hệ thống xử lý nước thải của cơ sở trước khi xả ra nguồn tiếp nhận, lưu lượng xả khoảng 10÷300 m3/ngày đêm. Tổng số giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đã cấp đến tháng 3/2017 là 17 giấy phép.

 
Huy Dương