Thứ năm 28/11/2024
in trang
Triển khai các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm
 
Ngày 03/3, UBND tỉnh ban hành Công văn 238 /UBND-NLN, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người.  
    
Theo đó,  yêu cầu Uỷ ban Nhân dân thành phố và các huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và chính quyền cơ sở phối hợp với các đơn vị của ngành Nông nghiệp & PTNT, Y tế tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn Nhân dân đặc biệt là Nhân dân vùng biên giới các quy định của pháp luật về vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm; sự nguy hại của việc nhập khẩu bất hợp pháp gia cầm qua biên giới làm phát sinh và lây lan dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia cầm vào trong nước; tuyên truyền để Nhân dân cam kết không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp gia cầm giống, gà thải loại vào trong nước tiêu thụ; không mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia cầm, lây cho người; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm để người dân chủ động, tích cực tham gia.
  
Tăng cường hoạt động của Tổ công tác liên ngành tại khu vực biên giới, các lối mở, để kiểm tra và xử lý triệt để các đối tượng vận chuyển, tập kết, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; Chủ đầu tư các dự án có liên quan đến con giống vật nuôi trên địa bàn, khi triển khai dự án phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thú y để đảm bảo công tác kiểm dịch theo quy định.
  
Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và chính quyền cơ sở bố trí lực lượng thường trực để phối hợp với ngành thú y tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm khi gia cầm mắc bệnh để xử lý ngay trên diện hẹp; tuyệt đối không được dấu dịch hoặc chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm; chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo sẵn sàng về nhân lực, vật tư, kinh phí để ứng phó khi có dịch xảy ra; tiêu hủy gia cầm, sản phẩm gia cầm nghi nhiễm vi rút cúm gia cầm, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch trên địa bàn.
  
 Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, xử lý tốt chất thải chăn nuôi.
  
 Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 137/QĐ-UBND ngày 28/02/2014 của UBND tỉnh; tăng cường công tác kiểm dịch tại các Chốt, Trạm kiểm dịch; bố trí cán bộ trực 24/24 giờ, lập sổ theo dõi việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật qua Chốt, Trạm; tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm tra việc buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; nếu để động vật và sản phẩm động vật mang mầm bệnh từ các địa phương khác vào tỉnh, phát sinh thành dịch (do các Chốt, Trạm kiểm dịch hoạt động thiếu trách nhiệm) thì Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
  
Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 1229/KH-UBND ngày 20/8/2014 của UBND tỉnh Lai Châu về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2015, trong đó chú trọng thực hiện công tác giám sát lâm sàng, lấy mẫu xét nghiệm chủ động để xác định vi rút cúm gia cầm lưu hành trong môi trường, nhằm phát hiện sớm ổ dịch để xử lý kịp thời không lây nhiễm sang người; tiêu hủy triệt để gia cầm dương tính với vi rút cúm gia cầm theo quy định; chủ động nắm bắt tình hình dịch bệnh động vật trong cả nước, nhất là các tỉnh giáp ranh; kịp thời tham mưu UBND tỉnh các biện pháp xử lý khi có dịch bệnh phát sinh ngoài tầm kiểm soát của UBND cấp huyện.
 
 Xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng thú y cơ sở có đủ khả năng phát hiện các trường hợp nghi ngờ ổ dịch cúm gia cầm để xử lý kịp thời.
 
Các sở, ngành liên quan Sở Công thương tham mưu Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tích cực đấu tranh, ngăn chặn việc vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; đồng thời chủ động phối hợp với cơ quan Thú y trong việc xử lý tiêu hủy gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới để xử lý triệt để mầm bệnh nguy hiểm trên gia cầm.
 
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông chủ trì, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, thanh tra giao thông, thú y tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm việc vận chuyển bất hợp pháp gia cầm, sản phẩm gia cầm trên các phương tiện giao thông.
 
Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh, cân đối, đảm bảo nhu cầu kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch cúm gia cầm nói riêng.
 
Sở Y tế huẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức khám, cách ly và xử lý y tế theo đúng quy trình, kỹ thuật nếu phát hiện ca bệnh.
  
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp & PTNT tăng cường phổ biến, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống và tác hại của dịch cúm gia cầm tới chiến sỹ và đồng bào các dân tộc vùng biên; tăng cường lực lượng tuần tra biên giới nhằm sớm phát hiện, xử lý các đối tượng nhập lậu, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.
 
Thu Hoài