Thứ bảy 30/11/2024
in trang
Ma Quai (Sìn Hồ): Khôi phục đàn gia súc
 
 Là địa bàn chịu thiệt hại nặng nhất trong đợt rét đậm, rét hại trước và sau tết Nguyên đán với khoảng 500 con gia súc bị chết. Hiện cùng với sự hỗ trợ của huyện, xã Ma Quai đang tăng cường các biện pháp chăm sóc đàn gia súc.
Chúng tôi đến 2 bản: Song Cón và Lùng Cù của xã Ma Quai. Theo thống kê, đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 18/12/2010 – 19/1/2011 mỗi bản có khoảng 30 - 50 con gia súc chết rét, tuy nhiên trong đợt rét đậm xảy ra lần hai (từ ngày 27/1 – 18/2) người dân đã có ý thức bảo vệ “đầu cơ nghiệp”, nên không xảy ra tình trạng trâu, bò bị chết vì rét.
Gia đình anh Cà Văn Hây (Bản Lùng Cù, xã Ma Quai) quây bạt giữ ấm cho trâu.
Tại bản Song Cón, chúng tôi nhận thấy sự khác biệt rõ nét trong từng nếp nhà sàn. Không còn cảnh nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn; chuồng trại hở bốn phía đã được che chắn cẩn thận, đảm bảo đủ ấm cho gia súc và bà con đã dự trữ rơm khô.
Thăm gia đình anh Lò Văn Sương, chúng tôi được biết, trong đợt rét đậm, rét hại trước tết Nguyên Đán đã làm 2 con trâu của gia đình anh bị chết, ước tính thiệt hại trên 20 triệu đồng. Anh Sương đã bàn với vợ sửa lại chuồng trại và trồng cỏ voi, dự trữ rơm rạ khô để phòng những đợt rét còn xảy ra.
Nhiều gia đình ở bản Lùng Cù đã biết bảo vệ và chăm sóc cho đàn gia súc, điển hình như gia đình anh Quàng Văn Thế. Năm 2009, anh đã bàn với gia đình vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đầu tư xây dựng trang trại nuôi trâu. Anh Thế chia sẻ: “Khi trâu bị chết do rét vào tháng 12/2010, tôi đã đưa trâu từ lán về chuồng cho ăn rơm khô, đồng thời quây kín bạt xung quanh chuồng đảm bảo đủ ấm. Nhờ đó, đàn trâu (8 con) của gia đình tôi không bị chết rét”.
Không chỉ ở 2 bản trên mà ngay cả 18 bản còn lại trong xã Ma Quai đều có gia súc chết rét do rét. Điều đáng lo ngại là đợt rét đậm, rét hại kéo dài đã làm cho đàn trâu, bò bị đuối sức nên sau rét có nguy cơ đột qụy và chết nếu không được chăm sóc cẩn thẩn.
Phòng NN & PTNT huyện đã vận động, khuyến khích người dân tăng cường các biện pháp chăm sóc gia súc bằng cách cho ăn các loại thức ăn nhiều dinh dưỡng như: cháo, bột ngô, cám... để đàn gia súc sớm hồi phục. Cùng với đó, huyện đã hỗ trợ cho xã gần 10.108m2 bạt dứa, 2.770kg bột cám và bột ngô, 160 chăn ấm cho gần 266 hộ nghèo có thêm điều kiện chăm sóc, bảo vệ gia súc không bị rét và chết đói…
Tìm hiểu chúng tôi được biết, Phòng NN & PTNT huyện đã cử cán bộ xuống cơ sở phối hợp với chính quyền xã Ma Quai hướng dẫn người dân nhanh chóng khôi phục đàn gia súc. Đối với những con trâu, nghé không còn sức đề kháng, có nguy cơ bị các loại dịch bệnh, cần cách ly, chăm sóc tốt; tăng cường công tác vệ sinh, tiêu trùng khử độc 2 – 3 tuần/lần tại chuồng trại để hạn chế mầm bệnh nảy sinh và phát triển. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân đưa trâu, bò thả rông trên rừng về nuôi nhốt tại nhà và chủ động nguồn thức ăn cho gia súc. Đặc biệt khi thời tiết thay đổi và ấm dần lên cũng là lúc nguy cơ mầm bệnh phát triển, dịch bệnh tăng lên vì đàn gia súc suy giảm khả năng chống bệnh do ảnh hưởng thời tiết nên phải tiêm phòng dịch ngay cho đàn gia súc. Đồng thời chỉ đạo xã rà soát, thống kê lại số lượng gia súc bị thiệt hại do rét để có những chính sách hỗ trợ kịp thời, khuyến khích bà con tiếp tục phát triển chăn nuôi. Các ngân hàng trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện khoanh nợ, tiếp tục cho người dân vay vốn để khôi phục sản xuất, triển khai các dự án hỗ trợ chăn nuôi.
Ông Lò Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND xã Ma Quai cho biết: “Xã đã xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi gia súc sau khi rét hại kết thúc. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân đầu tư trồng cỏ voi, làm chuồng trại kiên cố, tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc… Hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn là gần 3.000 con. Sau khi được chăm sóc đàn gia súc đã cơ bản phục hồi”.
Với những chuyển biến tích cực nói trên, tin rằng đàn gia súc của xã Ma Quai sẽ sớm phục hồi và phát triển nhanh về số lượng.
 
Theo báo Lai Châu