Thứ năm 28/11/2024
in trang
Tổng kết kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015 sơ kết CT trồng rừng thay thế 2015
 
Sáng ngày 16/9, UBND tỉnh tổ chức hội nghị Tổng kết kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015; sơ kết chương trình trồng rừng thay thế năm 2015 và sơ kết 1 năm thực hiện Đề án phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.
  
Các đồng chí: Giàng Páo Mỷ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Chương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị;
  
Dự hội nghị còn có các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND; lãnh đạo sở, ban, ngành; lãnh đạo các huyện, thành phố; các phòng, ban liên quan.
   

 Đồng chí Đỗ Ngọc An – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
  
Thực hiện chương trình bảo vệ & phát triển rừng giai đoạn 2011-2015, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nhận thức được tầm quan trọng của rừng trong đời sống, kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường rừng. Từ năm 2011-2015 đã có 21 dự án được phê duyệt, trong đó 6 dự án trồng rừng phòng hộ, 6 dự án trồng rừng sản xuất, 1 dự án trồng cây mắc ca và 8 dự án trồng rừng thay thế. Tổng diện tích đã trồng 8.146ha; chăm sóc rừng trồng, đường băng cản lửa hàng năm đạt từ 1.500-2.000ha. Giải ngân vốn 37,325 tỷ đồng nguồn vốn phát triển, 118,547 tỷ đồng vốn sự nghiệp và vốn chương trình mục tiêu. Đến nay tỷ lệ che phủ rừng tỉnh đạt trên 45,5%. Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm 2011-2015 đạt gần 500 tỷ đồng, chi trả bình quân 434 nghìn đồng/ha/năm… Đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng đạt 50%, giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp tăng từ 20% hiện nay lên 30% năm 2020, bảo vệ 419.448ha rừng; dự kiến từ năm 2016-2020 thực hiện khoanh nuôi tái sinh 100.0000ha, trồng mới rừng 2.500ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và 1.500ha rừng sản xuất, 3.649ha rừng thay thế của các thủy điện. Hỗ trợ đầu tư xây dựng 1 nhà máy chế biến gỗ…
  
Thực hiện chương trình trồng rừng thay thế năm 2015 trên địa bàn tỉnh trồng được 1.518ha, đã giải ngân 32,047/38,821 tỷ đồng. Cơ cấu cây trồng phù hợp, chất lượng cây giống được tuyển chọn như: Lát Hoa, Giổi, Sấu, Sơn Tra, Quế… với tỷ lệ cây sống trên 90%. Theo kế hoạch trồng mới năm 2016 toàn tỉnh trồng mới 2.214,9ha, trong đó thực hiện khối lượng còn lại 279,9ha của năm 2015; năm 2017 trồng mới 1.435ha. Kinh phí thực hiện năm 2016-2017 là 84,259 tỷ đồng.
  
 Đề án phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao năm 2015, đến nay toàn tỉnh có 3.541ha/3.222ha chè, có 6 công ty, doanh nghiệp và 3 hợp tác xã chế biến chè búp tươi với tổng công suất 220 tấn/ngày, sản lượng chè búp tươi đạt 22.000/21.875 tấn, tăng 1.500 tấn so năm 2014. Thực hiện trồng mới năm 2015 đạt 469ha, thực hiện trồng tái canh 10/30ha, trồng xen canh 370/350ha; tổ chức 12 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc chè với 580 lượt hộ tham gia. Thực hiện hỗ trợ giống 9,2 tỷ đồng, hỗ trợ trồng tái canh 26 triệu đồng, hỗ trợ trồng xen 403 triệu đồng, hỗ trợ tập huấn 156 triệu đồng… Trong năm 2016, tỉnh phấn đấu trồng mới 440ha, sản lượng chè búp đạt 24.000 tấn so năm 2015; tổng nguồn vốn thực hiện gần 46 tỷ đồng…
  
 Các ý kiến thảo luận tại Hội nghị đã tập trung nêu lên những tồn tại, khó khăn, vướng mắc hạn chế và đưa ra các giải pháp linh hoạt trong việc thực hiện bảo vệ & phát triển rừng, trồng rừng thay thế, phát triển chè tập trung chất lượng cao. Một số ý kiến tập trung vấn đề: khó khăn trong thực hiện cơ chế chính sách, thánh toán vốn còn vướng mắc; hỗ trợ trồng rừng còn quá thấp; năng lực hoạt động của một số doanh nghiệp còn hạn chế…
  
 Phát biểu kết luận, đồng chí Đỗ Ngọc An – Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh tiếp thu các ý kiến của các huyện, thành phố về trồng, phát triển rừng, trồng chè chất lượng cao. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn trồng và phát triển rừng. Về bảo vệ & phát triển rừng: Ngành Nông nghiệp cùng các địa phương điều tra, quy hoạch lại đất trồng rừng; Sở Nông nghiệp chủ động giống, cơ cấu các loại cây giống; thống nhất về cơ chế chính sách bảo vệ rừng; rà soát lại hệ thống kiểm lâm, đánh giá tránh tình trạng những nơi không làm tốt. Về trồng rừng thay thế: các địa phương cần huy động hệ thống chính trị và Nhân dân tích cực triển khai trồng rừng thay thế; Ngành Nông nghiệp rà soát, lồng ghép các nguồn vốn. Về trồng chè: diện tích phấn đấu 2020 tăng lên trên 7.000ha; Sở Nông nghiệp phối hợp Sở Khoa học & Công nghệ và ngành liên quan xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký thương hiệu, đăng ký bảo hộ chè Lai Châu…
 
 
Thu Hoài