Thứ năm 28/11/2024
in trang
Bảo vệ & phát triển rừng năm 2015 và nhiệm vụ giai đoạn 2016 – 2020
 
Ngày 30/9, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Báo cáo số 277/BC-UBND tổng hợp báo cáo tình hình triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ & phát triển rừng năm 2015 và giai đoạn 2011 – 2015; nhiệm vụ giai đoạn 2016 – 2020.
 
Năm 2015, tổng diện tích trồng mới theo kế hoạch giao của UBND tỉnh tại Quyết định số 39/2014/QĐ-UBND, ngày 10/12/2014 là 1.200 ha, trong đó trồng mới rừng phòng hộ: 500 ha, trồng mới rừng sản xuất 700 ha; chăm sóc rừng trồng: Tổng diện tích chăm sóc theo kế hoạch 1.485 ha; đã thực hiện 9 tháng đầu năm 1.146 ha (huyện Than Uyên 267,2 ha; huyện Tân Uyên 411 ha; huyện Tam Đường 85,1 ha; huyện Phong Thổ 180,63 ha; huyện Sìn Hồ 202,23 ha); Bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, khoán bảo vệ rừng 190.746 ha (chuyển tiếp: 171.692,0 ha, thiết kế mới: 19.053,8 ha)...
 

Rừng tái sinh trên đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn
 
Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng: Tỉnh đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tập trung lực lượng, tăng cường công tác PCCCR trong thời gian cao điểm; tiến hành rà soát, kiểm kê các trang thiết bị và dụng cụ PCCCR, để bảo dưỡng và sẵn sàng, chủ động triển khai chữa cháy rừng; thường xuyên cập nhật, cảnh báo, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo phát hiện kịp thời cháy rừng và tham mưu Ban Chỉ đạo cơ sở tổ chức chữa cháy theo phương châm “bốn tại chỗ”…
 
Nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu: Đến năm 2020 tỷ lệ che phủ đạt trên 50%. Phát triển lâm nghiệp theo hướng bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, nâng cao hiệu quả sử dụng rừng và đất lâm nghiệp một cách bền vững gắn với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
 
Về kinh tế: Giá trị sản phẩm lâm nghiệp trong tổng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp tăng từ 20% hiện nay lên 30% vào năm 2020. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển vốn rừng, từng bước hướng tới các nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và sản phẩm ngoài gỗ.
 
Về xã hội: Cải thiện đời sống của người làm nghề rừng, xã hội hoá và đa dạng hoá các hoạt động lâm nghiệp, tạo việc làm, nâng cao nhận thức và mức sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần ổn định kinh tế xã hội trên địa bàn.
 
Về quốc phòng, an ninh: Bảo vệ phát triển rừng gắn với giữ vững quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; cùng với các Chương trình, Dự án khác góp phần ổn định dân cư, nâng cao đời sống người dân thông qua đó giữ gìn trật tự xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh đặc biệt là khu vực biên giới.
 
Hùng Cường