Thứ sáu 29/11/2024
in trang
Cần sớm xây dựng lò mổ tập trung
 
Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, hiện trên địa bàn thị xã Lai Châu có trên 60 cơ sở giết mổ gia súc tại nhà. Và tất cả những điểm giết mổ gia súc không có giấy phép giết mổ.

Hàng loạt phế phẩm từ động vật chưa qua xử lý thường được chủ các cơ sở đổ thẳng ra môi trường. (Ảnh chụp sáng 15/2/2011 tại cơ sở giết mổ của gia đình anh Vũ Thành Nam ở tổ 14, phường Tân Phong, thị xã Lai Châu).

Lý do là vì hiện chưa có văn bản, quy định nào của nhà nước cho phép hoặc quy định rõ sự tồn tại của các cơ sở giết mổ tại nhà. Hơn nữa, đa phần các điểm giết mổ gia súc tại nhà đều không đảm bảo được các tiêu chí về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… như quy định của Pháp lệnh Thú y.
Mặc dù không có giấy phép giết mổ, không đảm bảo các tiêu chuẩn về giết mổ, song các cơ sở giết mổ tại nhà vẫn hoạt động bình thường, bởi nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân thị xã hiện nay rất lớn. Nếu các điểm giết mổ gia súc này không hoạt động thì thị trường sẽ không có thịt để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân. Do đó việc quản lý các điểm giết mổ tại nhà là khó khăn lớn.
Khó khăn đầu tiên phải kể đến là vấn đề quản lý nguồn thu. Theo ông Bùi Thế Chiểu – Trạm phó Trạm Thú y thị xã Lai Châu cho biết: “Bình quân 1 ngày trên địa bàn thị xã các điểm giết mổ gia súc giết mổ trên 100 con lợn, chưa kể trâu, bò, ngựa và các loại gia súc khác thì mới đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân thị xã. Tuy nhiên, do các cơ sở này lại nằm rải rác trong các khu dân cư trong khi lực lượng quản lý của Trạm thiếu nên việc quản lý về số lượng giết mổ và thu phí kiểm dịch, phí giết mổ gặp nhiều khó khăn”.        
Theo đúng quy trình, việc kiểm dịch đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm phải thực hiện trước, trong và sau khi giết mổ. Thế nhưng hiện nay mới chỉ làm được khâu cuối cùng là kiểm dịch tại chợ sau khi gia súc đã được giết mổ và đưa ra thị trường. Sở dĩ như vậy là vì thị xã chưa có lò mổ tập trung. Trong khi lực lượng làm công tác kiểm dịch lại thiếu (Trạm Thú y thị xã Lai Châu chỉ có 3 cán bộ làm công tác này), trong khoảng thời gian từ 3 - 5 giờ sáng không thể đi hết các cơ sở giết mổ để kiểm tra, kiểm dịch theo quy trình kiểm dịch…
Thực tế trên 70% các cơ sở giết mổ gia súc tại nhà không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường. Đa phần những cơ sở này đều không có hệ thống xử lý chất thải sau giết mổ.
Đơn cử như cơ sở giết mổ gia súc của gia đình anh Vũ Thành Nam thuê nhà của bà Cao Thị Phượng, tổ dân phố số 14, phường Tân Phong (thị xã Lai Châu). Trong hai lần các cơ quan chức năng và chuyên môn đến kiểm tra đột xuất (lần 1 vào tháng 5/2010 khi đó gia đình anh Nam thuê nhà của bà Nguyễn Thị Xoa, tổ dân phố số 7, phường Tân Phong để làm cơ sở giết mổ gia súc; lần 2 vào ngày 15/2/2011) cơ sở giết mổ gia súc này đều phát hiện hàng loạt những phế phẩm từ động vật sau giết mổ chưa qua xử lý như: chân, lông, da, xương… của các loại gia súc được chủ cơ sở tống thẳng ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, những phế phẩm này còn được chủ các điểm giết mổ gia súc đổ xuống cống, rãnh thoát nước ra khu vực hồ lắng để vào hồ Thượng lưu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.
Ngoài ra, còn phải kể đến vấn đề tiếng ồn khi các cơ sở tiến hành giết mổ. Bởi đa phần các cơ sở này đều nằm ngay trong các khu dân cư nên ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của các hộ dân, các gia đình xung quanh…
Để giải quyết dứt điểm những vấn đề nêu trên, theo ông Đặng Xuân Hào - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh: “Thị xã Lai Châu cần phải có một lò mổ tập trung. Như vậy việc quản lý nguồn thu, quản lý giết mổ sẽ thuận tiện hơn, phòng tránh được việc lây lan dịch bệnh; việc kiểm tra, kiểm dịch cũng có thể thực hiện được theo đúng quy trình đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa, các chất thải sẽ được xử lý triệt để. Quan trọng hơn là việc giết mổ gia súc sẽ không còn ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân ở các khu dân cư.
 
 
Theo báo Lai Châu