Đó là phát biểu của Giáo sư Phạm Vũ Luận – UVBCHTW Đảng, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT tại buổi làm việc với tỉnh Lai Châu về việc kiểm tra tình hình kết quả phát triển kinh tế -xã hội, tình hình giáo dục và đào tạo sau 10 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu và định hướng phát triển giáo dục – đào tạo đến năm 2020 sáng nay (15/10).
Giáo sư Phạm Vũ Luận – UVBCHTW Đảng, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT phát biểu tại buổi làm việc.
Cùng dự buổi làm việc, về phía Bộ GD&ĐT có đồng chí Trần Công Phong - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đại diện Văn phòng Bộ, các Cục, Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT; các Giám đốc Sở GD&ĐT: Hà Nội, Điện Biên, Lào Cai.
Về phía tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Lò Văn Giàng - Bí thư Tỉnh ủy; Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Chử - Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các sở, ban ngành của tỉnh.
Tại buổi làm việc đồng chí Nguyễn Khắc Chử - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo với đoàn công tác những kết quả nổi bật trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục và đào tạo mà tỉnh Lai Châu đạt được sau 10 chia tách: Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội đã có bước phát triển tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 13%; kết cấu kinh tế - hạ tầng được quan tâm đầu tư và từng bước hoàn thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân 6-7% trên năm; tập trung hoàn thành công tác TĐC cho trên 8.000 hộ, về đích trước 1 năm việc di chuyển dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La, Huội Quảng – Bản Chát gắn với xây dựng NTM.... Trong lĩnh vực giáo dục, quy mô trường, lớp học sinh tăng nhanh theo từng năm học, đến nay toàn tỉnh đã có 433 trường với trên 127 nghìn 500 học sinh, tăng 259 trường gần 70 nghìn học sinh so với năm đầu chia tách. Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực; chính sách đối với học sinh bán trú được thực hiện nghiêm túc, công tác phổ cập giáo dục được quan tâm và cụ thể hóa trong nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm…
Phát biểu tại buổi làm việc đồng chí Lò Văn Giàng - UVBCH TW Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Lai Châu là một tỉnh đặc thù, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân bố thưa thớt, nhận thức của người dân về công tác giáo dục, đặc biệt là ở vùng sâu,vùng xa còn nhiều hạn chế… Do vậy, sau 10 chia tách tỉnh vẫn còn 1.000 lớp học tạm, 207 phòng học nhờ; có hơn 2.300 giáo viên có nhu cầu ở nhà công vụ; nhiều trường chưa được đầu tư xây dựng các phòng chức năng, phòng học bộ môn, nhà hiệu bộ, trang thiết bị, đồ dùng dạy học ở các trường nhất là vùng sâu vùng xa còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới. Trên cơ sở khó khăn đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề xuất với đoàn công tác: Cần có chính sách đặc thù ưu tiên cho Lai Châu; quan tâm và có cơ chế đặc thù cho trường bán trú; chế độ chính sách phù hợp, nhất là đối với giáo viên vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh để cán bộ giáo viên yên tâm công tác; ưu tiên giành nguồn vốn cho Lai Châu để đầu tư mới, nâng cấp trường, lớp học để phục vụ công tác đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí NTM và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.
Kết luận buổi làm việc Giáo sư Phạm Vũ Luận – Bộ Trưởng bộ GD và ĐT đã chia sẻ những khó khăn, thách thức của tỉnh Lai Châu và ghi nhận những kết quả tỉnh đạt được sau 10 năm chia tách nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.