Đó là nội dung chính của Công điện số13 /CĐ-UBND được UBND tỉnh ban hành ngày 30 / 9.
Công điện nêu rõ: Vi rút Cúm gia cầm (A/H5N6) là một chủng vi rút cúm gia cầm mới xuất hiện từ năm 2014, vi rút này có khả năng lây lan và làm tử vong cho người (tại Tứ Xuyên - Trung Quốc); hầu hết các chủng vi rút cúm khi gây bệnh cho người đều có những biểu hiện lâm sàng giống nhau như sốt, ho, mệt mỏi... song việc nhận diện và phân biệt các chủng vi rút cúm hiện nay đều phải dựa vào xét nghiệm.
Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, hiện nay trên đàn gia cầm và môi trường tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã có sự lưu hành của vi rút Cúm gia cầm (A/H5N6), cụ thể: Qua các đợt lấy mẫu để giám sát vi rút Cúm gia cầm tại 04 chợ trong 03 đợt vào tháng 7, 8/2015 trên địa bàn tỉnh, đã phát hiện nhiều mẫu dương tính với vi rút cúm A/H5N6 tại huyện Mường Tè, thành phố Lai Châu; ngày 28/9/2015 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N6 đã lần đầu tiên được phát hiện tại Trại Thực nghiệm gia cầm thuộc Trung tâm Dạy nghề huyện Tam Đường trên địa bàn xã Bình Lư, huyện Tam Đường (đây là ổ dịch Cúm gia cầm đầu tiên phát ra trên địa bàn tỉnh Lai Châu kế từ năm 2004). Theo đặc điểm dịch tễ của bệnh Cúm gia cầm, với điều kiện thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay sẽ làm giảm sức đề kháng của gia cầm, thích hợp cho mầm bệnh phát sinh, phát triển, nguy cơ dịch bệnh bùng phát và là lây lan sang người trên địa bàn tỉnh là rất cao.
Tăng cường các biện pháp cấp bách, nhanh chóng dập tắt ổ dịch tại xã Bình Lư, ngăn chặn, hạn chế nguy cơ dịch Cúm gia cầm A/H5N6 lây lan và bùng phát thành dịch lớn trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Tam Đường chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND các xã, thị trấn phối hợp cùng lực lượng của các ngành chức năng triển khai ngay các biện pháp cấp bách để bao vây vùng dịch trên địa bàn, nhanh chóng khống chế, dập tắt dịch bệnh, không để lây lan ra các vùng lân cận; xử lý tiêu hủy gia cầm bệnh theo quy định hiện hành. Triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm.
Đối với thành phố và các huyện khác khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tại địa phương; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn (Phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế, Trạm Thú y, Trung tâm Y tế) phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân về tác hại và sự nguy hiểm của vi rút Cúm gia cầm A/H5N6; yêu cầu người chăn nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn khi phát hiện gia cầm ốm, chết bất thường hoặc nghi ngờ mắc bệnh; tuyệt đối không được giấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh, giết mổ, vứt xác gia cầm chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh; không buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y.
Tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận trang trại, hộ chăn nuôi, hộ ấp nở gia cầm; quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm tại địa phương để phát hiện nhanh các trường hợp gia cầm mắc bệnh, chết, nghi nhiễm vi rút Cúm gia cầm để có các biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, xử lý tốt chất thải chăn nuôi; thực hiện nghiêm túc việc vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường tại khu vực ổ dịch, vùng có nguy cơ cao, các chợ, hộ kinh doanh, chăn nuôi có mẫu dương tính với cúm A/H5N6 theo hướng dẫn và giám sát của cơ quan thú y.
Chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo sẵn sàng về nhân lực, vật tư, kinh phí để ứng phó khi có dịch xảy ra. Bố trí, sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để triển khai các biện pháp phòng chống dịch ngay trên diện hẹp.
Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm lực lượng cán bộ Thú y, Công an, Quản lý thị trường, … tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc buôn bán, vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc nhập lậu qua biên giới.
Các đơn vị thực hiện các dự án có nhập giống vật nuôi đặc biệt là gia cầm phải đảm bảo con giống phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch đầy đủ theo quy định, đồng thời phải thông báo cho cơ quan Thú y trước khi đưa gia cầm giống vào địa bàn và cấp cho các hộ chăn nuôi.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường cán bộ phối hợp cùng UBND huyện Tam Đường khẩn trương triển khai các biện pháp để khống chế ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng. Kiểm tra, giám sát lâm sàng, tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm để xác định vi rút Cúm gia cầm lưu hành trong môi trường, chợ buôn bán gia cầm sống, trên gia cầm nhập lậu qua biên giới (nếu có), khu vực chăn nuôi có nguy cơ lây nhiễm cao, nhằm phát hiện sớm ổ dịch để xử lý kịp thời không để lây nhiễm sang người. Tiêu hủy triệt để gia cầm mắc bệnh lâm sang, chết nghi do nhiễm Cúm gia cầm hoặc dương tính với vi rút Cúm gia cầm theo quy định.
Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập vào địa bàn tỉnh và từ khu vực biên giới vào nội địa; phối hợp với lực lượng Công an, Quản lý thị trường, chính quyền sở tại xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các trạm, chốt kiểm dịch động vật đầu mối giao thông với các tỉnh; tăng cường giám sát dịch bệnh tại cơ sở, xử lý kịp thời để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng.Chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động nắm bắt tình hình dịch bệnh động vật trong cả nước, nhất là các tỉnh giáp ranh; tổng hợp, báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh về UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo.
Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức khám, cách ly và xử lý y tế theo đúng quy trình, kỹ thuật nếu phát hiện ca bệnh.
Giám đốc Sở Công thương tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện "Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép" theo Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 27/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị thường phối hợp với lực lượng Thú y, Công an tăng cường kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm.
Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng phối hợp với cơ quan Thú y, Quản lý thị trường, Thanh tra giao thông và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, tiến hành điều tra, xử lý các trường hợp buôn bán, kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm làm lây lan dịch bệnh.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp cùng lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các xe chở khách vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép.
Giám đốc Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh, cân đối, đảm bảo nhu cầu kinh phí cho công tác phòng chống dịch Cúm gia cầm (Cúm A/H5N6) .
Sở Thông tin chỉ đạo đơn vị phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, các đơn vị liên quan tăng cường nội dung, thời lượng các tin, bài, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ, tác hại, các biện pháp phòng, chống và diễn biến của dịch bệnh Cúm gia cầm (Cúm A/H5N6) để người dân biết, chủ động, tích cực tham gia.& Truyền thông, Tổng biên tập Báo Lai Châu, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh
Uỷ ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn thể Nhân dân tham gia thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Cúm gia cầm A/H5N6.