Tin tức sự kiện
Thứ năm 28/11/2024
Kiểm điểm và đánh giá kết quả trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác
 
Ngày 12/10, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã họp trực tuyến với các địa phương, kiểm điểm và đánh giá kết quả trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác.
 
Kiểm điểm tình hình tại các địa phương cho thấy một thực trạng là trong gần 68.000 ha rừng chuyển đổi mục đích khác đến nay, diện tích trồng rừng thay thế mới đạt thấp, trồng thay thế được 16.000 ha, đạt 24%. Trong đó, khó khăn nhất là các dự án chuyển sang mục đích xây dựng công trình công cộng, diện tích rừng phải thay thế từ việc xây dựng các công trình này trên 30.000 ha nhưng mới trồng thay thế đạt 8,2%. Các dự án thủy điện là gần 18.000 ha, đến nay trồng rừng thay thế đạt trên 51%, các dự án chuyển sang mục đích kinh doanh là 20.000 ha, trồng thay thế được 22%. Nguyên nhân của tình trạng này là công tác chỉ đạo ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt. Nhất là ở các công trình công cộng, nhiều các địa phương chưa chủ động bố trí vốn NSNN để thực hiện. Nhiều chủ dự án không chủ động trong xây dựng phương án trồng rừng thay thế cũng như thực hiện nộp tiền.
 
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ, việc trồng rừng thay thế là một trong những giải pháp quan trọng trong chủ trương bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái hướng tới phát triển bền vững. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là nhất quyết phải đảm bảo mục tiêu, kế hoạch mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.
 
Thực hiện theo Nghị định 23/2006/NĐ-CP, Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ, từ nay trở đi, các dự án mới khi phê duyệt đầu tư, báo cáo khả thi thì phải có phương án trồng rừng thay thế, quỹ đất cụ thể… "Coi đây là một nội dung quyết định tính khả thi của dự án, nếu diện tích trồng bù quá lớn, hoặc không có quỹ đất thì coi như dự án này không hiệu quả về KTXH, không khả thi và xem xét "loại" ngay", Phó Thủ tướng kiên quyết yêu cầu.
  
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các dự án thủy điện đã vận hành trước hết phải nghiêm chỉnh triển khai và đảm bảo yêu cầu đặt ra về diện tích trồng rừng thay thế theo đúng lộ trình và báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới theo chương trình giám sát dự kiến. Đối với các dự án mới hoặc sắp đưa vào cũng sẽ được rà soát, có lộ trình phương án cụ thể.
 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Trọng Quảng phát biểu tham luận tại hội nghị trực tuyến  tại điểm cầu tỉnh Lai Châu
 
"Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi việc thực hiện trồng rừng thay thế này. Chủ đầu tư nào không thực hiện thì xem xét rút giấy phép hoạt động... Các địa phương rà soát lại các dự án trước đây không có phương án trồng bù rừng, làm việc với chủ đầu tư để có lộ trình nộp tiền quỹ phát triển rừng, lấy từ chi phí sản xuất", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Về phần diện tích 50.000 ha dự án khác, trong đó có hơn 30.000ha là diện tích rừng chuyển đổi mục đích xây dựng dự án công trình công cộng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lưu ý việc bố trí vốn với lộ trình triển khai trong những năm tới, đảm bảo mục tiêu độ bao phủ rừng, tăng thêm diện tích xanh hóa, bảo đảm môi trường sinh thái.
 
Phó Thủ tướng cũng đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả, phù hợp ở một số địa phương như Nghệ An cho lồng ghép với các dự án đang làm, chủ đầu tư hỗ trợ tiền cho 1 dự án trồng rừng nào đó thực hiện luôn, hoặc như Lai Châu giao khoán cho dân trồng, chủ đầu tư nộp tiền vào quỹ của địa phương để bố trí nguồn lực, phương án trồng bù,... Lưu ý các dự án trồng bù phải chú trọng hơn tới chất lượng, bảo đảm yêu cầu môi sinh bằng và tốt hơn diện tích rừng bị thay thế.
 
Hùng Cường
 print   send mail