Thứ bảy 30/11/2024
in trang
Khởi động Dự án đưa hơn 600 trí thức trẻ về huyện nghèo
 
Từ ngày 15/3, Quyết định số 08/2011/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cán bộ cho các xã thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ chính thức có hiệu lực thi hành. Quyết sách này đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội bởi tính thiết thực và đột phá của chương trình bổ sung cán bộ trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND các xã nghèo.

Ông Vũ Đăng Minh, quyền Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên - Bộ Nội vụ - Ảnh: Chinhphu.vn
Xung quanh vấn đề này, Cổng TTĐT Chính phủ đã nhận được nhiều câu hỏi, sự quan tâm của độc giả, nhất là các bạn sinh viên, thanh niên trẻ.

Để giải đáp các băn khoăn cũng như để khẳng định tính đúng đắn của chủ trương này, Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đăng Minh, quyền Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên - Bộ Nội vụ.
PV: Xin hỏi ông câu hỏi được nhiều độc giả quan tâm nhất, những đối tượng nào có thể tham gia dự án này?
Ông Vũ Đăng Minh: Dự án đã đưa ra tiêu chuẩn mang tính nguyên tắc chung: Trí thức trẻ dưới 30 tuổi, có trình độ đại học, ưu tiên tuyển chọn chuyên ngành kinh tế, khoa học-kỹ thuật, nông, lâm nghiệp và thủy sản, xây dựng, giao thông vận tải..., tùy theo nhu cầu thực tế địa phương chọn ngành cho phù hợp.
Trí thức trẻ phải có đơn tình nguyện đi đến bất kỳ đâu khi được tuyển dụng trong phạm vi 62 huyện nghèo.
Trí thức trẻ có lý lịch rõ ràng, là đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Một yếu tố quan trọng là trí thức trẻ phải có sức khỏe tốt, bởi thực tế những xã thuộc huyện nghèo trong phạm vi thực hiện dự án là những xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, vùng sâu vùng xa, trong khi đó sứ mệnh của các trí thức trẻ là phải cùng chính quyền địa phương và bà con phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình tuyển chọn chúng tôi vẫn có thứ tự ưu tiên. Ưu tiên những thanh niên ở chính huyện nghèo về các xã của huyện, nếu trong huyện không có thì ưu tiên những đối tượng ở huyện ngoài của tỉnh, do tỉnh đưa về sau đó mới tăng cường từ tỉnh khác hoặc trung ương đưa về.
PV: Ông cho biết phải liên hệ với cơ quan, đơn vị nào và thực hiện những thủ tục gì để tham gia Dự án này?
Ông Vũ Đăng Minh: Theo dự án, Trung ương Đoàn thanh niên phối hợp với cơ quan nội vụ từ Trung ương đến địa phương để thực hiện.
Hiện Bộ Nội vụ đang trình các cấp có thẩm quyền ban hành quy định, trình tự, thủ tục, hồ sơ để đăng ký và xét tuyển.
Các hồ sơ đều được miễn phí, chúng tôi sẽ đăng phát công khai trên mạng về mẫu đơn, mẫu hồ sơ. Hồ sơ chính thức sẽ có đóng dấu, xác nhận của chính quyền địa phương. Trong quá trình sơ tuyển, chúng tôi sẽ đơn giản hóa thủ tục một cách tối ưu nhất cho các trí thức trẻ.
Chúng tôi cũng đề nghị Cổng TTĐT Chính phủ sẽ là cầu nối giúp chúng tôi thu thập thông tin từ hồ sơ đăng ký của các trí thức trẻ.
Về trình tự, hồ sơ đăng ký của trí thức trẻ ở đâu thì sẽ chuyển về địa phương đó để tổ chức đăng ký tuyển chọn tại địa phương, giảm chi phí đi lại, không phải tập trung tại Bộ Nội vụ.
Chúng tôi sẽ đến các cơ sở trực tiếp ở nơi tuyển chọn. Sau khi tập hợp hồ sơ, UBND tỉnh phối hợp với tỉnh ủy thành lập hội đồng tuyển chọn ở tỉnh, gồm chủ tịch các huyện nghèo, Sở Nội vụ đóng vai trò là cơ quan thường trực phối hợp với chúng tôi để tuyển chọn.
Chúng tôi sẽ giữ vai trò giám sát, trách nhiệm thì giao cho hội đồng của tỉnh tuyển chọn. Sau khi đã tuyển chọn chúng tôi sẽ thẩm định danh sách những người được chọn hoặc phối hợp cùng Ban chỉ đạo sao cho quy trình nhanh nhất, chọn đúng người đúng việc. Danh sách tuyển chọn sẽ được thẩm tra kỹ trước khi trình lên Bộ Nội vụ phê duyệt để cử đi đào tạo, bồi dưỡng.
PV: Trí thức trẻ sẽ được đào tạo, bồi dưỡng những kỹ năng gì, thưa ông?
Ông Vũ Đăng Minh: Trí thức trẻ sẽ được bồi dưỡng về vị trí, chức danh, công việc chuyên môn mà họ sẽ phải đảm nhận dưới chức danh Phó Chủ tịch UBND xã. Ngoài ra là thẩm quyền, kỹ năng điều hành, quyền lợi, chính sách của họ ở địa phương. Trí thức trẻ sẽ được đào tạo thực hành, được trang bị kinh nghiệm, tình huống thực tiễn.
Chúng tôi sẽ xây dựng bộ câu hỏi tình huống, mời các chuyên gia, có thể mời ngay những đồng chí đang là chủ tịch xã, bí thư xã trưởng thành từ cơ sở đi lên về làm báo cáo viên cho lớp này để trí thức trẻ có thực tiễn.
Trong thời gian 2 tháng đào tạo, 1 tháng đầu làm quen với lý thuyết, 2-3 tuần tiếp theo trí thức trẻ sẽ được "tung" xuống cơ sở đi thực tiễn, làm quen với công việc của xã, gặp những khó khăn vướng mắc để trao đổi. Sau đó, có 1 tuần để viết thu hoạch và kết thúc quá trình bồi dưỡng, có kèm theo nhận xét, đánh giá. Bản thân các trí thức trẻ sẽ xác định mình có "trụ" được không, lúc đó mới chính thức làm quy trình để đưa về xã bổ nhiệm.
Khi làm tổ chức cho các bạn về xã chúng tôi phối hợp với cấp ủy và chính quyền địa phương thực hiện theo quy trình luật bầu cử của HĐND để trở thành thành viên của HĐND, do HĐND bầu.

