Giảm khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020.
Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ảnh minh họa
Một trong nội dung chính của Chương trình là truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới. Cụ thể, nâng cao năng lực truyền thông về bình đẳng giới cho các cơ quan truyền thông, đội ngũ báo cáo viên, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở; xây dựng mô hình thí điểm áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông ở một số cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, mở rộng việc thực hiện các hình thức truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng, địa bàn dân cư dưới hình thức văn hóa, nghệ thuật và nhiều hình thức khác; thí điểm lồng ghép nội dung về bình đẳng giới vào nội dung sinh hoạt của các Câu lạc bộ tại cấp xã, phường và trong trường học, các doanh nghiệp, các khu công nghiệp tại một số địa phương; xây dựng, duy trì và phát triển đa dạng các chương trình, sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó chú trọng chương trình thông tin cơ sở; tổ chức các chiến dịch truyền thông thu hút nam giới và trẻ em trai tham gia thúc đẩy bình đẳng giới, chia sẻ trách nhiệm gia đình, xóa bỏ bất bình đẳng giới trong cộng đồng và xã hội…
Hằng năm triển khai thực hiện “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 với các hoạt động chính sau: Xây dựng chủ đề và thông điệp truyền thông cho tháng hành động; tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Nâng cao năng lực đội ngũ nữ đại biểu dân cử các cấp
Nội dung khác của Chương trình là nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ đại biểu dân cử các cấp, nữ cán bộ quản lý, nữ lãnh đạo các cấp, nữ cán bộ thuộc diện quy hoạch. Trong đó, khảo sát, đánh giá định kỳ về thực trạng tình hình đội ngũ nữ cán bộ quản lý, nữ lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương; kiến nghị kịp thời các biện pháp, chính sách có liên quan đến công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ nữ bao gồm cả đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Nâng cao năng lực cho các cơ quan tham mưu trong công tác hoạch định, tổ chức triển khai các chính sách tác động trực tiếp đến công tác cán bộ nữ; mở rộng quy mô và nội dung các hoạt động về nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp và năng lực của đội ngũ cán bộ trong diện quy hoạch vào các chức danh quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp; tạo nguồn tham gia các cấp ủy Đảng, các cơ quan dân cử và tổ chức chính trị - xã hội.
Khuyến khích các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức xây dựng, thực hiện các mô hình tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong những lĩnh vực có nguy cơ bất bình đẳng giới cao như: sửa đổi quy ước, hương ước bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới, mô hình “Câu lạc bộ nữ công nhân nhà trọ” tại khu công nghiệp, khu chế xuất; mô hình “Vận dụng các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ trong thực hiện bình đẳng giới” tại doanh nghiệp; Trung tâm công tác xã hội thực hiện cung cấp dịch vụ về bình đẳng giới và các mô hình khác phù hợp với tình hình thực tế và xu thế hội nhập quốc tế.