Khai thác tiềm năng thủy điện: Cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế
BLC) - Cùng với đất, rừng và các loại tài nguyên, khoáng sản khác, tiềm năng thuỷ điện được xem là một trong những thế mạnh của tỉnh. Khai thác tốt tiềm năng này sẽ tạo cơ hội lớn thúc đẩy KT - XH tỉnh ta phát triển.
Tiềm năng lớn
|
Toàn cảnh thuỷ điện Bản Chát. |
Độ dốc cao và hệ thống sông, suối dày là những yếu tố thuận lợi để tỉnh ta có một lưu lượng thuỷ lưu rất lớn và rất thuận lợi cho việc phát triển thuỷ điện, đặc biệt là thuỷ điện vừa và nhỏ.
Trên sông Đà, ngoài 2 thuỷ điện: Sơn La, Hoà Bình thì Thuỷ điện Lai Châu đã được Quốc hội thông qua, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chuẩn bị khởi công xây dựng vào cuối năm nay tại xã Nậm Hàng (huyện Mường Tè). Đây là thuỷ điện lớn thứ ba cả nước với công suất thiết kế 1.200MW. Hay như sông Nậm Mu đoạn qua huyện Than Uyên, hiện nay 2 công trình Thuỷ điện Bản Chát, Huội Quảng đang được triển khai thi công với tổng công suất phát máy 780MW và sẽ chính thức phát điện các tổ máy vào năm 2012. Trên sông Nậm Na cũng đang có 3 công trình Thuỷ điện Nậm Na 1, Nậm Na 2, Nậm Na 3 với tổng công suất 180MW…
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 70 điểm có thể xây dựng các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ với công suất từ 1 – 30MW. Đây thực sự là nguồn tiềm năng thuỷ điện rất lớn và quan trọng. Nếu khai thác triệt để, nguồn năng lượng này sẽ góp phần không nhỏ vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.
Đến nay, đã có 49 công trình thuỷ điện được phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng với tổng công suất trên 2.418MW. Khi hoàn thành và đi vào hoạt động các công trình này sẽ cung cấp một sản lượng điện lớn bình quân trên 10 tỷ KWh mỗi năm…
Theo đánh giá của Bộ Công thương, nếu không tính đến tiềm năng phát triển thuỷ điện lớn và vừa; tiềm năng thuỷ điện của tỉnh ta đứng thứ 2 trong khu vực các tỉnh biên giới phía Bắc về thuỷ điện nhỏ khi hòa vào lưới điện quốc gia với tổng công suất dự kiến 272MW.
Nhiều cơ hội phát triển kinh tế
Từ việc phát triển thuỷ điện sẽ mở ra hàng loạt những cơ hội trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh ta. Khi các công trình thủy điện hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ sản xuất một sản lượng điện năng lớn hoà vào lưới điện quốc gia, làm giảm tình trạng thiếu hụt điện năng trong cả nước cũng như tỉnh ta như hiện nay. Không những thế, việc phát triển thuỷ điện còn đem lại cơ hội cho nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh; tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Hơn thế nữa khi phát triển thuỷ điện, ngân sách của tỉnh sẽ có thêm nguồn thu, đặc biệt là nguồn thu từ quỹ chia sẻ lợi ích từ thuỷ điện để đầu tư cải thiện môi trường sống cho chính những người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Đó là còn chưa kể đến hàng loạt những lợi ích như việc tạo ra ngành nghề mới trong tương lai, phát triển được hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông kỹ thuật, bảo vệ môi trường, điều hoà sinh thái…
Đó chỉ là những thuận lợi chung ở tầm vĩ mô đã, đang và có thể nhìn thấy ở tương lai. Tuy nhiên có những thuận lợi, những cái cụ thể, vi mô mà chúng ta đã và đang nhìn thấy ngay trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như việc xây dựng Thuỷ điện Sơn La, dù chưa thể nhìn thấy ngay cái thuận lợi trong giao thông đường thuỷ giữa tỉnh ta và các tỉnh bạn. Hay việc phát triển các ngành nghề mới như du lịch sinh thái, phát triển thuỷ sản… Nhưng chúng ta có thể nhìn thấy ngay việc bố trí sắp xếp lại hàng nghìn hộ dân tại các khu tái định cư gắn với vùng quy hoạch phát triển cây công nghiệp mà cụ thể là phát triển cây cao su của tỉnh như hiện nay. Không chỉ vậy, từ việc tái định cự mà cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại ở những vùng này có cơ hội được đầu tư đồng bộ. Đời sống của người dân cũng ổn định và phát triển hơn.
Ngoài ra, cũng có thể thấy ngay những lợi ích cơ bản mà thuỷ điện nhỏ mang lại như Thuỷ điện Nậm Sì Lường cung cấp cho trên 100 hộ dân xã Bum Nưa cũng như khối cơ quan hành chính trên địa bàn thị trấn Mường Tè (huyện Mường Tè) trong một thời gian dài, khi mà điện lưới quốc gia chưa đến được với trung tâm huyện, mặc dù công suất thiết kế của thuỷ điện này rất nhỏ chỉ 0,5MW…
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh ta vào cuối tháng 1/2010, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đánh giá: Thuỷ điện là một lợi thế lớn của Lai Châu, việc xây dựng các nhà máy thuỷ điện sẽ tạo cơ hội để tiến hành quy hoạch, xây dựng hệ thống giao thông, sắp xếp dân cư và hình thành thêm những ngành nghề sản xuất mới cho các hộ tái định cư. Tổng Bí thư nhấn mạnh, xây dựng thuỷ điện sẽ mang lại nguồn ngân sách cho đầu tư phát triển và là cơ hội để Lai Châu thực hiện các mục tiêu xoá đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn và quan trọng hơn là cơ hội để bố trí lại dân cư theo mô hình nông thôn mới với những tiêu chí cụ thể.
Rõ ràng với những lợi ích về kinh tế, xã hội, có thể khẳng định rằng việc phát triển thuỷ điện đã và đang tạo ra nhiều thuận lợi cho tỉnh ta phát triển kinh tế - xã hội. Hơn thế nữa, những cơ hội mới, những ngành nghề mới… trong tương lai từ việc phát triển thuỷ điện mang lại sẽ là cơ hội thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển bền vững.
|