Ngày 09/02, UBND tỉnh ban hành Thông báo kết luận số 12 /TB-UBND của đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.
|
Ngày 07/02/2018, đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Đối - Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác bảo đảm ATTP năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của BCĐ. Dự Hội nghị, tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể là thành viên BCĐ liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh, Chi cục Trưởng các Chi cục quản lý nhà nước về ATTP; tại điểm cầu các huyện, thành phố và điểm cầu Trung tâm các cụm xã có các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các đồng chí là thành viên BCĐ liên ngành về vệ sinh ATTP các huyện, thành phố; đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, Lãnh đạo Đồn Biên phòng và các thành phần khác có liên quan.
Sau khi nghe Báo cáo tổng kết công tác bảo đảm ATTP năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 và ý kiến phát biểu của các sở, ngành, địa phương, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận:
1. Về kết quả thực hiện:
Trong năm 2017, các sở, ban, ngành, địa phương đã quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm ATTP và đã đạt được những kết quả tích cực trên các mặt: Các kế hoạch, văn bản chỉ đạo được xây dựng và ban hành kịp thời, cụ thể, sát thực; công tác truyền thông được đẩy mạnh từ tỉnh đến cơ sở; tích cực vận động, tổ chức cấp giấy xác nhận, ký cam kết bảo đảm ATTP; hoạt động thanh tra, kiểm tra được tăng cường và duy trì thường xuyên; công tác giám sát mối nguy và phòng ngừa nguy cơ về vệ sinh ATTP, bệnh truyền qua thực phẩm được quan tâm thực hiện.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được tập trung chỉ đạo, khắc phục: Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đặc biệt là ở cơ sở chưa thực sự quan tâm, sâu sát đến công tác bảo đảm ATTP; việc phân công, phân cấp quản lý ATTP có nơi còn chồng chéo; công tác truyền thông còn nhiều hạn chế; vấn đề dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, hoá chất bảo quản trong nông sản chưa được kiểm soát triệt để; tình trạng nguyên liệu thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không có nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu không an toàn diễn biến phức tạp; chưa bố trí được khu vực giết mổ an toàn; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm còn thiếu kiên quyết và triệt để; hoạt động kiểm soát và ngăn chặn ngộ độc thực phẩm hiệu quả chưa cao; trong năm 2017 còn để xảy vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng tại xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, làm 10 người tử vong và hàng trăm người phải nhập viện điều trị.
2. Một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong năm 2018:
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; cấp ủy, chính quyền các cấp; BCĐ liên ngành về vệ sinh ATTP từ tỉnh đến cơ sở, cần nâng cao trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm ATTP. Coi đây là nhiệm vụ cần tập trung, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của địa phương, đơn vị; kiểm soát chặt chẽ việc bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm, nhất là việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, nước giải khát, đặc biệt là dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Mậu tuất 2018. Xác định việc bảo đảm ATTP là một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa.
- Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Kết luận số 11-KL/TW ngày 19/01/2017 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08 của Ban bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới; Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP gắn với việc thực hiện các Kế hoạch, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh.
- Các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường các tin, bài chuyên mục, chuyên trang, chương trình, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về ATTP; thông tin, tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời, có trách nhiệm; nêu gương những điển hình về cơ sở thực phẩm an toàn, đồng thời thông báo rộng rãi những cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật về ATTP để người tiêu dùng biết và chọn lựa cơ sở thực phẩm, sản phẩm thực phẩm an toàn. Nêu cao và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát để bảo đảm ATTP ở tất cả các khâu từ sản xuất, kinh doanh đến chế biến, tiêu dùng.
- Các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với ngành hàng được phân công; chủ động giám sát, cảnh báo nhanh, phân tích nguy cơ, kiểm soát phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP, không để xảy ra các ca, vụ ngộ độc thực phẩm. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về ATTP.
- Các ngành Công an, Công Thương, Hải quan, Biên phòng, quản lý thị trường cùng các địa phương tăng cường lực lượng và gia tăng kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý nghiêm việc nhập lậu, lưu thông, kinh doanh các loại thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc.
- UBND các huyện, thành phố và các xã, phường thị trấn: Xác định việc bảo đảm ATTP là nhiệm vụ cấp thiết cần tập trung chỉ đạo toàn diện và giải quyết kịp thời, đặc biệt là dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; ưu tiên bố trí ngân sách cho công quản lý, bảo đảm ATTP, đặc biệt là hoạt động của BCĐ cấp xã. Phối hợp với các ngành chức năng phân công công chức cấp huyện, cấp xã thực hiện công tác quản lý về ATTP cho phù hợp; đồng thời chủ động tổ chức lực lượng, tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát, ký cam kết bảo đảm ATTP trên địa bàn nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới. Người đứng đầu Chính quyền cấp dưới chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.
3. Đối với một số kiến nghị của các địa phương:
- Giao các Sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch và triển khai tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ chuyên môn cho các thành viên Ban Chỉ đạo, cán bộ, công chức tham gia quản lý về ATTP ở cấp huyện, cấp xã theo lĩnh vực phụ trách từ nay đến quý II năm 2018.
- Giao Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn cho các sở, ngành, địa phương việc sử dụng và quản lý kinh phí từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính về ATTP theo Nghị quyết số 43/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội.