Sáng 03/11, Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do đồng chí Vũ Quang Các – Vụ trưởng vụ Quản lý Quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh.
Về tình hình kinh tế - xã hội tuyến biên giới đất liền Việt – Trung trên địa bàn tỉnh, các cơ chế chính sách của Trung ương và địa phương đang áp dụng với khu vực biên giới, đất liền của tỉnh. Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Vương Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liện quan, lãnh đạo UBND các huyện có đường biên giới.
Quang cảnh buổi làm việc
Tỉnh Lai Châu có đường biên giới dài 265,095km tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và phòng hộ đầu nguồn Sông Đà. Toàn tỉnh có 23 xã biên giới là các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh. Khu vực biên giới là địa bàn sinh sống của 10 dân tộc thiểu số, trong đó có 4 dân tộc thiểu số chỉ có ở Lai Châu: Cống, Mảng, La Hủ, Si La. Đời sống Nhân dân biên giới còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo các xã biên giới năm 2014 là 37,4%; thu nhập bình quân đạt 8,58 triệu đồng/người/năm. Quan hệ đối ngoại trên tuyến biên giới cơ bản ổn định, hữu nghị. Nhân dân hai bên biên giới duy trì qua lại thăm thân, mua bán, trao đổi hàng tiêu dùng, nông lâm sản.
Đại biểu thảo luận tại buổi làm việc
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới; các chính sách ổn định, sắp xếp dân cư trên tuyến biên giới, đất liền. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng bằng một số văn bản như: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 16/3/2007 về phát triển kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2007-2015; Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 16/7/2007 về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh các xã biên giới đến năm 2010 và các năm tiếp theo.
Đến nay, hầu hết các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, biên giới đất liền người dân vùng biên giới tỉnh ta đều được thụ hưởng: 23/23 xã biên giới có đường ô tô đến trung tâm xã, 23/23 xã có điện lưới quốc gia, số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 63%; trong giai đoạn 2006-2014, ở các xã biên giới có 226 phòng học, 125 phòng công vụ giáo viên và 74 phòng ở nội trú học sinh cùng nhiều hạng mục phụ trợ được xây dựng; sản xuất lương thực cây có hạt năm 2015 các xã biên giới ước đạt 40.600 tấn, đảm bảo an ninh lương thực; duy trì phát triển đàn gia súc tại các huyện biên giới với tổng đàn 179.097 con, tốc độ tăng trưởng đạt 5%/ năm… Đời sống Nhân dân được cải thiện, quốc phòng – an ninh được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng.
Tỉnh ta đề nghị: Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hơn nữa, ban hành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt – Trung giai đoạn tiếp theo đồng thời ưu tiên vốn xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng tuyến biên giới… tạo điều kiện ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội các huyện biên giới.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Vũ Quang Các – Vụ trưởng vụ Quản lý Quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới thời gian qua. Đồng chí ghi nhận các ý kiến đề nghị của tỉnh và bổ sung vào dự thảo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt – Trung giai đoạn tiếp theo.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác thăm một số xã biên giới và Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ).