Thứ năm 28/11/2024
in trang
Trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP)
 
Sáng 27/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. 
   
 Dự tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Đỗ Ngọc An - Chủ tịch UBND tỉnh, Giàng Páo Mỷ- Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện một số sở, ban, ngành có liên quan.
 

  
 Trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt được những kết quả nhất định; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đầy đủ, trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành, địa phương được phân định rõ ràng, nhiều vụ việc vi phạm lớn đã được phát hiện, xử lý.
  
Tuy nhiên, tình hình an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, cần được tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Qua đợt cao điểm ATTP (10/2015 – 2/2016) cho thấy mức độ tồn dư các chất độc hại, chất cấm trong nhiều loại thực phẩm đã có mức giảm đáng kể. Dư lượng thuốc BVTV trong rau là 5,17% (năm 2014 là 5,43%, 9 tháng đầu 2015 là 10,3%). Thịt vi phạm chỉ tiêu chất cấm, kháng sinh vượt giới hạn là 1,91% (năm 2014 là 6,84%, 9 tháng đầu năm 2015 là 4%);
 
Tuy nhiên, cũng có những sản phẩm vi phạm với tỉ lệ cao hơn như thủy sản: vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn là 7,27% (2014 là 1,21%, 9 tháng đầu năm 2015 là 1,01%).
 
Trong năm 2015, 20.641 đoàn thanh tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 344.657 cơ sở, phát hiện 77.946 cơ sở vi phạm, chiếm 22,6% (năm 2014 là 21,3%). Trong quý I/2016, kiểm tra tại 109.195 cơ sở, phát hiện 20.572 cơ sở vi phạm, chiếm 18,8% (quý I/2015 là 20,4%). Riêng Năm 2014, kiểm tra 5.645 cơ sở kinh doanh nước đóng chai, đã phát hiện 1.191 cơ sở vi phạm (21,1%); kiểm nghiệm mẫu nước uống đóng chai 87/1.062 (8,2%) số mẫu không đạt yêu cầu về chỉ tiêu vi sinh vật, 20/386 (5,2%) số mẫu không đạt yêu cầu về các chỉ tiêu lý, hóa. Kiểm tra tại 990 cơ sở kinh doanh sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa phát hiện 230 cơ sở vi phạm.
 
Đối với bếp ăn tập thể năm 2014, kiểm tra 119.024 cơ sở (chiếm 72,1% trên tổng số cơ sở có trên địa bàn toàn quốc), đã phát hiện 29.327 cơ sở vi phạm (24,6%); đã đình chỉ hoạt động 56 cơ sở; tiêu hủy sản phẩm của 620 cơ sở với 562 loại sản phẩm; chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý 13 trường hợp. Kiểm tra 12.340 cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm, phát hiện 3.055 cơ sở vi phạm.
 
Thảo luận tại hội nghị đại diện lãnh đạo các địa phương đã có nhiều góp ý nhằm tăng cường quản lý VSATTP như: Công khai thông tin các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm ATTP; xây dựng các chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch; triển khai ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; hình thành các vùng sản xuất thực phẩm sạch, ứng dụng công nghệ cao; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý ATTP; xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sạch; quản lý ngăn chặn việc sử dụng chất cấm; đổi mới công tác tuyên truyền; nâng cao chất lượng kiểm nghiệm thực phẩm; tăng chế tài xử lý vi phạm an toàn thực phẩm; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý ATTP; rà soát, bổ dung danh mục chất cấm; thống nhất để lại 100% kinh phí xử phạt cho địa phương; hỗ trợ kinh phí cho các địa phương nghèo; xử lý điểm những vụ vi phạm nghiêm trọng, bảo đảm tính răn đe; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong vận động giám sát sản xuất kinh doanh thực phẩm;...
  
Kết luận hội nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ATTP không chỉ là vấn đề giống nòi dân tộc mà còn là uy tín quốc tế của đất nước. "Nếu chúng ta không quy trách nhiệm người đứng đầu thì khó thành công", Thủ tướng nói. Vì vậy, việc mất ATTP xảy ra tại xã, tại huyện, tại tỉnh, thì lãnh đạo xã, huyện, tỉnh phải chịu trách nhiệm, tiếp đó là lãnh đạo các ngành phải chịu trách nhiệm. Thủ tướng cũng yêu cầu: “Trưởng Ban chỉ đạo ATTP phải do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đảm nhiệm”.
 
Thu Hoài