Chiều (30/11), Ủy Ban dân tộc tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về công tác Dân tộc. Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình dự và chủ trì hội nghị.
Dự tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Vũ Văn Hoàn - Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Đức Long - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Ngọc An – Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở Ban, ngành có liên quan.
Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Lai Châu
Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP cả nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối của, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác dân tộc. Tạo sự đồng thuận trong các ngành, các cấp và đồng bào DTTS đối với công tác dân tộc, thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, thúc đẩy phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành, Địa phương ban hành nhiều Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn các chương trình, đề án, dự án đảm bảo hệ thống chính sách dân tộc được triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả; từng bước thay đổi cách thức tiếp cận trong xây dựng cơ chế chính sách theo hướng: chuyển dần chính sách hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, hỗ trợ người dân tự vươn lên thoát nghèo; tích hợp dần với chính sách vào các chương trình mục tiêu quốc gia với cơ chế quản lý thống nhất, tập trung nguồn lực; phân cấp mạnh cho địa phương và thể hiện rõ tính công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện chính sách.
Trong giai đoạn 2011-2015, Nhà nước đã đầu tư trên 130 nghìn tỷ đồng cho vùng dân tộc thiểu số. Từ sự đầu tư này đã làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng; tạo điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong 5 năm qua Công tác Dân tộc vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, hạn chế như: Thiếu nguồn lực; một số ban, ngành ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện các chính sách còn chậm, một số chính sách chậm triển khai thực hiện; Hệ thống chính sách mang tính ngắn hạn, chủ yếu là giải quyết tình thế, thiếu định hướng trung hạn và dài hạn, chưa khuyến khích cơ chế xã hội hóa đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái; kết cấu hạ tầng ở cơ sở chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt.
Tại Hội nghị, đại biểu của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã tập trung thảo luận về vai trò chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác dân tộc; các chương trình chính sách dân tộc lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới; công tác kiểm tra giám sát đến các xã, thôn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở… Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác dân tộc trong thời gian tới như: Việc hỗ trợ các tỉnh miền núi duy trì và tiếp tục triển khai các chương trình còn dở dang; nguồn vốn bố trí hàng năm cần kịp thời; Nhà nước cần có hướng hỗ trợ có điều kiện cho các hộ thoát nghèo để tránh tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đánh giá cao những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, các bộ, ngành, địa phương cần ban hành chính sách kịp thời, cân đối nguồn lực đầu tư với chính sách, xây dựng hệ thống giải pháp thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển KT - XH vùng DTTS. Xây dựng, phê duyệt các đề án thôn, xã khu vực I, II, III, vùng dân tộc miền núi; chú trọng đầu tư đào tạo nghề, sinh kế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp DTTS miền núi; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định phát triển KT - XH, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa vùng đặc biệt khó khăn với đô thị.