Thứ bảy 30/11/2024
in trang
Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội
 
Trong năm 2011, các cơ chế, chính sách điều hành của Nhà nước sẽ tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh các chương trình, đề án nhà ở xã hội.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải  chủ trì cuộc họp
Đó là định hướng được thống nhất trong cuộc họp thường kỳ Ban chỉ đạo TW về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải- Trưởng Ban Chỉ đạo, ngày 14/3 tại Hà Nội.
Tăng nguồn cung nhà ở chính sách
Với các cơ chế chính sách và chỉ đạo điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, lĩnh vực xây dựng nhà ở, thị trường BĐS năm 2010 phát triển ổn định và hợp lý hơn nhiều so với trước đây. Trong đó đáng chú ý là nhất là việc thực hiện thành công Nghị quyết số 18/NQ-CP và một loạt các quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến nhà ở chính sách đã tác động tích cực trong lĩnh vực này.
Theo tổng hợp từ các địa phương, năm 2010, Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo thực hiện 187.025 căn nhà, đạt 95% kế hoạch, trong đó chủ yếu là các hộ thuộc 62 huyện nghèo và hộ đồng bào Khmer. Chương trình nhà ở sinh viên đã hoàn thành 176/251 khối nhà; nhà ở cho công nhân KCN đã khởi công thêm 25 dự án với tổng diện tích sàn 787.500 m2, góp phần giải quyết cho khoảng 129.000 công nhân tại các KCN. 37 dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp ở đô thị được triển khai với tổng diện tích sàn 750.000 m2, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 64.000 người.
Trên bình diện chung, nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới tiếp tục được triển khai tăng nguồn cung, góp phần đưa thị trường phát triển đúng hướng và chống “sốt ảo”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay trên toàn quốc có khoảng 2.500 dự án đang được triển khai. Riêng Hà Nội có khoảng trên 800 dự án, TP.HCM có gần 1.400 dự án đang triển khai.
Tổng diện tích nhà ở được phát triển trong năm 2010 đạt khoảng 86,8 triệu m2 sàn. Diện tích bình quân về nhà ở đạt khoảng 17,5m2/người, trong đó tại đô thị là 20,2m2/người, nông thôn là 16,3 m2/người.
Cơ cấu hàng hóa của thị trường BĐS có sự thay đổi tích cực, các nhà đầu tư đã chuyển hướng đầu tư vào phân khúc thị trường nhà có mức giá trung bình, diện tích nhỏ để đáp ứng nhu cầu thật của thị trường, tăng tính thanh khoản của nguồn vốn đầu tư. Tín dụng trong kinh doanh BĐS năm 2010 được đánh giá là ổn định với tổng dư nợ cho vay bất động sản đạt 224.000 tỷ đồng, xấp xỉ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung, thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.

Khu nhà ở công nhân mới đưa vào khai thác ở xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Chinhphu.vn
Góp phần làm lành mạnh, ổn định thị trường
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, thị trường BĐS có tác động quan trọng đến phát triển KTXH đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì sự ổn định, lành mạnh hóa thị trường này cần được đặt ra với yêu cầu cao hơn, đặc biệt là những lĩnh vực trọng tâm, liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, điều hành giá cả.
Coi đây là lĩnh vực góp phần quan trọng làm lành mạnh, ổn định thị trường, Phó Thủ tướng khẳng định, Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, ban hành các chính sách ưu tiên, tạo điều kiện cho các dự án đáp ứng nhu cầu về nhà ở đô thị, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp, nhà ở cho công nhân KCN, nhà ở cho sinh viên được dự báo vẫn tăng mạnh trong thời gian tới.
Ước tính tại khu vực đô thị vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích lên tới 150 triệu m2, vốn đầu tư tới 300-400.000 tỷ đồng. Riêng Hà Nội cần 5,5 triệu m2, tương đương 110 ngàn căn hộ và 11 ngàn chỗ ở cho công nhân, còn TP HCM cần khoảng 5 triệu m2 và trên 50.000 chỗ ở cho công nhân.
Cùng với đó còn là việc hỗ trợ nhà ở vùng tôn nền vượt lũ, xây dựng mô hình nhà ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng bị tác động của thiên tai.
Để thực hiện mục tiêu này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao các bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào việc sớm xây dựng, hoàn thiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020; xem xét thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ người lao động có điều kiện mua nhà, ban hành các chính sách thúc đẩy nhà ở cho thuê, thuê mua, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên, khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, sớm xây dựng hệ thống tài chính phát triển thị trường BĐS ổn định, lành mạnh, không tạo ra “bong bóng” trên thị trường nhưng cũng không thắt chặt đột ngột gây đổ vỡ thị trường trên diện rộng./.
 
Theo chinhphu.vn