Sáng 16/7, đồng chí Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với Đoàn công tác của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam do Tiến sỹ Trịnh Khắc Quang, Viện trưởng Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam làm Trưởng đoàn.
Dự làm việc còn có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp; lãnh đạo các Viện nghiên cứu Rau quả, Viện Khoa học Nông lầm nghiệp miền núi phía Bắc, Viện nghiên cứu Ngô, Viện di truyền nông nghiệp, Trung tâm chuyển giao công nghệ và Khuyến nông…
Quang cảnh buổi làm việc
Báo cáo kết quả và định hướng phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nêu rõ khí hậu Lai Châu chia thành 3 đới rõ rệt: đới khí hậu nóng, ẩm; khi hậu mát, ẩm và khí hậu ôn đới nên có tiềm năng, lợi thế để phát triển một số cây trồng, vật nuôi, cây dược liệu quý. Từ năm 2007 đến nay đã có 500 mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được triển khai thực hiện, bà con nông dân hưởng ứng và nhân rộng như đưa lúa đông xuân lên vùng cao, nuôi thủy cầm trên lòng hồ Thủy điện Sơn La…góp phần nâng tổng sản lượng lương thực năm 2014 đạt trên 189 nghìn tấn. Bước đầu hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh cây lương thực theo hướng hàng hóa; phát triển vùng chè, cây ăn quả, phát triển cây cao su… theo hướng tập trung…
Giai đoạn 2016 – 2020, nông nghiệp Lai Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, lựa chọn cơ cấu giống lúa thích hợp cho từng vùng để đạt hiệu quả cao. Xây dựng các vùng sản xuất lương thực hàng hóa tập trung tại các cánh đồng lớn như: Mường Than, Mường Khoa, Bình Lư, Mường So… tập trung phát triển vùng miến dong Tan Đường, vùng rau, hoa ở Bản Giang, San Thàng, phát triển các loại cây dược liệu quý hiếm có giá trị kinh tế cao: tam thất, đương quy, đỗ trọng, đẳng sâm… Phát triển cây ăn quả có giá trị, chất lượng cao phục vụ thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Hình thành vùng nguyên liệu chè tập trung, chất lượng cao với các giống chủ lực như: Tuyết Shan, Kim Tuyên … gắn với công nghệ chế biến và mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu chè cao cấp. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi có chuồng trại gắn với trồng cỏ, thu hút người dân, doanh nghiệp đầu tư khai thác phát triển nuôi cá nước lạnh, cá lồng tại những nơi có điều kiện…
Những năm qua, những kết quả chuyển giao của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng của một số cây trồng chính như: chè, lúa, ngô, cây ăn quả, rau tại một số vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh như: Sìn Hồ, Tam Đường, Phong Thổ. Đoàn công tác cũng khẳng định Lai Châu có tiềm năng về đất đai song đời sống của người dân còn nghèo nên cần tập trung triển khai các dự án sản xuất nông nghiệp quy mô lớn song cần áp dụng cơ giới hóa và có sự tham gia của doanh nghiệp và đầu tư vốn của các cấp, các ngành. Tiềm năng phát triển hợp tác, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật, giống cây trồng mới, các mô hình sản xuất của Viện với tỉnh Lai Châu là rất lớn, đặc biệt trên những loại cây trồng có thế mạnh của Viện như lúa chất lượng cao, ngô chịu hạn, cây ăn quả, chè và một số cây trồng khác… phù hợp với điều kiện của tỉnh sẽ được phối hợp triển khai áp dụng trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc đồng chi Lê Trọng Quảng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị Viện khoa học Nông nghiệp, các Viện, Trung tâm có liên quan quan tâm hỗ trợ Lai Châu một số vấn đề: Xây dựng bản đồ thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh; Điều tra, đánh giá điều kiện về đất đai, tại các cánh đồng sản xuất tập trung; Quy hoạch xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Nghiên cứu chọn tạo các giống ngô thích ứng với biến đổi khí hậu, có khả năng chịu hạn, chịu lạnh cho bà con ở vùng cao. Hỗ trợ xấy dựng các mô hình sản xuất chè, rau, hoa, cây ăn quả ôn đới áp dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; mô hình tưới nước tiết kiệm tại một số vùng sản xuất tập trung. Hỗ trợ phát triển một số nguồn gen quý của tỉnh như: trâu ngố, gà Mông đen, cây tam thất…