Chủ nhật 1/12/2024
in trang
Triển khai phần mềm truy vết phòng chống dịch Covid-19
 

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Lai Châu vừa ban hành Công văn số 36/CV-BCĐ về việc triển khai phần mềm truy vết phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Công văn nêu rõ: Thực hiện Thông báo số 57/TB-UBND ngày 01/5/2021 của UBND tỉnh về việc Thông báo Kết luận của đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Sở Y tế đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông viết phần mềm truy vết phục vụ công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. Sau một thời gian chạy thử nghiệm phần mềm phiên bản 1.0 đã hoàn thiện và được đưa vào khai thác, sử dụng. Để khai thác tối đa lợi ích do phần mềm mang lại, đảm bảo công tác truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, báo cáo kịp thời… và được sự nhất trí của lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đề nghị các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, các Chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và UBND các huyện, thành phố thực hiện một số nội dung sau:

1. Chính thức áp dụng phần mềm truy vết để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lai Châu kể từ ngày 04/5/2021.

- Truy cập trang web: http://truyvet.laichau.gov.vn.

- Khai báo chính xác thông tin trên phần mềm.

- Chụp lại màn hình sau khi hoàn thành, ghi nhớ mã tra cứu của mình để truy xuất cập nhật thông tin khi di chuyển.

(Xem Hướng dẫn sử dụng phần mềm khai báo y tế tại đây)

2. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về việc áp dụng và tiến hành khai báo, cập nhật thường xuyên thông tin cá nhân lên phần mềm, đặc biệt là đối với người di chuyển vào địa bàn tỉnh Lai Châu.

- Chỉ đạo các nhà mạng Viettel, Vnpt, Mobiphone… trên địa bàn tỉnh hỗ trợ thông tin về việc khai báo trên phần mềm đến tất cả số thuê bao điện thoại di động trên địa bàn tỉnh trong 5 ngày liên tiếp để mọi người dân biết để khai báo.

- Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn sử dụng phần mềm. Tập huấn cho cán bộ y tế, tổ giúp việc, tổ tổng hợp xử lý số liệu … để khai thác triệt để tính năng của phần mềm phục vụ tốt nhất cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Nghiên cứu bổ sung tính năng khai báo y tế khi người bệnh, người nhà người bệnh khi đi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong phiên bản 2.0.

- Thường xuyên cập nhật, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm tối ưu đảm bảo nguyên tắc: thân thiện, dễ sử dụng, dễ khai báo, đầy đủ thông tin cần thiết để ngành y tế khai thác và sử dụng dữ liệu hiệu quả. Truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, gọn và thống kê số liệu chính xác, kịp thời.

- Phối hợp Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế hướng dẫn các nhà xe trong kiểm soát việc khai báo thông tin của hành khách đi trên các phương tiện vận tải hành khách (đặc biệt là người vào địa bàn tỉnh).

- Chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan xây dựng dự toán kinh phí tổ chức thực hiện gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt.

3. Sở Y tế

- Tổ chức áp dụng, khai thác, sử dụng phần mềm trong toàn bộ hệ thống, mạng lưới y tế trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn sử dụng phần mềm. Tập huấn cho cán bộ y tế, Chốt kiểm soát dịch bệnh, tổ giúp việc, tổ tổng hợp xử lý số liệu … để khai thác triệt để tính năng của phần mềm phục vụ tốt nhất cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Bổ sung tính năng khai báo y tế khi người bệnh, người nhà người bệnh khi đi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong phiên bản 2.0

- Kịp thời phát hiện các lỗ hổng, khó khăn, bất cập phát sinh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông kịp thời sửa đổi, nâng cấp phần mềm cho phù hợp với điều kiện thực tế.

4. Sở Giao thông vận tải

- Tuyên truyền và cung cấp code QR cho các nhà xe kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh để thực hiện khai báo y tế.

- Tất cả các xe vận tải hành khách: yêu cầu và bắt buộc tất cả các hành khách phải khai báo y tế trên phần mềm (đặc biệt là người vào địa bàn tỉnh) trước khi lên xe hoặc ngay sau khi ổn định trên xe. Ghi và lưu giữ mã tra cứu của mỗi hành khách để xuất trình khi được cơ quan chức năng kiểm tra (có thể thêm cột mã code vào danh sách hành khách đi xe). Dán code QR trên xe nơi thuận tiện để hành khách quét truy cập phần mềm để khai báo. Trường hợp, hành khách không có điện thoại hoặc không phải điện thoại thông minh hoặc không tự khai báo được thì lái xe, phụ xe có trách nhiệm lấy thông tin và khai báo hộ cho hành khách.

- Xử lý tất cả các xe, nhà xe khi có hành khách đi xe không khai báo y tế.

5. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong công văn này.

6. Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và UBND các huyện, thành phố

- Tích cực tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang thuộc thẩm quyền quản lý và nhân dân, cộng đồng dân cư nơi đứng chân, sinh sống: thực hiện khai báo y tế qua phần mềm truy vết để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

- UBND các huyện Than Uyên, Tam Đường, Nậm Nhùn: mua sắm, trang cấp cho mỗi Chốt kiểm soát dịch trên địa bàn 01 bộ máy vi tính và đường truyền Internet để các Chốt có đủ điều kiện để hoạt động.

7. Các Chốt Kiểm soát dịch Covid-19

- Khai thác, kiểm soát thông tin người vào địa bàn tỉnh thông qua mã code do nhà xe hoặc cá nhân xuất trình khi qua chốt.

- Yêu cầu người vào địa bàn tỉnh khai báo trên phần mềm (nếu chưa khai báo) cập nhật bổ sung thông tin (nếu khai báo chưa đầy đủ hoặc chưa cập nhật thông tin theo thời gian thực). Đảm bảo tất cả người vào địa bàn tỉnh phải được khai báo và có thông tin trên phần mềm.

- Thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch khi phát hiện thông tin khai báo có nguy cơ của người trên xe, phương tiện hoặc thông tin của bất kể công dân nào có nguy cơ (người đi bộ qua chốt).

- Cử cán bộ, chiến sỹ thường trực 24/24h để theo dõi phần mềm.

8. Các cơ sở y tế

- Cử cán bộ y tế chuyên trách thường trực 24/24h để theo dõi phần mềm. Khi có thông tin của công dân có nguy cơ phải lập tức tham mưu cho lãnh đạo đơn vị để thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Trường hợp trên địa bàn có yếu tố nguy cơ phải khẩn trương nhập thông tin của người tiếp xúc với yếu tố dịch tễ lên phần mềm khi đội điều tra xác minh gửi về.

- Thực hiện công tác báo cáo theo quy định.

Trong quá trình áp dụng phần mềm đề nghị các đơn vị kịp thời phản ánh các khó khăn vướng mắc phát sinh theo địa chỉ nhóm fanpage của tỉnh để được tháo gỡ kịp thời https://www.facebook.com/ubndtinhlaichau.


 

 
BBT