Thứ bảy 30/11/2024
in trang
Kiên trì điều hành giá theo cơ chế thị trường
 
Trong phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội hôm nay (26/3), chia sẻ với mối quan ngại về lạm phát của nhiều đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã đưa thêm nhiều thông tin để làm rõ hơn những nguyên nhân cả chủ quan và khách quan.

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII diễn ra từ 21-29/3

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, năm 2010 tất cả các quốc gia trên thế giới đều lạm phát tăng rất cao trong đó Châu Âu tăng từ gấp 2 - 2,5 lần so với kế hoạch mục tiêu đặt ra, Trung Quốc tăng hơn 2 lần và Ấn Độ tăng hơn 2 lần.
Cũng theo Bộ trưởng, giá cả trên thế giới vẫn tiếp tục tăng tác động đến giá cả trong nước. Bộ trưởng cũng nhìn nhận, bản thân cân đối kinh tế vĩ mô ở trong nước cũng chưa vững chắc và dễ bị tổn thương.
Biến động của giá vàng, giá ngoại tệ trong thời gian qua, lãi suất còn cao, cân đối ngoại tệ căng thẳng. Những vấn đề đó tác động lớn đến chỉ số giá cả.
Một số mặt hàng đầu vào của sản xuất thời gian qua chưa đi theo giá thị trường, kìm nén cho mục tiêu ngắn hạn, đến nay bắt buộc phải điều chỉnh giá như giá than cho điện, giá xăng dầu, giá điện…
Yêu cầu bức xúc phải tăng giá cũng được người đứng đầu ngành tài chính nhấn mạnh, chỉ riêng mặt hàng xăng dầu, nhà nước bù lỗ 16.400 tỷ đồng nhưng vẫn còn giá vẫn thấp hơn Lào và Campuchia,  từ đó dẫn đến việc hạch toán của nền kinh tế bị méo mó.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận, cung cầu hàng hóa cơ bản đảm bảo nhưng hệ thống phân phối một số mặt hàng chưa tốt nên tác động đến giá.
Về các giải pháp sắp tới, Bộ trưởng nhấn mạnh việc kiên trì điều hành giá theo thị trường, vì “không thể kìm nén hơn được nữa”.
Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, hiện giá điện mới điều chỉnh được một bước, giá than bán cho điện mới điều chỉnh 5%.
Về giá xăng dầu, sẽ tiếp tục điều hành theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ với tinh thần, nếu giá thế giới tiếp tục tăng sẽ vẫn phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ trong nước, giá thế giới giảm sẽ từng bước khôi phục lại thuế nhập khẩu ở mức hợp lý và xem xét giảm giá bán trong nước.
Chúng ta phải kiên trì, tiếp tục lộ trình điểu chỉnh giá theo cơ chế thị trường, Bộ trưởng phát biểu.
Bên cạnh đó, đảm bảo chính sách an sinh xã hội cho người lao động, nhất là người nghèo, thu nhập thấp, Bộ sẽ tiếp tục rà soát ban hành thêm chính sách mới giúp cho người nghèo ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn.
Trước lo ngại của nhiều đại biểu Quốc hội về điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ có thể khó đáp ứng vốn cho nền kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu khẳng định dự kiến tín dụng năm nay tương đương năm 2010, có nghĩa năm nay tăng trưởng tín dụng khoảng 460.000 tỷ đồng và được tập trung ưu tiên cho sản xuất.
Còn các mục tiêu khác, nhất là các đối tượng phi sản xuất gồm cho vay tiêu dùng, cho vay kinh doanh chứng khoán, cho vay bất động sản gần như không tăng.
Cơ cấu tín dụng phi sản xuất dự kiến sẽ giảm, còn 16% trong tổng dư nợ cuối năm 2011.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, NHNN sẽ thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng. NHNN sẽ ưu tiên khu vực sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
 
Theo chinhphu.vn