Thứ năm 28/11/2024
in trang
Hội thảo khoa học Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó biên đổi khí hậu
 
 Sáng này 14/8, tại tỉnh Lai Châu, UBND tỉnh Lai Châu, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng chủ trì phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học về Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó biến đổi khí hậu ở trung du và miền núi phía Bắc.
    

Quang cảnh Hội thảo
 
Theo các ý kiến đánh giá tại hội thảo, vùng trung du miền núi phía Bắc có rất nhiều lợi thế không chỉ cho phép vùng liên kết với các vùng khác trong quốc gia, mà còn tạo cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Các lợi thế của vùng bao gồm khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản và thuỷ điện; thế mạnh cây công nghiệp, dược liệu; chăn nuôi gia súc và du lịch... Tuy nhiên qua rà soát vẫn chưa có một chính sách nào riêng đề cập đến vấn đề liên kết vùng trong biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường vùng trung du, miền núi phía bắc.
 
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Lai Châu đã có chủ trương gắn chương trình phòng chống bão lũ với xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, chú trọng quy hoạch dòng chảy đặc biệt là xây dựng các công trình. Cụ thể là trước khi xây dựng các công trình giao thông, trước mắt phải tính đến vấn đề ách tắc dòng chảy; trước mùa mưa phải thanh thải dòng chảy để thoát lũ; đưa chương trình phòng chống bão lũ, sắp xếp lại dân cư vào chương trình xây dựng nông thôn mới... Lai Châu là tỉnh được chọn làm điểm về chi trả dịch vụ môi trường rừng và là một trong những tỉnh giải quyết tốt vấn đề này.
 
Tham gia tại buổi Hội thảo các đại biểu đề nghị: Về lâu dài cần phải đẩy mạnh các giải pháp sinh học, trong đó phải trồng và bảo vệ tốt tài nguyên rừng, cần có thêm những cơ chế, chính sách, đầu tư tính toán hợp lý và đầy đủ để người dân sống nhờ rừng một cách bền vững. Đồng thời phát triển một nền nông nghiệp xanh bền vững cùng với quy hoạch, sắp xếp lại dân cư.
 
Để thực hiện liên kết vùng trong ứng phó biến đổi khí hậu vùng trung du và miền núi phía bắc, hội thảo đã thống nhất các quan điểm đề xuất liên kết vùng phải được xây dựng trên nguyên tắc bắt buộc, phân cấp, phân quyền chặt chẽ và hiệu quả; sớm ban hành luật quy hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đầy đủ về quy định trách nhiệm cụ thể cho từng đị phương; đề xuất cơ chế phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Tây bắc với Bộ Kế hoạch Đầu tư và các tỉnh trong vùng xây dựng thí điểm liên kết vùng trung du miền núi phía bắc giai đoạn 2015 - 2020 để trình Chính phủ phê duyệt tập trung vào nhiều vấn đề...
 
Vùng trung du miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Các địa phương nghèo nhất của vùng chủ yếu ở các huyện miền núi có địa hình phức tạp và có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao và cũng là những nơi có tần xuất xảy ra các hiện tượng cực đoan nhiều nhất. Hiện nay, đang có khoảng 10.266 điểm nguy cơ sạt lở đất tại 10 tỉnh miền núi phía bắc; trung du miền núi phía bắc chiếm tới 40% tổng diện tích đất bị thoái hoá thành đất trống, đồi trọc trên cả nước với 5,2 triệu ha. Việc khôi phục lại cuộc sống, sinh kế và điều kiện sinh hoạt cho các hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sau thiên tai là rất khó khăn.
 
Thu Hoài