600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã của 62 huyện nghèo
PV: Một tình huống đặt ra, nếu trường hợp trí thức trẻ được đưa về mà HĐND bầu không trúng thì sao?

Ông Vũ Đăng Minh: Chúng tôi đã có cơ sở đi thực tiễn, xuống tận xã trao đổi với nhiều chức danh của xã và địa phương. Nhìn chung đều có 1 tiếng nói là bà con sẵn sàng chào đón họ về, bởi họ dám chịu khó khăn gian khổ đến với bà con, giúp bà con xóa đói giảm nghèo.
Với tinh thần xung kích, cùng bà con đồng cam cộng khổ, đưa ánh sáng văn hóa về với hộ nghèo, mong rằng những cán bộ trẻ sẽ đáp ứng  được mong mỏi của bà con. Vì thế, không lý do gì địa phương không chào đón họ về cống hiến?
Chúng tôi sẽ theo dõi đánh giá hoạt động của trí thức trẻ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của trí thức trẻ. Dự án sẽ đồng hành với các trí thức trẻ đến khi kết thúc thì chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với đó, hệ thống của ngành nội vụ sẽ quan tâm, theo dõi đánh giá về hiệu quả chương trình cũng như đánh giá về đội ngũ nhân lực được tăng cường.
PV: Dự án này có cơ chế chính sách ưu việt như thế nào để thu hút trí thức trẻ đến các xã tại các huyện nghèo, trong khi cơ hội và môi trường tại các thành phố lớn không hề nhỏ, thưa ông?
Ông Vũ Đăng Minh: Câu hỏi này chính là lời giải 2 năm nay tôi đi tìm kể từ khi bắt đầu xây dựng dự án.
Ở thành phố các bạn có nhiều cơ hội, điều kiện, môi trường để nâng cao trình độ. Ai cũng mong muốn ở thành phố, tuy nhiên môi trường thành phố có sự cạnh tranh khốc liệt, thách thức về vị trí việc làm. Hơn nữa, đã ở lại thành phố phải chấp nhận nhiều chi phí như thuê nhà, các dịch vụ sinh hoạt khác trong khi lương tháng của trí thức trẻ thì chỉ có từ 1 đến 2 triệu đồng, khó đủ cho sinh hoạt.
Nếu về cơ sở, trí thức trẻ có cơ hội trải nghiệm mình. Họ sẽ có một môi trường để tôi luyện, rèn luyện để trưởng thành từ cơ sở. Thông qua đó trí thức trẻ sẽ được khẳng định mình và trở thành nhà lãnh đạo tương lai. Đây chính là cơ chế.
Cách thu hút trí thức trẻ về cơ sở là họ sẽ có chức danh, vị trí công việc, có chuyên môn rõ ràng, chứ không chung chung, thiếu đâu làm đó như một số dự án trước.
Trí thức trẻ có ưu điểm rất nổi trội là cần một cơ chế để khẳng định mình. Vì thế, dự án có các lộ trình bồi dưỡng, quy hoạch phát triển các bạn sau khi hoàn thành dự án, ưu tiên trí thức trẻ tiếp tục ở lại địa phương để trở thành công chức. Nếu UBND nơi tình nguyện không bố trí việc làm cho các trí thức trẻ hoặc chính họ không có nguyện vọng tiếp tục ở lại địa phương được thì UBND tỉnh đó xác nhận quá trình công tác để các cơ quan khác ưu tiên xét tuyển vào vị trí viên chức hoặc công chức. Như vậy, các trí thức trẻ có thể yên tâm sau thời gian công tác tại các xã nghèo.
Ngoài ra, trong dự án có nguyên tắc mở, trí thức trẻ công tác trong thời gian 5 năm, nếu hoàn thành xuất sắc thì có thể là sau 3 năm sẽ được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều động, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cao hơn. Đây cũng là động lực quan trọng để phấn đấu, là cơ hội với tất cả những ai có điều kiện phấn đấu.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
Theo Chinhphu.vn